Theo quy định của Chính phủ, đến ngày 31-12-2016 Đồng Nai chuyển sang số hóa truyền hình mặt đất.
Theo quy định của Chính phủ, đến ngày 31-12-2016 Đồng Nai chuyển sang số hóa truyền hình mặt đất.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất toàn quốc và khu vực hoàn thành xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng tại các tỉnh, thành để chuyển tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin về kinh tế - xã hội của trung ương, địa phương.
* Chất lượng truyền hình tốt hơn
Lộ trình thực hiện truyền hình số hóa mặt đất sẽ phân làm 3 nhóm. Nhóm 1 gồm có 5 thành phố lớn là: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội phải hoàn thành trước ngày 31-12-2015. Nhóm 2 có 26 tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai) phải hoàn thành truyền hình số hóa mặt đất chậm nhất vào cuối năm 2016. Nhóm 3 là những tỉnh, thành còn lại phải hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất chậm nhất là cuối năm 2018.
Những dòng tivi sản xuất gần 2 năm trở lại đây hầu hết có sẵn đầu thu DVB-T2 |
Quá trình số hóa truyền hình mặt đất là xu thế tất yếu trên thế giới. Hiện nhiều nước trên thế giới đã hoàn thành việc chuyển đổi từ công nghệ tương tự sang công nghệ số đối với hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Toàn bộ khu vực châu Âu đã hoàn thành việc chuyển đổi sang truyền hình số từ năm 2012. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hầu hết cam kết hoàn thành việc thực hiện chuyển đổi này trước năm 2015. Khu vực ASEAN dự kiến hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất trong giai đoạn 2015 - 2020 với DVB - T2.
Theo Sở Thông tin - truyền thông, khi chuyển sang số hóa truyền hình mặt đất, những hộ đã sử dụng truyền hình trả tiền như: truyền hình cáp, An Viên, truyền hình qua internet sẽ không bị ảnh hưởng. |
Trong xu thế trên, Việt Nam phải thực hiện số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất để bảo đảm sự phát triển hiệu quả và hội nhập thành công của lĩnh vực truyền hình với thế giới. Trên cơ sở đó, cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” để nâng cao chất lượng và dịch vụ các chương trình truyền hình, giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng truyền hình, tối ưu hóa khai thác và sử dụng hiệu quả hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược thông tin - truyền thông (Bộ Thông tin - truyền thông), cho hay: “Số hóa truyền hình mặt đất giúp chất lượng truyền hình tốt hơn, cụ thể: âm thanh, hình ảnh rõ nét. Bên cạnh đó, số hóa truyền hình mặt đất sẽ có thêm nhiều dịch vụ tiện ích là hướng dẫn chương trình, truyền hình tương tác”. Khi số hóa truyền hình mặt đất, những tivi thông thường chưa có chức năng tích hợp đầu thu DVB - T2, trang bị thêm đầu thu DVB - T2. Với các dòng tivi sản xuất sau này hầu hết đều có sẵn đầu tích hợp DVB - T2 nên người dân không cần phải mua thêm đầu thu.
* Đa dạng thiết bị thu DVB - T2
Theo Bộ Thông tin - truyền thông, hiện trên thị trường có 10 công ty sản xuất đầu DVB-T2 với 19 mẫu đầu thu. Với các dòng tivi, có 419 mẫu có sẵn DVB-T2 nên người tiêu dùng khi mua tivi nên chú ý lựa chọn các loại có sẵn đầu tích hợp DVB-T2. Như vậy, sẽ không phải mua thêm đầu thu bên ngoài.
Vì sao phải số hóa truyền hình? Đây là một xu thế tất yếu trên thế giới mà khi tham gia vào hội nhập các quốc gia đều phải thực hiện. Bên cạnh đó, số hóa truyền hình mặt đất thay thế truyền hình tương tự mặt đất đem lại nhiều lợi ích, như: nâng cao được dịch vụ truyền hình với hình ảnh âm thanh tốt hơn so với công nghệ tương tự. Tăng được số lượng kênh, chương trình truyền hình, giảm đầu tư phát triển hạ tầng truyền hình do số lượng máy phát giảm, cho phép phát các kênh truyền hình có độ phân giải cao (HDTV), truyền hình 3 chiều (3D), các dịch vụ truyền hình tương tác, cho phép sử dụng anten nhỏ hơn, tiêu thụ ít năng lượng, cải thiện mỹ quan đô thị, giảm hiệu ứng nhà kính và thân thiện với môi trường. Về tài nguyên số, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình giúp giải phóng một phần băng tần đang sử dụng cho truyền hình để chuyển sang sử dụng cho các dịch vụ vô tuyến băng rộng khác nhằm phát triển hạ tầng băng rộng, đáp ứng nhu cầu thông tin. |
Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa ra thị trường 2 loại đầu thu truyền hình số, gồm: VTV HD/T2 giá 693 ngàn đồng/ đầu thu và đầu thu kỹ thuật số VTV T2 giá 594 ngàn đồng/đầu thu. Những truyền hình cũ chưa có sẵn đầu tích hợp DVB-T2 có thể chọn mua một trong 2 loại đầu thu trên khi địa phương chuyển sang số hóa truyền hình mặt đất. Những loại đầu thu trên giúp người sử dụng không tốn tiền thuê bao hàng tháng mà vẫn thu được hàng chục kênh truyền hình số miễn phí.
Số hóa truyền hình mặt đất giúp người dân thêm nhiều dịch vụ tiện ích từ truyền hình, như: hẹn giờ xem các chương trình, xem lịch phát sóng điện tử, các giao diện đều bằng tiếng Việt giúp người dùng dễ sử dụng, ghi và xem lại các chương trình yêu thích qua USB. Đặc biệt với số hóa truyền hình mặt đất, hình ảnh, âm thanh trên tivi sẽ sắc nét hơn, có các kênh HD giúp người xem trải nghiệm mới sinh động hơn, tăng được số kênh truyền hình. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng tham gia sản xuất, kinh doanh đầu DVB-T2 và giá bán mỗi đầu thu dao động từ 600-700 ngàn đồng/chiếc.
Để đảm bảo quá trình số hóa truyền hình mặt đất, Chính phủ đã quy định từ ngày 1-1-2012, tất cả máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh. Xác định công nghệ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số sử dụng các phương tiện mặt đất, vệ tinh, cáp, di động, internet là công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ cao để được ưu tiên đầu tư phát triển.
Thu hút các doanh nghiệp tham gia Thông tin từ Bộ Thông tin - truyền thông, số hóa truyền hình mặt đất sẽ đầy nhanh việc hình thành thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên cơ sở cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất toàn quốc và vùng theo quy hoạch. Thúc đẩy việc sử dụng phương thức truyền dẫn, phát sóng truyền hình khác, như: cáp, vệ tinh, truyền hình di động và qua mạng internet để đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Không khóa mã các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị. Những doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các máy phát, máy thu truyền hình số và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số đáp ứng điều kiện doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng các ưu đãi về tài chính, thuế. Mở rộng vùng phủ sóng Mục tiêu của số hóa truyền hình mặt đất là để mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, quốc phòng - an ninh của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đảm bảo cung cấp cho đại đa số người dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài các dịch vụ phát thanh, truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu và thu nhập của mọi đối tượng. Số hóa truyền hình mặt đất còn giúp phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả thống nhất về tiêu chuẩn, công nghệ đảm bảo có thể chuyển tải được các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin trên cùng một hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ và dịch vụ. |
Uyển Nhi