Năm 2015, trong khi nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu "bội thu", đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay thì với xuất khẩu nông sản lại là năm đầy sóng gió. Một số mặt hàng xuất khẩu lớn, như: cà phê, cao su, mì đều giảm về số lượng, giá và thị trường đầu ra bị thu hẹp.
Năm 2015, trong khi nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu “bội thu”, đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay thì với xuất khẩu nông sản lại là năm đầy sóng gió. Một số mặt hàng xuất khẩu lớn, như: cà phê, cao su, mì đều giảm về số lượng, giá và thị trường đầu ra bị thu hẹp.
Giá cao su xuất khẩu năm 2015 giảm 10,5 triệu đồng/tấn so với năm trước. Trong ảnh: Công nhân Nông trường cao su Bình Sơn thu hoạch mủ cao su ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành). Ảnh: H. GIANG |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh trong 11 tháng của năm 2015 đạt khoảng 860 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm sâu là vì giá các mặt hàng này trên thế giới giảm mạnh, cung lớn hơn cầu. Đồng thời, những mặt hàng này của Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực.
* Kim ngạch lao dốc
Năm nay, 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh là: cà phê, cao su, mì đều giảm mạnh cả về lượng và giá, cộng thêm đầu ra tương đối khó khăn. Cụ thể, cà phê xuất khẩu trong 11 tháng của năm chỉ đạt 241 ngàn tấn với kim ngạch gần 468 triệu USD, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, năm nay nguồn cung cà phê trên thế giới vượt cầu nên giá luôn ở mức rất thấp khiến nhiều nông dân trồng cà phê trong nước vẫn giữ hàng chưa bán ra, sản lượng xuất khẩu cà phê cả nước giảm mạnh. Đại diện Tổng công ty Tín Nghĩa cho biết: “Kế hoạch xuất khẩu cà phê năm 2015 của công ty là 120 ngàn tấn, nhưng đến thời điểm này mới xuất được 81 ngàn tấn. Dù thị trường xuất khẩu cà phê của Tín Nghĩa mở rộng trên 30 nước, nhưng năm nay hầu hết các thị trường đều giảm lượng mua vào khiến đầu ra gặp không ít khó khăn”. Nếu như năm 2014, giá xuất khẩu cà phê dao động 1.900 -2.000 USD/tấn, thì năm nay chỉ quanh mức 1.600 USD/tấn.
Với cao su, tình hình xuất khẩu cũng không sáng sủa hơn, năm nay được xem là năm giá cao su giảm sâu nhất trong gần 10 năm qua. Hiện giá cao su xuất khẩu chỉ còn 25,5 triệu đồng/tấn, giảm 10,5 triệu đồng/tấn so với năm 2014. Ông Võ Hữu Thời, chủ trang trại cao su ở xã Lộc An (huyện Long Thành), nói: “Năm nay giá cao su giảm sâu, thu hoạch không đủ trả công thợ nên tôi chọn giải pháp không thu hoạch, dưỡng cây đợi khi giá mủ tăng sẽ khai thác trở lại”.
Xuất khẩu mì trong 11 tháng của năm đạt 59,3 ngàn tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Giá mì xuất khẩu từ 252 USD/tấn, giảm hơn 50 USD/tấn.
* Thị trường tiếp tục ảm đạm
Nhận định của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam ở một số mặt hàng chủ lực trong năm 2016 vẫn tiếp tục ảm đạm. Vì giá dầu thô vẫn ở mức thấp thì giá mủ cao su thiên nhiên khó có thể phục hồi. Với cà phê, dự báo giá có thể tiếp tục đi ngang như năm 2015. Riêng hạt tiêu, hiện nay Việt Nam đang là nước có sản lượng xuất khẩu chi phối được thị trường thế giới nên giá vẫn ở mức cao, ổn định. Còn lại xuất khẩu điều dù có mức tăng trưởng cao, nhưng doanh nghiệp Đồng Nai vẫn không vui vì nguồn nguyên liệu sản xuất không ổn định, phải nhập khẩu với giá leo thang liên tục trong khi hợp đồng xuất khẩu lại ký dài hạn. Do đó, dù xuất khẩu tăng nhưng không ít doanh nghiệp đang phải chịu lỗ hoặc huề vốn vì không chủ động được nguồn nguyên liệu.
Theo dự báo, xuất khẩu cà phê năm 2016 vẫn chưa mấy sáng sủa. Trong ảnh: Thu hoạch cà phê tại xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom). |
Theo Tổng công ty cao su Đồng Nai, năm 2015 giá dầu giảm sâu kéo theo giá cao su lao dốc. Là doanh nghiệp xuất khẩu cao su có uy tín trên thị trường thế giới, nhưng năm nay doanh nghiệp này cũng chịu khó khăn chung về giá giảm và đầu ra bị thu hẹp. Để không quá lệ thuộc vào xuất khẩu, Tổng công ty cao su Đồng Nai đã xây dựng nhà máy sản xuất sợi cao su, tiêu thụ khoảng 6-7 ngàn tấn mủ cao su/năm và chuyển sang tìm các đối tác trong nước. |
Việc xuất khẩu các loại nông sản khác đã qua chế biến sâu cũng rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh. “Năm 2014, doanh nghiệp của tôi xuất khẩu được khoảng 50 tấn nông sản sấy khô sang thị trường trong khối ASEAN, song năm nay chỉ xuất bằng một nửa năm trước. Nông sản sấy khô xuất khẩu hiện gặp sự cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc và Thái Lan” - ông Lưu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (huyện Định Quán), chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công thương), cho biết: “Lĩnh vực xuất khẩu nông sản được tỉnh rất chú ý và thường xuyên xúc tiến thương mại với các nước nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hàng quý tỉnh đều tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nông sản để các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp tìm đối tác trong nước. Nhưng bài toán đầu ra cho nông sản vẫn chưa thoát khỏi khó khăn”.
Hương Giang