Gần 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu nông sản của Đồng Nai có 5/6 mặt hàng giá giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.
Gần 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu nông sản của Đồng Nai có 5/6 mặt hàng giá giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu nông sản cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của các nước khác. Theo nhiều dự đoán, thời gian tới giá xuất khẩu vẫn khó có khả năng tăng cao hơn.
Mì cắt lát khô tại Công ty TNHH Thành Đạt Phát (huyện Xuân Lộc). |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu cà phê, cao su, tiêu, nhân hạt điều, mì và sản phẩm từ mì giá giảm mạnh. Trong đó, 2 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là cà phê và cao su có giá giảm nhiều nhất, từ 150-200 USD/tấn.
* Xuất khẩu nhiều nhưng kém vui
Các doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu gần 147,6 ngàn tấn cà phê với kim ngạch 238,2 triệu USD. Về số lượng thì tăng trên 62%, nhưng giá trị chỉ tăng 28,4%. Điều này cho thấy, tuy sản lượng xuất khẩu tăng khá cao nhưng giá xuất khẩu lại hạ rất nhiều nên lợi nhuận của người trồng cà phê cũng như doanh nghiệp xuất khẩu đều giảm.
Đại diện Tổng công ty Tín Nghĩa cho biết từ đầu năm đến nay, tổng công ty xuất khẩu hơn 60 ngàn tấn cà phê sang khoảng 60 quốc gia, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá cà phê xuất khẩu bình quân chỉ đạt 1.700 USD/tấn, giảm khoảng 200 USD/tấn so với năm trước. Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu cà phê của Đồng Nai ngày càng được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới, không còn bị lệ thuộc vào một số thị trường như trước, nhưng chủ yếu xuất thô nên giá trị gia tăng thấp.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xuất khẩu gần 10,5 ngàn tấn cao su, kim ngạch 13,5 triệu USD. So với cùng thời điểm năm 2015, sản lượng tăng 17% nhưng giá trị chỉ gần xấp xỉ. Doanh nghiệp xuất khẩu cao su lớn nhất tại Đồng Nai là Tổng công ty cao su Đồng Nai, gần 5 tháng đầu năm xuất khẩu được 9,6 ngàn tấn mủ cao su thiên nhiên có giá bình quân khoảng 28 triệu đồng/tấn, giảm 4,5 triệu đồng/tấn so với năm trước. Trong nước, giá cao su chỉ còn 25-26 triệu đồng/tấn khiến nhiều người trồng cao su phải tạm ngưng khai thác vì giá bán mủ không đủ trả tiền công thuê thợ cạo mủ. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, giá cà phê, cao su trên thế giới trong những tháng tới chỉ dao động ở những biên độ hẹp, khó có khả năng tăng cao đột biến.
* Cạnh tranh gay gắt
Dù mở rộng thêm được nhiều thị trường xuất khẩu, nông sản của Đồng Nai và cả nước vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt với nông sản của các nước trên thế giới, như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ... Khi giá xuất khẩu nông sản giảm, nhiều doanh nghiệp chú ý hơn đến thị trường trong nước bằng cách tìm các đối tác để cung ứng sản phẩm thô chế biến.
Đối với mì lát, trong gần 5 tháng đầu năm, doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu 10,5 ngàn tấn mì được 3,6 triệu USD, chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu tiếp tục giảm. Ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Xuân Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt Phát (huyện Xuân Lộc) chuyên kinh doanh mặt hàng mì, chia sẻ: “Mì cắt lát khô hiện chỉ còn khoảng 3,6 ngàn đồng/kg, giảm trên 1 ngàn đồng/kg so với năm trước. Mì khô xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước chịu sự cạnh tranh gay gắt của mì Campuchia và một số nước khác”. Cũng theo ông Công, giá tiếp tục giữ mức thấp như hiện nay thì vụ mì tới nông dân trong tỉnh sẽ giảm diện tích trồng để chuyển sang các cây trồng khác có giá trị cao hơn.
Theo ông Iijima Isao, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản, Việt Nam muốn nâng cao giá nông sản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và các nước khác thì sản xuất theo quy trình sạch cần chú ý đến khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch. |
“Những năm trước, mì cắt lát khô có thời điểm lên đến gần 6 ngàn đồng/kg. Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay giá hạ liên tục, xuống chỉ còn hơn 3 ngàn đồng/kg. Thị trường xuất khẩu giảm mạnh, một số doanh nghiệp quay về tiêu thụ trong nước lại gặp cạnh tranh với mì Campuchia giá rẻ tràn qua” - ông Hồ Sáu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Việt Nông Lâm (huyện Trảng Bom), nói.
Riêng với hạt tiêu, nếu năm 2015 giá hạt tiêu xuất khẩu có những thời điểm đạt hơn 9 ngàn USD/tấn thì trong gần 5 tháng đầu năm 2016 liên tiếp hạ xuống, chỉ còn bình quân khoảng 8.400 USD/tấn. Việt Nam đang là nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới và sản lượng tiêu của nước ta có thể chi phối được thế giới, song về giá vẫn chưa làm chủ được vì số đông doanh nghiệp vẫn qua trung gian, chưa xuất khẩu trực tiếp sang những nước đang có nhu cầu lớn về mặt hàng này.
Nhân hạt điều là một trong ít mặt hàng nông sản Đồng Nai chế biến sâu trước khi xuất khẩu. Đây từng là mặt hàng có giá trị gia tăng cao vì phần lớn doanh nghiệp không xuất thô. Thế nhưng, mặt hàng này thời gian gần đây sản lượng xuất khẩu có sự sụt giảm mạnh do nguồn nguyên liệu trong nước bị thu hẹp, các doanh nghiệp phải nhập khẩu hạt điều thô về để chế biến. Nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng cao, giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ, doanh nghiệp không có lợi nhuận buộc phải thu nhỏ sản xuất.
Hương Giang