Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp gỗ lo ít đơn hàng

10:02, 28/02/2016

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay so với năm 2015. Tuy nhiên, theo các chủ doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ thì khả năng tăng trưởng này xem ra không hề dễ.

 

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay so với năm 2015. Tuy nhiên, theo các chủ doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ thì khả năng tăng trưởng này xem ra không hề dễ.

Chế biến gỗ tại Công ty TNHH Phương Cát Lộc (huyện Trảng Bom).
Chế biến gỗ tại Công ty TNHH Phương Cát Lộc (huyện Trảng Bom).

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong 2 năm qua khá khả quan. Bước sang năm 2016, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết cũng như có hiệu lực. Đây là lý do để ngành chế biến gỗ xuất khẩu nuôi hy vọng mức tăng trưởng tốt.

* Đơn hàng đủng đỉnh

Nhiều chủ DN chế biến gỗ cho biết, so với cùng kỳ năm 2015 thì hiện nay đơn hàng chưa mấy dồi dào. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Phương Cát Lộc (huyện Trảng Bom), cho hay hiện tại DN có hợp đồng sản xuất đến hết tháng 4. “Tháng 2 năm ngoái tôi đã ký hợp đồng đến giữa năm, còn năm nay thấy khách đặt hàng khá dè dặt” - ông Bắc phân trần. Công ty TNHH Phương Cát Lộc sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường châu Âu và Đài Loan.

Cũng trong tâm thế phập phồng chờ đợi, ông Tạ Đức Văn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Hòa Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), cho hay đầu năm nay lượng hàng ít hơn hẳn so với đầu năm 2015. Năm ngoái, sau dịp Tết Nguyên đán công ty ông đã ký hàng loạt hợp đồng đến hết quý II. Ông Văn so sánh: “Hiện công ty vẫn đủ hàng để sản xuất hết quý I, nhưng lượng hàng không được dồi dào, gối đầu dài như năm ngoái. Doanh thu hàng năm của DN vẫn tăng đều, nhưng lợi nhuận không cao do phải chi nhiều khoản chi phí”.

Theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cũng như các DN chế biến gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu hay Nhật Bản, đầu năm nay đơn hàng không dồi dào như năm ngoái, bởi các thị trường này có sự biến động về kinh tế. Riêng thị trường Mỹ và Trung Quốc vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, các sản phẩm gỗ và đồ gỗ xuất khẩu trong tháng 1-2016 đạt 489 triệu USD, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều DN chế biến gỗ cho rằng mức tăng trưởng của ngành gỗ năm nay chỉ khoảng 3-5%.

* Kỳ vọng ở thị trường mới

Hiện nay, xuất khẩu gỗ của Việt Nam chủ yếu vào 4 thị trường lớn là: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Riêng thị trường Trung Quốc chủ yếu là gỗ bán thành phẩm hoặc gỗ nguyên liệu nên sản lượng nhiều nhưng giá trị không cao. Theo phân tích của Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, đối với một số FTA mà Việt Nam đã ký kết ngành gỗ chưa được hưởng lợi, đôi khi DN còn lo lắng. Cụ thể, với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dù đã được ký kết nhưng hiệu lực của nó có thể phải đến năm 2017-2018 mới có do chờ Quốc hội các nước tham gia phê chuẩn. Với FTA Việt Nam - EU, trong đó quy định tất cả các loại gỗ phải có đầy đủ hồ sơ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đây là điều khá khó khăn đối với nguồn nguyên liệu trong nước của Việt Nam.

Theo cảnh báo của Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ được dựng lên. Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương chia sẻ: “Đây là chuyện muôn thuở ở các quốc gia phát triển. Việc sử dụng hàng rào kỹ thuật là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn dòng hàng ồ ạt vào các thị trường này. Ví dụ, thị trường châu Âu sắp tới sẽ làm gắt việc thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT)”.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam khuyến cáo hiện nay xuất khẩu gỗ ngoài thị trường truyền thống, các DN còn bỏ ngỏ nhiều thị trường tiềm năng. Cụ thể là thị trường Nga và một số nước ở Đông Âu, như: Bungari, Hungari, Cộng hòa Séc cũng như các nước vùng Trung Đông. Theo bà Nguyễn Thu Phương, Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến gỗ Quyết Thành (huyện Trảng Bom), sở dĩ DN chế biến gỗ chưa mặn mà với các thị trường này do còn lạ với thói quen tiêu dùng. Một điều quan trọng nữa, đây là vùng có khí hậu khắc nghiệt nên sản phẩm xuất khẩu sang đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ và có phương án sản xuất riêng. 

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích