Toàn tỉnh hiện có hơn 8 ngàn thửa đất công rộng hơn 3.900 hécta nhưng chưa xác định được mục đích sử dụng cụ thể. Sắp tới đây, tỉnh sẽ rà soát lại, thắt chặt quản lý quỹ đất công. Những thửa đất công có lợi thế sẽ đem đấu giá tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có hơn 8 ngàn thửa đất công rộng hơn 3.900 hécta nhưng chưa xác định được mục đích sử dụng cụ thể. Sắp tới đây, tỉnh sẽ rà soát lại, thắt chặt quản lý quỹ đất công. Những thửa đất công có lợi thế sẽ đem đấu giá tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Khu đất công nằm trên đường Đặng Văn Trơn, xã Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa) được đánh giá là có lợi thế, được thành phố đề nghị tỉnh cho bán đấu giá. |
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, Đồng Nai có trên 10.500 thửa đất công với gần 5.900 hécta (không bao gồm đất của các nông, lâm trường, các tổ chức kinh tế quốc doanh đang quản lý, sử dụng). Tổng diện tích đất mà các UBND cấp xã đang sử dụng làm trụ sở và công trình công cộng chiếm gần 2.500 thửa, tương đương trên 1.900 hécta. Diện tích còn lại mục đích sử dụng chưa rõ ràng, trong đó một số đã bị tranh chấp và lấn chiếm.
* Đất nhiều, vẫn kêu thiếu
Với những khu đất được đánh giá là đất “vàng”, việc quản lý chặt và đưa vào khai thác sẽ giúp tỉnh có thêm nguồn thu cho ngân sách, từ đó đầu tư các công trình kỹ thuật hạ tầng để thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời xây dựng trường học, các công trình công cộng khác phục vụ cộng đồng dân cư.
Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa, cho biết: “Biên Hòa hiện có hơn 600 thửa đất công, rộng 303 hécta chưa có mục đích sử dụng cụ thể. Trong đó, các tổ chức, đơn vị quản lý gần 150 hécta, các phường, xã quản lý 160 hécta, còn lại hơn 20 hécta đang bị lấn chiếm. Thành phố đang tiến hành kiểm tra đánh giá lại từng thửa đất công, một số thửa phù hợp sẽ đầu tư xây dựng trường học để xóa tình trạng học ca 3 và xây dựng nhà ở xã hội, tái định cư”.
Tại TP. Biên Hòa, dù quỹ đất công còn nhiều nhưng thời gian qua khi triển khai các khu tái định cư, nhà ở xã hội, xây dựng trường học thường khó tìm quỹ đất công để triển khai. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, di dân về thành phố ngày càng đông, nhu cầu về đất, nhà ở rất cao, việc quản lý quỹ đất công không chặt rất dễ xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp.
Ông Lê Thành Mỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết: “Diện tích đất công của Nhơn Trạch còn gần 290 hécta, phần lớn do các tổ chức quản lý. Huyện đã đề xuất tỉnh đưa hơn 130 hécta vào đấu giá, số còn lại giữ làm công trình phúc lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới”.
“Điểm mặt” mới thấy, hầu hết tại các huyện, kể cả TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa, diện tích đất công còn khá nhiều. Theo lãnh đạo các địa phương, những thửa đất công được một số các đoàn thể thuê, mượn, dân thuê sản xuất và còn khá nhiều diện tích chưa xác định mục đích sử dụng cụ thể. Những địa phương còn tồn nhiều đất công là: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Định Quán, TP.Biên Hòa.
* Dễ gây tranh chấp
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển, lao động từ các tỉnh thành về đây làm việc khá đông. Theo đó, nhu cầu về nhà ở, trường học, y tế, các công trình công cộng khác ngày càng tăng. Do đó, quản lý chặt đất công để dành cho phát triển cơ sở hạ tầng, công trình công cộng phục vụ người dân trong tương lai là rất cần thiết. Bên cạnh đó, những mảnh đất công có giá trị cao có thể xem xét đấu giá để lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi khác phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh.
Các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa đang đề nghị tỉnh cho bán đấu giá 98 thửa đất công với 211 hécta đã có giấy tờ đầy đủ. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương phải rà soát cân nhắc thật kỹ, chỉ chọn những thửa đất công thật sự có giá trị đưa ra đấu giá và sau khi đấu giá khu đất đó phát huy được hiệu quả đem lại lợi ích kinh tế cao mới bán, tránh tình trạng bán ồ ạt. Vì đất công phải giữ lại cho tương lai sau này để phát triển các công trình phúc lợi và phát triển kinh tế - xã hội. |
“Để quản lý tốt đất công, tới đây Sở Tài nguyên - môi trường sẽ gửi bản đồ các thửa đất cho văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị, thành và yêu cầu không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng cho những thửa đất này. Các địa phương nên phân loại để quản lý được tốt quỹ đất công” - ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường nói.
Với các quỹ đất công có diện tích lớn thuộc UBND cấp xã quản lý, việc để hơn 8 ngàn thửa đất rộng trên 3.900 hécta chưa xác định được rõ mục đích sử dụng cụ thể sẽ dẫn đến việc khó quản lý được chặt chẽ, nếu không kịp thời rà soát lại để có giải pháp quản lý tốt thì rất dễ dẫn đến việc lấn chiếm, tranh chấp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo tất cả các địa phương rà soát lại thực trạng đất công của từng thửa và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 1-2016. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phân loại đất kèm với đề xuất cách xử lý đất công đang cho thuê, mượn, để trống và có giải pháp quản lý chặt không để xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm”. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu phân loại đất để chọn ra những mảnh “đất vàng” giao về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để bán đấu giá.
Hương Giang