Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục hút vốn từ Nhật Bản

10:04, 24/04/2016

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, đến cuối tháng 4-2016, Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh khoảng 206 dự án với tổng vốn trên 3,71 tỷ USD. Đây là quốc gia xếp thứ 3 trong hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, đến cuối tháng 4-2016, Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh khoảng 206 dự án với tổng vốn trên 3,71 tỷ USD. Đây là quốc gia xếp thứ 3 trong hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào tỉnh.

Sau hơn 20 năm sản xuất tại Đồng Nai, Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 đã tăng vốn lên gấp gần 3 lần ban đầu để mở rộng sản xuất.
Sau hơn 20 năm sản xuất tại Đồng Nai, Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 đã tăng vốn lên gấp gần 3 lần ban đầu để mở rộng sản xuất.

Khoảng 3 năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai, đặc biệt ở các lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư.

* Sẽ đến Đồng Nai nhiều hơn

Phía Đồng Nai cũng hình thành riêng các khu công nghiệp ưu tiên cho doanh nghiệp Nhật Bản, như: Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành), Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái khẳng định: “Đồng Nai coi Nhật Bản là đối tác quan trọng nên hàng năm đều tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại nước này để mời gọi đầu tư vào những lĩnh vực tỉnh còn đang yếu và thiếu. Phần lớn các DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai đều hoạt động hiệu quả”. Gần đây, đa số DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai chọn công nghiệp hỗ trợ - lĩnh vực tỉnh đang tích cực thu hút dự án.

“Sắp tới, sẽ có nhiều DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chế biến của Nhật Bản đến Việt Nam, trong đó có Đồng Nai nhằm tìm hướng liên kết đầu tư. Phía Việt Nam cần xây dựng các tiêu chuẩn rõ ràng về quá trình sản xuất, phục vụ cho xuất khẩu và nâng cao năng lực cho người sản xuất” - ông Masuda Chikahiro, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, chia sẻ.

“Đồng Nai xếp thứ 4 cả nước về thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Các DN Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh. Với lợi thế về giao thông và tới đây sân bay Long Thành được xây dựng, tỉnh sẽ là nơi hút được nhiều DN Nhật Bản hơn nữa so với các tỉnh, thành khác ở phía Nam” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. Theo ông Iijima Isao, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản, từ năm 2013 đến nay nhiều DN Nhật Bản đã chuyển hướng đầu tư từ các nước về Việt Nam. Đến nay, các  DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam gần 3 ngàn dự án với vốn đang ký gần 39 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam - Nhật Bản những năm gần đây cũng tăng, năm 2015 đạt khoảng 28,5 tỷ USD.

* Chú ý đến du lịch và nông nghiệp

GS.Yamada Yoshihiko, đại diện cho một số DN Nhật Bản đang dự tính đầu tư vào Đồng Nai, nhận xét: “Các khu du lịch của Đồng Nai muốn thu hút được lượng đông khách đến tham quan phải tạo ra các chủ đề, như: ngắm hoa, cảnh, triển lãm, hoạt động ngoài trời. Trong các khu du lịch chú ý tạo cảnh quan đường sá, vườn hoa, có thể dùng các loại hoa có ngay tại địa phương để trang trí, tạo điểm nhấn sẽ rất đẹp”. Đại diện một số công ty du lịch của Nhật Bản cho hay, các khu du lịch của Nhật Bản kéo được khách quay lại nhiều lần là vì thiết kế độc đáo, bên trong khuôn viên có nhiều mảng xanh, vườn hoa được chăm chút kỹ lưỡng và thường xuyên thay đổi tạo nên sự mới mẻ. Nhiều điểm còn có những khu vực vui chơi dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, các dịch vụ đi kèm phải đầy đủ để khách luôn được thoải mái.

Về nông nghiệp, theo Hiệp hội Nông nghiệp Nhật Bản, Nhật đang có nhu cầu nhập khẩu các loại trái cây, như: chuối, xoài, thơm từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước ASEAN. Việt Nam xếp thứ 12 trong số các nước xuất khẩu trái cây vào Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng của sản phẩm, mẫu mã phải đẹp. Thời gian qua, trái cây, nông sản, thủy sản từ Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản giá thấp hơn một số nước khác là vì mẫu mã chưa đẹp và chất lượng chưa cao.

Thêm vào đó, đối với sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh yếu tố chất lượng đảm bảo, cần chú ý xây dựng thương hiệu, quảng bá rộng rãi bằng hình ảnh trong và ngoài nước, đặc biệt cần chú ý đến những chuỗi cung ứng lạnh cho sản phẩm.

Hương Giang

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích