Chưa khi nào người dân ở ven sông Đồng Nai thuộc huyện Nhơn Trạch lại gặp tình trạng mặn xâm nhập trên sông nặng như năm nay. Hàng ngàn hécta lúa, mía đang bị ảnh hưởng vì nước mặn, dẫn đến là năng suất lúa, mía đều giảm. Nhiều vùng mía có nguy cơ mất trắng.
Chưa khi nào người dân ở ven sông Đồng Nai thuộc huyện Nhơn Trạch lại gặp tình trạng mặn xâm nhập trên sông nặng như năm nay. Hàng ngàn hécta lúa, mía đang bị ảnh hưởng vì nước mặn, dẫn đến là năng suất lúa, mía đều giảm. Nhiều vùng mía có nguy cơ mất trắng.
Ông Phạm Văn Tuấn, ấp Phước Lương, xã Phú Hữu xót xa bên ruộng mía đang khô héo vì qua thời điểm mà vẫn chưa thu hoạch được. |
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, từ đầu tháng 1-2016, xâm nhập mặn ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai cao hơn nhiều so với năm trước. Cụ thể, tại phà Cát Lái đầu tháng 1-2016, độ mặn đo được là gần 5/1.000, đến giữa tháng 1 tăng lên 5,5/1.000 và cuối tháng gần 6,5/1.000. Tại Rạch Đông, độ mặn đầu tháng 1-2016 chỉ hơn 3/1.000 nhưng đến cuối tháng lên xấp xỉ 6/1.000. Với cây trồng và vật nuôi, khả năng chịu mặn chỉ dưới 4/1.000; ở mức cao hơn sẽ có nguy cơ mất trắng.
* Dân trồng mía lo trắng tay
Ngày 22-2, có mặt ở những cánh đồng nằm gần hạ lưu sông Đồng Nai thuộc các xã: Phú Hữu, Phú Đông, Phước Khánh... chúng tôi chứng kiến cảnh người dân trồng mía phờ phạc vì lo lắng, bởi gần 1 ngàn hécta mía đã qua thời điểm thu hoạch cả tháng nhưng vẫn nằm héo rũ trên đồng. Vì gần 2 tháng nay, mặn trên sông quá cao, ban quản lý thủy lợi phải đóng đập Ông Kèo không cho nước vào, cộng với nắng nóng, không mưa khiến các con rạch đều cạn khô. Khu vực này mía hầu hết vận chuyển bằng ghe trên các con rạch nên rạch hết nước, mía đành để khô ngoài đồng do thu hoạch xong cũng không có đường đưa ra.
Ông Phạm Văn Tuấn, ấp Phước Lương, xã Phú Hữu than: “Tôi sinh sống tại đây hơn 40 năm chưa khi nào thấy mặn xâm nhập nặng như vậy. Hơn 4 hécta mía của tôi bỏ khô trên ruộng mà không có cách nào vận chuyển ra được. Nếu tình trạng này kéo dài đến giữa tháng 4-2016, các nhà máy đường đóng cửa thì diện tích mía trên của tôi chỉ có cách phá bỏ. Năm nay giá mía cao, tôi tính nhẩm sẽ lời 45-50 triệu đồng/hécta, nhưng giờ chỉ mong hoàn vốn cũng khó”.
Tương tự, anh Lê Thanh Hùng ở ấp Phước Lương, xã Phú Hữu hơn 1 tháng nay cũng mất ăn mất ngủ vì hơn 2 hécta mía đã qua thời điểm thu hoạch đang héo khô trên ruộng. Xót của, anh thu hoạch trước một ít mang sẵn ra ghe trên rạch đợi may có trận mưa trái mùa, hay nước bớt mặn ngành thủy lợi cho nước vào sẽ tranh thủ để vận chuyển ra đường lớn, bán cho các xe ô tô đang đợi sẵn may ra vớt vát chút nào hay chút ấy. Nhưng hy vọng của anh cứ lụi dần khi trời vẫn nắng chang chang như đổ lửa, độ mặn trên sông ngày càng tăng. “Nắng nóng khiến mía khô queo, năng suất, chất lượng đều giảm. Ngoài nỗi lo không thu hoạch được, tôi còn lo lỡ không may mía cháy thì khó mà cứu được vì nước các rạch đều trơ đáy” - anh Hùng nói.
Ông Nguyễn Thanh Yên, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu, cho hay: “Xã có khoảng 150 hécta mía và 60 hécta cây sả bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Mặn trên sông từ nay đến cuối tháng 3-2016 không giảm thì rất dễ mất trắng”.
Theo Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, từ đầu năm đến nay mặn xâm nhập vào sông quá nặng nên hệ thống đập Ông Kèo phải đóng chặt không cho nước vào. Kênh rạch sau đập ông Kèo đều cạn khô, nông dân không vận chuyển mía ra được, diện tích chưa thu hoạch còn gần 1 ngàn hécta. Nếu diện tích này không thu hoạch được thiệt hại có thể lên đến vài chục tỷ đồng.
