Các dự án thuộc dạng ưu tiên của TP.Biên Hòa hiện nay gồm xây dựng hạ tầng giao thông và hệ thống thoát nước. Đây là 2 vấn đề cấp bách được đặt ra khi tình trạng ùn tắc giao thông và ngập nước trong mùa mưa ngày càng nặng.
Các dự án thuộc dạng ưu tiên của TP.Biên Hòa hiện nay gồm xây dựng hạ tầng giao thông và hệ thống thoát nước. Đây là 2 vấn đề cấp bách được đặt ra khi tình trạng ùn tắc giao thông và ngập nước trong mùa mưa ngày càng nặng.
Đường Đồng Khởi thường xuyên xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm hoặc sau những trận mưa lớn. |
Những dự án hạ tầng này “ngốn” một số vốn khổng lồ, thành phố không đáp ứng nổi và nguồn ngân sách của tỉnh cũng hạn hẹp. Nếu như dự án thoát nước của thành phố đang trông chờ vốn vay ODA thì dự án giao thông vẫn khá mờ mịt.
* Siêu dự án
Hai dự án giao thông trọng điểm của TP.Biên Hòa là đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp (nối từ Trường tiểu học Trảng Dài đến gần ngã tư Amata) và đường ven sông Cái (từ phường Quyết Thắng đến phường An Bình) cần phải làm ngay để phá vỡ thế độc đạo cho 2 trục đường chính là đường Đồng Khởi và đường Phạm Văn Thuận hiện đang quá tải.
Mọi khía cạnh của 2 dự án này đã được đặt ra ở rất nhiều cuộc họp, đặc biệt đường ven sông Cái đã bàn thảo nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa khởi công được. Theo tính toán sơ bộ của TP.Biên Hòa, chỉ riêng dự án đường ven sông Cái hiện cần khoảng 3 ngàn tỷ đồng, đây được xem là “siêu dự án” về giao thông nếu so với nguồn ngân sách đang khá hạn hẹp của tỉnh, và hiện tại dự án vẫn chưa có hướng đi nào phù hợp về vốn để nhanh chóng triển khai.
Với đường liên phường, nguồn vốn đáp ứng cũng cần trên 1 ngàn tỷ đồng. Ông Nguyễn Tấn Long, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết dự án đường liên phường đang được giới thiệu cho một nhà đầu tư theo hình thức BT đổi đất lấy công trình. Tuy nhiên, khu vực đất tại phường Tân Phong mà thành phố giới thiệu cho chủ đầu tư không đủ giá trị đổi, hiện đang giới thiệu tiếp khu vực đất khác cho nhà đầu tư xem xét. “Khu vực đất dự kiến làm BT cho dự án tại phường Tân Phong do không có đường vào nên nhà đầu tư phải làm cả tuyến nối từ đường Nguyễn Ái Quốc sang cầu Đồng Khởi (đoạn sau Bệnh viện tâm thần trung ương 2), vốn đội lên nhiều quá, nhà đầu tư tính toán thành phố phải bù thêm khoảng 1 ngàn tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, song phương án này thành phố không chịu nổi” - ông Long nói.
* Khó chờ vốn ngân sách
Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho rằng những dự án xây dựng giao thông của TP.Biên Hòa cần tìm cách xã hội hóa để làm, nếu chỉ chờ vào vốn ngân sách sẽ không thực hiện được. “Cần khẳng định là vốn ngân sách hiện tại rất eo hẹp, kể cả vốn đầu tư trung và dài hạn. TP.Biên Hòa phải nghĩ cách nào đó, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách là thua” - ông Dũng khẳng định.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã chỉ đạo UBND TP.Biên Hòa rà soát quy hoạch xem xét lại quỹ đất để làm nguồn đấu giá phục vụ cho phát triển giao thông của thành phố. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, 2 vấn đề Biên Hòa hiện nay cần ưu tiên số một là giao thông và thoát nước, cần phải giải quyết ngay. Lãnh đạo tỉnh cũng gợi ý, phương án đổi đất lấy công trình có thể thực hiện bằng khu vực đất đã có sẵn hoặc sử dụng nguồn đất hai bên đường mới mở ra.
Với dự án đường ven sông Cái, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP.Biên Hòa nghiên cứu theo phương án chia nhỏ dự án ra để thực hiện. Phó chủ tịch UBND tỉnh sốt ruột: “Không nên cầu toàn quá để rồi dự án này 5 năm hay 10 năm nữa rất đẹp nhưng chỉ nằm trên giấy”. Theo ông Vĩnh, đây là dự án giảm ùn tắc giao thông cần chia thành nhiều đoạn kết nối với đường Phạm Văn Thuận và ưu tiên thực hiện theo từng đoạn, cả tuyến có thể hoàn tất trong vài năm. Vốn đầu tư cũng huy động theo nhiều hình thức mới thực hiện được.
Khắc Giới