Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu lớn, vẫn lo

11:04, 25/04/2016

Trong gần 4 tháng đầu năm, Đồng Nai xuất siêu 644 triệu USD (số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai). Kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng hầu hết thuộc các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong gần 4 tháng đầu năm, Đồng Nai xuất siêu 644 triệu USD (số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai). Kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng hầu hết thuộc các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Sản xuất tại công ty TNHH Center Power Tech Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch), doanh nghiệp đã tăng vốn mở rộng sản xuất 12 lần.
Sản xuất tại công ty TNHH Center Power Tech Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch), doanh nghiệp đã tăng vốn mở rộng sản xuất 12 lần.

Theo đó, 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt trên 4,7 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn FDI là khoảng 3,9 tỷ USD, khu vực kinh tế tư nhân hơn 666 triệu USD, còn lại là khu vực kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước trên 80 triệu USD. Các DN FDI kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 5%, DN trong nước tăng trên 2%.

* Lợi thế thuộc doanh nghiệp FDI

Kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai có trên 80% thuộc về khối DN FDI. Đây cũng là những DN hưởng được nhiều lợi thế nhất từ Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết. Hầu hết các DN FDI đều có sự chuẩn bị khá kỹ từ 3-4 năm trước về xuất xứ nguyên liệu sản xuất nên khi các dòng thuế xuất, nhập khẩu giảm có thể hưởng ngay các ưu đãi. Thuế giảm, hàng hóa giảm được nhiều chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh thị trường nội địa và xuất khẩu. Không bỏ lỡ cơ hội lớn này, các DN FDI đã liên tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất tại Đồng Nai để xuất khẩu.

Ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho hay: “Những FTA thế hệ mới Việt Nam đã ký kết và đàm phán xong số dòng thuế giảm nhanh và cao hơn nên DN trong nước phải tạo ra lợi thế riêng mới cạnh tranh được với các nước khác. Đồng thời, các DN tìm nguồn nguyên liệu giá rẻ từ các nước cùng tham gia FTA để hưởng các ưu đãi về thuế. Bỏ qua những cơ hội trên, DN sẽ mất dần ưu thế cạnh tranh. DN vừa và nhỏ trong nước tại Đồng Nai đang tỏ ra “hụt hơi” trước các FTA và ít nắm bắt được những lợi thế mang lại và tăng trưởng có xu hướng chậm lại”.

Ông Tsai Yu Ming, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (Đài Loan) ở Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom), cho hay: “Theo lộ trình của các FTA đã ký kết, đến 99% dòng thuế nhập khẩu hàng hóa đã giảm sâu nên Công ty TNHH Great Veca đã thành lập thêm Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền, chuyên sản xuất bàn ghế, giường tủ, móc treo với quy mô 2,5 triệu sản phẩm/năm để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm hưởng các ưu đãi về thuế”.

Hơn 2 năm qua, làn sóng đầu tư từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... vào tỉnh liên tục tăng cao là nhờ các FTA thế hệ mới Việt Nam đã ký kết. “Sau gần 10 năm đầu tư vào Nhơn Trạch, Tập đoàn Vision (Trung Quốc) quyết định tăng vốn từ 5 triệu USD lên 65 triệu USD để sản xuất ắc-quy, pin cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu với quy mô 16 triệu sản phẩm/năm. Thị trường xuất khẩu mà chúng tôi sẽ mở rộng là các nước trong khối ASEAN và cùng tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương” - ông Zhang Hua Nong, Chủ tịch Tập đoàn Vision, nói.

* Doanh nghiệp trong nước yếu thế

Nhiều DN trong nước cho biết, xuất khẩu có tăng nhưng lợi nhuận thu về lại giảm nên chưa mặn mà với việc mở rộng sản xuất. Nguyên liệu nhập khẩu về giá tăng cao, giá điện, công lao động đều tăng khiến chi phí đầu vào của các DN bị đẩy lên trong khi hàng xuất khẩu giá lại hạ. Ông Vũ Văn Bình Nguyên, Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất mây tre lá Phương Uyên (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Mặt hàng mây tre lá xuất khẩu đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc nên giá bán nhiều năm không tăng. Nhưng chi phí về nhân công, nguyên liệu thời gian qua tăng khá cao nên việc giảm thuế sang một số thị trường cũng không bù lại được. Vì thế, lợi nhuận của DN từ 15% giảm xuống còn 5% nên chưa có ý định mở rộng sản xuất”.

Các quy định để hưởng ưu đãi từ những FTA đã ký kết đòi hỏi rất kỹ là nguyên liệu phải sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước cùng tham gia FTA. Thực tế, nguyên liệu sản xuất của các DN Việt phần lớn nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc nên ít được hưởng các ưu đãi. Gần đây, nhiều DN chuyển qua nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước trong khối ASEAN, nhưng giá nguyên liệu khá cao. Sau khi đặt lên bàn cân tính toán việc giảm thuế và nhập khẩu nguyên liệu giá cao cho thấy giảm thuế không bù lại đủ khoản chênh lệch giá nguyên liệu tăng cao, DN Việt đành chấp nhận không được giảm thuế để quay lại nhập nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc để sản xuất.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều