Đồng Nai không thiếu những vùng chuyên canh trái cây, rau quả theo quy trình VietGAP và tỉnh cũng thường xuyên tổ chức kết nối các hợp tác xã, chủ trang trại nhằm đưa nông sản sạch vào siêu thị, thế nhưng...
Đồng Nai không thiếu những vùng chuyên canh trái cây, rau quả theo quy trình VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt theo chuẩn Việt Nam). Tỉnh cũng rất quan tâm, thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối giữa các hợp tác xã, chủ trang trại nhằm đưa nông sản sạch vào siêu thị để có đầu ra bền vững cho nông dân. Tuy nhiên, những đơn vị sản xuất VietGAP của tỉnh vào được kênh tiêu thụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nông dân trồng ổi VietGAP ở Bảo Quang (TX.Long Khánh) gặp khó khăn vì mất kênh tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị. |
Vào được siêu thị đã khó, trụ lại trên các kệ hàng càng khó hơn. Không ít doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất sạch để cung cấp hàng cho siêu thị rồi bỏ cuộc vì thua lỗ. Theo đó, việc thu hút DN đầu tư, liên kết, bao tiêu nông sản sạch cho nông dân của các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn.
* Trăm điều khó
Ổi Bảo Quang (TX.Long Khánh) là một trong số ít những mặt hàng trái cây VietGAP của Đồng Nai sớm vào được kênh tiêu thụ là các hệ thống siêu thị lớn. Nhưng hiện nay, vùng ổi VietGAP này đang có nguy cơ mất dần do DN thua lỗ, ngưng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông Huỳnh Văn Hưng, Tổ phó Tổ hợp tác ổi Bảo Quang, chia sẻ: “Hơn 1 năm nay, DN ngưng thu mua ổi. Những hộ sản xuất ổi sạch phải bán ra thị trường với giá hàng thường. Mỗi khi vào mùa các loại trái cây khác, giá ổi có thể rớt xuống dưới 2 ngàn đồng/kg và thường kéo dài cả vài tháng. Theo đó, nông dân trồng ổi sạch kém thiết tha đầu tư, một phần ổi già cỗi, một phần bị dịch bệnh nên có một số hộ chuyển đổi sang cây trồng khác. Giờ không mấy nông dân mặn mà đăng ký tiếp VietGAP vì hiện không có DN bao tiêu”.
Tuy DN từng bao tiêu ổi cho nông dân đến nay vẫn còn nợ một phần tiền hàng, nhưng nông dân cũng rất thông cảm vì DN rơi vào cảnh thua lỗ buộc phải ngưng hoạt động. Theo ông Hưng, DN trên đã đầu tư không ít vốn để tổ chức vùng ổi VietGAP này, từ hỗ trợ cho nông dân làm ổi sạch đến bỏ chi phí đăng ký chứng nhận VietGAP... Suốt thời gian hoạt động, DN cũng giữ đúng cam kết bao tiêu ổi sạch cho nông dân với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. “Đưa hàng vào siêu thị không dễ: tốn rất nhiều chi phí, yêu cầu khắt khe của siêu thị, nhiều đợt hàng cung cấp cho siêu thị, trong đó không ít đợt đưa ra Hà Nội, chỉ cần phát hiện có một số hàng bị lỗi là bị họ trả về hết khiến DN điêu đứng” - ông Hưng nói.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề kết nối tìm đầu ra cho nông sản sạch, bà Nguyễn Thị Uyên Quyên, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Quang, cho biết: “Nông dân trồng ổi VietGAP đang gặp khó khăn vì DN ngưng bao tiêu sản phẩm. Toàn xã hiện có 88 hécta ổi. Đầu ra bấp bênh là vấn đề lớn nhất của nông dân hiện nay. Địa phương đã tổ chức nhiều chương trình kết nối, thu hút DN về bao tiêu nông sản sạch cho nông dân nhưng vì đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông sản rủi ro còn rất lớn nên DN chưa mặn mà tham gia”.
Theo một số chủ DN chuyên cung cấp các mặt hàng thực phẩm vào siêu thị, còn rất nhiều rào cản để đưa nông sản vào kênh tiêu thụ giàu tiềm năng này. Trong đó, mức chiết khấu cao, thủ tục rườm rà trong khi không phải sản lượng tiêu thụ lúc nào cũng lớn; phải chấp nhận đổi trả hàng tồn; thời gian thanh toán lâu... khiến nhiều đơn vị e ngại đưa hàng vào siêu thị. Không thiếu DN chọn hướng tập trung đầu tư để đưa nông sản đi xuất khẩu thay vì cố chen chân vào siêu thị.
* Nên tính đường dài
Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh), cho hay: “HTX nhiều lần tiếp cận siêu thị nhưng không thành công vì chưa thỏa thuận được về mức giá, sản lượng thu mua... Nhưng khó nhất hiện nay là thời gian thanh toán của các siêu thị thường kéo dài gần cả tháng, trong khi mua hàng của nông dân phải thanh toán ngay nên cần số vốn lưu động rất lớn”. Tuy nhiên, HTX vẫn luôn nỗ lực tìm cơ hội để chôm chôm VietGAP vào được siêu thị để có đầu ra ổn định hơn cho nông dân.
Làm việc tại Đồng Nai bàn về vấn đề hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Yamaguchi Kimio, Tổng giám đốc Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), cho biết thời gian tới doanh nghiệp sẽ đầu tư vào ngành bán lẻ tại Việt Nam. Theo đó, tập đoàn mong chính quyền Đồng Nai giới thiệu cho đơn vị những đối tác cung cấp rau, thịt và những sản phẩm nông nghiệp sạch khác. Những mặt hàng nông sản sạch này sẽ được tổ chức tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị và mạng lưới cửa hàng bán lẻ của Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam. Sojitz cũng sẵn sàng hợp tác với địa phương đầu tư xây dựng mô hình điểm sản xuất GAP, trong đó phía Nhật Bản sẽ tư vấn về kỹ thuật, công nghệ và bao tiêu sản phẩm. |
Trong hội thảo kết nối đưa nông sản vào siêu thị do Sở Công thương tổ chức, HTX đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA) tại TP.Hồ Chí Minh. Hiện 2 bên đang bàn bạc nội dung hợp tác và để gỡ khó về nguồn vốn do chậm thời gian thanh toán, HTX đang mời thương lái tham gia làm thành viên, ứng vốn thu mua cho bà con.
HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh (TX.Long Khánh) là một trong những đơn vị hiếm hoi của Đồng Nai đưa được trái sầu riêng vào siêu thị Nhật Bản. Tuy nhiên, vụ thu hoạch năm nay HTX tạm ngưng cung cấp hàng vào siêu thị. Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Phú Quốc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh, nhận xét: “Chỉ dừng lại ở việc thu mua, cung cấp hàng cho siêu thị theo quy mô nhỏ lẻ thì khó có lợi nhuận. HTX đang xây dựng dự án cánh đồng mẫu lớn cho trái sầu riêng Long Khánh, hướng đến sản xuất hữu cơ. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đầu tư nhà xưởng sơ chế, chế biến sản phẩm sầu riêng và các mặt hàng trái cây đông lạnh khác”. Theo ông Quốc, trong giai đoạn các hệ thống bán lẻ đang rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài, nhất là Thái Lan có nhiều mặt hàng nông sản cạnh tranh trực tiếp với nông sản Việt, thì đây là những bước chuẩn bị cần thiết để nông sản Việt cạnh tranh được khi bước vào hội nhập.
Bình Nguyên