Vận tải hàng hóa hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào đường bộ, trong khi đó chi phí cho vận tải đường thủy rẻ hơn khá nhiều. Đồng Nai là tỉnh có lợi thế lớn vì có nhiều tuyến sông nối với các cảng lớn.
Vận tải hàng hóa hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào đường bộ, trong khi đó chi phí cho vận tải đường thủy rẻ hơn khá nhiều. Đồng Nai là tỉnh có lợi thế lớn vì có nhiều tuyến sông nối với các cảng lớn.
Bốc dỡ hàng tại Cảng Đồng Nai. |
Theo các nhà chuyên môn, nếu khai thác tốt lĩnh vực này sẽ giảm tải cho đường bộ rất lớn, cùng với đó là giảm chi phí cho toàn xã hội khá nhiều.
* Chi phí thấp
Các doanh nghiệp vận tải tính toán nếu hàng hóa vận chuyển từ các khu công nghiệp ở TP.Biên Hòa hay xã Tam Phước về các cụm cảng ở TP.Hồ Chí Minh để xuất khẩu thì chi phí giữa vận tải đường bộ cao hơn so với đường thủy từ 300-400 ngàn đồng/chuyến.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (hoạt động trong lĩnh vực logistics), cho biết chi phí vận tải đường thủy luôn thấp hơn đáng kể so với vận tải đường bộ. Vì vậy, việc kết hợp được giữa vận tải thủy và bộ sẽ làm giảm giá thành khá nhiều cho hàng hóa. Đáng lưu ý là các khu công nghiệp của Đồng Nai có điều kiện thuận lợi để thực hiện việc này. “Hiện nay mật độ giao thông đường bộ vẫn ở mức quá cao, thường xuyên kẹt xe tại các tuyến giao thông chính như đường vào cảng hay các khu công nghiệp. Các biển báo giao thông, tốc độ cho phép xe chạy còn bất cập, phí cầu đường... đã khiến chi phí vận tải đường bộ tăng khá nhiều” - ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai, cũng cho rằng mấy năm gần đây các doanh nghiệp đã lựa chọn phương thức vận chuyển hàng hóa theo đường thủy thay cho đường bộ khá nhiều. Cụ thể là lượng hàng container xếp dỡ qua Cảng Đồng Nai năm 2015 đạt hơn 336 ngàn teus, tăng 25% so với năm 2014 và hàng tổng hợp trên 3,5 triệu tấn, tăng khoảng 10%. Nhiều chủ doanh nghiệp đánh giá rất cao về tiềm năng vận tải đường thủy của Đồng Nai.
Ông Phạm Quang Đỉnh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại ĐiBi (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa), cho biết hiện nay vận tải hàng ở các khu công nghiệp trong tỉnh theo đường thủy chưa xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp này mấy năm gần đây cũng chọn phương án giao hàng ngay tại Cảng Đồng Nai (200 container/năm) thay vì dùng đường bộ vận chuyển hàng về TP.Hồ Chí Minh như trước đây.
* Đầu tư hạ tầng cho đường thủy
Thống kê của Sở Giao thông - vận tải cho thấy, hệ thống đường thủy trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 2.600km, trong đó có khoảng 200km đường thủy của 14 tuyến đang được khai thác vận tải tốt. Cụ thể là 3 tuyến do Trung ương quản lý có chiều dài gần 130km và 11 tuyến do tỉnh quản lý có chiều dài gần 80km.
Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ, đường thủy, cho biết một số tuyến sông có hoạt động vận tải nhộn nhịp như sông Đồng Nai (dài nhất 85km), sông Cái, sông Thị Vải, sông Lòng Tàu. “Với những tuyến sông do tỉnh quản lý có lượng tàu thuyền lưu thông nhiều, chúng tôi đang triển khai đầu tư hệ thống biển báo, đèn tín hiệu để nhằm đảm bảo cho lưu thông vì nhu cầu vận tải đường thủy thời gian gần đây tăng lên đáng kể” - ông Linh nói.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng cho biết, cầu Ghềnh mới được nâng tĩnh không lên 6,5m cũng là cơ hội để phát triển giao thông thủy nội địa của tỉnh. Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tính toán, với tĩnh không của cầu Ghềnh cũ xà lan chỉ chở được khoảng 30 container xếp một lớp, nhưng tĩnh không mới của cầu cao hơn nên xà lan có thể xếp được 3 lớp, chở được 100 container. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải cho phép lập dự án thanh thải 7 vị trí đá ngầm (khoảng 3,5km) tại lòng sông Đồng Nai để nâng cao năng lực vận tải đường thủy trên tuyến sông này.
Khắc Giới