Dự án thoát nước chống ngập trên đường Nguyễn Ái Quốc đoạn từ ngã tư Tân Phong đến cầu Săn Máu đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh gấp rút triển khai để kịp mùa mưa sắp tới.
Dự án thoát nước chống ngập trên đường Nguyễn Ái Quốc đoạn từ ngã tư Tân Phong đến cầu Săn Máu đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh gấp rút triển khai để kịp mùa mưa sắp tới. Đây là đoạn đường vào mùa mưa ngập nước khá dài và sâu hết sức phức tạp của TP.Biên Hòa. Kinh phí cho dự án này khoảng 28 tỷ đồng.
Công nhân thi công tuyến thoát nước trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). |
Xây dựng hệ thống thoát nước ngầm lớn dưới lòng đường không hề dễ dàng, đặc biệt đối với đường Nguyễn Ái Quốc do đoạn này mặt đường hẹp nên việc thi công khó khăn. Thời tiết hiện khá bất thường, hay có những trận mưa lớn đột xuất khiến đơn vị thi công lo ngay ngáy.
Thi công từng đoạn nhỏ
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, theo khảo sát đoạn đường Nguyễn Ái Quốc đoạn từ ngã tư Tân Phong đến cầu Săn Máu khi mưa xuống ngập rất nhanh và rút chậm, bởi lượng nước từ các đường hẻm thuộc phường Tân Hiệp đổ về. Trong khi đó, ở đây không có hệ thống thoát nước đủ lớn, vì vậy dù ở ngay bên suối Săn Máu nhưng đường cứ mưa là ngập.
Ông Nguyễn Bá Khuông, người dân sinh sống trên đoạn đường này (thuộc KP.1, phường Trảng Dài), cho biết lượng nước khi mưa dồn về đây khá mạnh có những đoạn ngập sâu gần 1m nước và kéo dài gần 1km. Cũng theo ông Khuông, nguyên nhân là nơi đây không có đường thoát xuống suối. “Mùa mưa năm ngoái lúc cao điểm thì trên đường ngập sâu, còn dưới suối Săn Máu lượng nước dâng lên không đáng kể” - ông Khuông nói.
Ông Nguyễn Văn Thuận, quản lý đơn vị thi công công trình này, cho biết toàn bộ đoạn đường ngập nước này được đặt hệ thống cống hộp vuông 1,6m dưới lòng đường, nước sẽ thoát theo hệ thống cống ra suối Săn Máu. Thi công đặt cống thoát nước lớn trên trục đường chính như đường Nguyễn Ái Quốc không mấy dễ dàng bởi lượng xe lưu thông qua lại lớn. Ông Thuận cho hay, để đáp ứng tiến độ đến tháng 6-2017 phải hoàn thành, đơn vị đã phải triển khai 5 mũi thi công. Ông Thuận trăn trở: “Chỉ hơn 800m đường mà triển khai tới 5 mũi thi công như vậy là quá dày, không thể tăng thêm được nữa bởi sẽ kẹt đường. Mỗi đoạn thi công dài nhất chỉ 25m nên rất tốn thời gian, chúng tôi lo nhất là mưa xuống nước nổi lên sẽ không làm được”. Quả thực, có những đoạn phải đào sâu tới hơn 5m để đặt cống.
Khó khăn do rác vứt bừa bãi
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, tiến độ thi công hiện nay đang được đẩy rất cao. Tuy nhiên, lo ngại nhất là việc vướng mặt bằng tại điểm đấu nối với suối Săn Máu. Tại đây vẫn còn 1 hộ chưa nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nếu UBND TP.Biên Hòa không sớm giải quyết xong trường hợp này, có thể ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Hệ thống thoát nước được xây dựng khá quy mô, nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, dù hệ thống chống ngập có lớn nhưng nếu người dân không hợp tác, vứt rác bừa bãi thì đường vẫn ngập. Cũng theo ông Tuấn, các vỉ sắt chắn rác tại những điểm thu nước do nằm trên đường đảm bảo cho xe đi lên được thì không thể làm khe quá lớn. Vì vậy, nếu rác nhiều bít các miệng thu nước này, đường sẽ vẫn bị ngập. Việc này đã xảy ra tại điểm ngập nước trên quốc lộ 1 khu vực đường vào Nhà máy nước Thiện Tân (thuộc phường Tân Biên). Nơi đây cũng đã được đầu tư hệ thống cống thoát nước lớn, nhưng người dân vứt rác lấp kín hết các miệng cống thu nước, mỗi khi mưa lớn nước không xuống được cống thoát nên đường vẫn ngập. UBND phường Tân Biên đã đặt các thùng rác tại những điểm này, nhưng người dân vẫn vô tư vứt rác bên ngoài.
Vân Nam