Theo quy định của tỉnh, từ ngày 1-1-2016, tất cả rác sinh hoạt khi thu gom về các khu xử lý rác phải được phân loại, tái chế với tỷ lệ tái chế 85% và tỷ lệ chôn lấp bị khống chế không quá 15%. Nhưng đến thời điểm này, nhiều khu xử lý vẫn chưa hoàn thành các nhà máy tái chế rác, do đó phần lớn vẫn chọn cách chôn lấp.
Theo quy định của tỉnh, từ ngày 1-1-2016, tất cả rác sinh hoạt khi thu gom về các khu xử lý rác phải được phân loại, tái chế với tỷ lệ tái chế 85% và tỷ lệ chôn lấp bị khống chế không quá 15%. Nhưng đến thời điểm này, nhiều khu xử lý vẫn chưa hoàn thành các nhà máy tái chế rác, do đó phần lớn vẫn chọn cách chôn lấp.
Cuối tháng 12-2015, Khu xử lý chất thải Bàu Cạn (huyện Long Thành) vẫn ngổn ngang, chủ yếu xử lý vẫn là gom về và chôn lấp. |
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay khoảng hơn 1.600 tấn/ngày, thu gom xử lý được trên 1.500 tấn/ngày, đạt 94%. Tuy nhiên, khoảng 57% rác sinh hoạt thu gom về các khu xử lý chất thải vẫn phải chôn lấp. Việc giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15% theo yêu cầu của tỉnh gần như chưa có khu xử lý nào làm được.
* Dự án tái chế chậm chạp
Đồng Nai được quy hoạch 9 khu xử lý chất thải (tổng diện tích 430 hécta). Trong các khu xử lý rác trên có 15 dự án xây dựng nhà máy để khi rác thu gom về phân loại làm phân bón, tái chế, đốt… nhằm giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 15% để tiết kiệm đất chôn rác và bảo vệ môi trường. Hiện có 11 dự án đã tiếp nhận chất thải, nhưng phần lớn rác vẫn phải chôn lấp, gây lãng phí đất đai và ô nhiễm môi trường.
Điển hình là Khu xử lý chất thải Bàu Cạn (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành), dù thời hạn buộc chủ đầu tư phải thực hiện việc phân loại, tái chế và giảm chôn lấp đã gần kề, nhưng tất cả vẫn còn ngổn ngang. Do đó, khoảng 200 tấn rác sinh hoạt tiếp nhận mỗi ngày chủ yếu vẫn dùng cách chôn lấp để xử lý. Đơn vị thực hiện dự án này là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long. Ông Đoàn Minh Tuấn, Giám đốc Khu xử lý chất thải Bàu Cạn, cho biết: “Công ty chọn công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt của Anh, mất rất nhiều thời gian để kiểm chứng và đặt thiết bị nên nhà máy phân loại, đốt rác triển khai chậm hơn so với tiến độ”. Thời gian buộc các khu xử lý chất thải sinh hoạt phải phân loại làm phân bón và tái chế chỉ còn hơn 10 ngày, nhưng tại Khu xử lý chất thải Bàu Cạn, rác sinh hoạt vẫn chỉ là gom về rồi chôn lấp mất nhiều diện tích đất và gây ô nhiễm môi trường.
Khu xử lý chất thải Quang Trung (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) có diện tích 130 hécta. Mỗi ngày khu xử lý này tiếp nhận trên 100 tấn rác sinh hoạt thuộc địa bàn huyện Thống Nhất và TX. Long Khánh. Nhưng đến thời điểm này, chủ đầu tư mới đang xây dựng nhà máy làm phân bón từ rác, dự kiến đến đầu tháng 5-2016 mới hoàn tất và đi vào sản xuất nhằm giảm tỷ lệ chôn lấp xuống 15%. Như vậy, trong khoảng thời gian nhà máy chưa hoạt động, rác thải sinh hoạt phần lớn thu gom về vẫn phải chôn lấp. Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi (chủ đầu tư Khu xử lý chất thải Quang Trung), cho hay: “Khi nhà máy sản xuất phân bón hoàn thành đi vào hoạt động, chất thải sinh hoạt thu gom về sẽ được phân loại tái chế, làm phân và tỷ lệ chôn lấp dưới 15%. Lý do khiến nhà máy chậm so với tiến độ là vì công nghệ, thiết bị đều nhập từ nước ngoài nên tất cả đều phải đặt hàng”. Tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), rác sinh hoạt đưa về phần lớn đổ thẳng xuống hố chôn lấp gây ô nhiễm môi trường xung quanh, làm người dân xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) rất bức xúc.
* Buộc phải cam kết
Ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường nhận xét: “Qua kiểm tra các khu xử lý chất thải trên địa bàn, đa số các chủ dự án cho biết do triển khai chậm dự án nhà máy tái chế nên khó lòng giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 15% từ đầu năm 2016. Mới đây, sở đã yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh dự án, song nhiều dự án lấy lý do đặt hàng công nghệ từ nước ngoài mất nhiều thời gian nên chậm tiến độ”.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư cho biết, thu gom rác sinh hoạt về các khu xử lý chất thải rồi chôn lấp là công nghệ quá lạc hậu và trong tương lai sẽ không còn đất để chôn. Vì thế, các địa phương theo sát tiến độ dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng lộ trình phê duyệt. Các khu xử lý chất thải nên xử lý rác theo mô hình khép kín, tránh phân loại rác rồi lại bán ra ngoài tái chế sẽ gây ô nhiễm. |
Việc các chủ đầu tư triển khai chậm phân loại, tái chế rác sinh hoạt không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng và hoàn thành nông thôn mới của các địa phương. “Tất cả những dự án phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt không làm đúng tiến độ sẽ bị buộc phải cam kết thời gian, lộ trình cụ thể phải hoàn thành để không ảnh hưởng chung đến địa phương” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết. Cũng theo ông Chánh, huyện Long Thành đang làm hồ sơ xin công nhận huyện nông thôn mới, nhưng Khu xử lý chất thải Bàu Cạn do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long triển khai quá chậm sẽ khiến việc công nhận Long Thành là huyện nông thôn mới chậm theo.
Tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân, Khu xử lý chất thải Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ), rác thải sinh hoạt hoạt cũng đưa về đổ thẳng xuống hố để chôn lấp, gây hôi thối, mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhiều người dân bức xúc cho rằng, việc thu gom rác thải sinh hoạt về các bãi rác để chôn lấp chẳng khác nào đem ô nhiễm từ nơi này dời sang nơi khác.
Hương Giang