Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới với 5 đơn vị cấp huyện và 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời có 7 xã về đích nông thôn mới nâng cao.
Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới với 5 đơn vị cấp huyện và 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời có 7 xã về đích nông thôn mới nâng cao.
Vườn bưởi da xanh ruột hồng cho lợi nhuận cao tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất). |
Riêng năm 2016, tỉnh có thêm 1 huyện, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là bước đột phá đầy ấn tượng vì đến đầu tháng 12-2016, toàn tỉnh mới có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỉnh cũng thuộc tốp đầu trong tăng trưởng ngành nông nghiệp của cả nước. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trong năm 2016 ước đạt trên 29,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước là 1,4%.
Đột phá vào phút cuối
Nông dân xã nông thôn mới nâng cao của TX.Long Khánh có thu nhập cao Hiện TX.Long Khánh đang dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm 2016, TX.Long Khánh có 3/7 xã của cả tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm: Bình Lộc, Xuân Tân và Suối Tre. Đây cũng là các địa phương thuộc tốp đầu về thu nhập của người dân. Trong đó, xã Xuân Tân đứng đầu với thu nhập bình quân đạt trên 55 triệu đồng/người/năm, cao hơn 10 triệu đồng/người/năm theo tiêu chuẩn của tỉnh; xã Suối Tre đạt thu nhập trên 53,8 triệu đồng/người/năm; xã Bình Lộc đạt trên 52,3 triệu đồng/người/năm. |
Ngay từ đầu năm 2016, phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đối mặt với nhiều khó khăn do những xã đăng ký thực hiện nông thôn mới trong năm nay có nhiều tiêu chí vướng hơn. Mặt khác, có nguyên nhân một số tiêu chí có yêu cầu cao hơn so với trước. Những tiêu chí bị vướng chủ yếu là về đầu tư giao thông nông thôn, trường học, chợ, cơ sở văn hóa... do khó khăn về nguồn vốn. Cụ thể, tiêu chí trường học cần thời gian và nguồn kinh phí lớn để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.
Đầu tháng 12-2016, Hưng Lộc là xã đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc Nguyễn Văn Hiền, để đạt thành quả là địa phương “đi trễ nhưng lại về sớm” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao là nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc. “Chúng tôi phân loại những tiêu chí cơ bản, đã có nền móng từ trước thành một nhóm; những nội dung khó xếp vào một nhóm để từ đó có cách giải quyết riêng lẻ, linh động” - ông Hiền nói.
Nhưng cuối năm, Đồng Nai bất ngờ tăng tốc vượt mục tiêu về số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Số lượng đơn vị đạt chuẩn huyện nông thôn mới chậm hơn so với mục tiêu đề ra, nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn được đánh giá rất cao vì phát triển theo hướng đi bền vững và sâu về chất lượng. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2016 không chỉ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn tập trung chuyển đổi sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng nông thôn và thành thị. Đây cũng là mục tiêu cơ bản của việc nâng chất xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai.
Đạt cả lượng và chất
Việc tập trung đi sâu vào chất lượng chứ không chỉ chạy theo số lượng được thể hiện khá rõ qua các chỉ tiêu đề ra trong Bộ tiêu chí nông thôn mới tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tỉnh đề ra mục tiêu về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 44 triệu đồng/người vào năm 2017 và tăng lên 59 triệu đồng vào năm 2020. Nhìn vào thực tế, mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được vì hiện ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiêu chí thu nhập đều đạt từ gần 49 triệu đồng đến trên 55 triệu đồng/người/năm, cao hơn rất nhiều so với chuẩn của tỉnh là 45 triệu đồng/người/năm.
Điều này còn được thể hiện qua việc ngành nông nghiệp của tỉnh luôn giữ mức tăng trưởng ổn định. Trong năm 2016, tuy ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là bất lợi về thời tiết nhưng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn tăng gần 4%. Đây cũng là năm tỉnh đạt hiệu quả bước đầu cho nhiều chương trình, đề án lớn trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn hướng đến thị trường xuất khẩu. Cụ thể, dự án cánh đồng lớn trên cây ca cao đã xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hàn Quốc; dự án cánh đồng lớn ca cao trồng xen canh trong vườn điều với quy mô cả ngàn hécta thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia; đề án xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ heo VietGAHP vào thị trường TP.Hồ Chí Minh với hàng trăm hộ chăn nuôi tham gia…
Bình Nguyên