* Gây hại cả ngàn hécta lúa
Nhiều người dân trồng lúa tại xã Phú Hội, Long Tân, Phước Thiền, Phước Thạnh... cũng thấp thỏm không yên vì mặn đang ảnh hưởng đến hàng ngàn hécta lúa đang thời kỳ chín. Bà Nguyễn Thị Hòa ở xã Phước Thiền cho biết: “Tôi có gần 2 hécta lúa đang vào thời kỳ chín rất cần nước, nhưng cũng phải siết lại không dám cho nước vào. Vì nước mặn vào dịp này lúa sẽ cháy khô ngay, năng suất sẽ giảm rất nhiều và chất lượng lúa sẽ rất xấu”.
Anh Lê Thanh Hùng, ấp Phước Lương, xã Phú Hữu liều thu hoạch trước một ít mía chất ra cạnh rạch đợi có nước vận chuyển. |
Huyện Nhơn Trạch hiện có gần 2 ngàn hécta lúa có nguy cơ giảm năng suất, chất lượng vì mặn xâm nhập trên sông, người dân thiếu nguồn nước ngọt tưới. Ông Bùi Phước Đức, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, cho biết: “Thống kê ban đầu thì huyện Nhơn Trạch có gần 3 ngàn hécta cây trồng, chủ yếu là lúa, mía đang chịu ảnh hưởng nặng do xâm nhập mặn trên sông. Ngoài ra, các xã nằm cặp theo hệ thống kênh rạch còn bị ảnh hưởng đến các cây trồng vật nuôi khác”. Cũng theo ông Đức, huyện cũng biết được năm nay mặn sẽ vào sâu và cao, đã vận động nông dân sản xuất và thu hoạch sớm nên diện tích bị ảnh hưởng đã giảm khá nhiều.
Một số hộ nuôi thủy sản ven sông tại huyện Nhơn Trạch chia sẻ, trong giữa tháng 2-2016, có ngày độ mặn đo được lên đến gần 7/1.000 nên nhiều người vội vàng thu hoạch tôm, cá vì độ mặn trên 4/1.000 không thể lấy nước vào ao nuôi thủy sản. Ao, hồ để lâu không thay nước thì tôm cá sẽ lớn chậm và rất dễ chết.
Biến đổi khí hậu làm cho xâm nhập mặn mỗi năm tăng cao và ngày càng lấn sâu vào đất liền đang thể hiện khá rõ nét những năm gần đây. Theo ngành nông nghiệp, để ứng phó với tình trạng này chỉ có cách làm tốt kênh mương nội đồng, thay vận chuyển đường thủy bằng đường bộ và chuyển đổi qua những cây trồng, vật nuôi có thể chịu mặn.
Canh mặn từng ngày Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết độ mặn xâm nhập vào hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Từ đầu tháng 1-2016, độ mặn đo được tại một số khúc sông thuộc huyện Nhơn Trạch lên đến 5/1.000 và sau đó vào cao điểm mùa khô, mưa ít nước sông suối cạn dần, mặn càng tăng và lấn sâu. Để hạn chế mặn vào sâu trong đất liền, sở đã yêu cầu đóng đập Ông Kèo không cho nước vào nhưng lại gây thiếu nước vận chuyển cho người dân canh tác phía trong. Nhiều người dân đề nghị mở cống cho nước vào, nhưng nếu thời điểm này mở cống thiệt hại có thể tăng gấp nhiều lần và còn gây hệ lụy cho những vụ sau, vì bị mặn xâm nhập sản xuất các vụ sau rất khó khăn và việc rửa mặn không dễ. Vì thế, hiện Sở yêu cầu đơn vị thủy lợi phụ trách đập Ông Kèo theo dõi chặt tình hình độ mặn trên sông, nếu thấy mặn giảm xuống gần 4/1.000 thì nhanh chóng lấy nước vào. Việc tăng lượng xả nước từ hồ Trị An về để đẩy mặn không thể do nước trong hồ hiện đã cạn. Độ mặn sẽ còn tăng Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy, mùa khô 2015-2016 ảnh hưởng của El Nino nên thời tiết tại Đồng Nai rất ít mưa, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm và nắng nóng diễn ra nhiều hơn. Từ nay đến đầu tháng 4, nắng nóng vẫn tiếp tục xảy ra và rất hiếm có mưa trái mùa, nước trên các sông hồ trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuống dần, các dòng chảy kiệt hơn năm trước. Nắng nóng, ít mưa, dòng chảy kiệt sẽ khiến mặn xâm nhập ngày càng sâu vào trong đất liền. Do đó, theo dự báo độ mặn trong tháng 3-2016, có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng cao. Không chỉ sông Đồng Nai mà các sông khác tại miền Tây năm nay mặn cũng lấn rất sâu vào đất liền gây thiệt hại nặng nề. |
Hương Giang