Báo Đồng Nai điện tử
En

Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực

11:12, 30/12/2015

Tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 27 tổ chức tại Malaysia, ngày 22-11 vừa qua, lãnh đạo 10 nước thành viên đã chính thức thông qua bản tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015, gồm 3 trụ cột quan trọng là: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng an ninh ASEAN và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN).

Tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 27 tổ chức tại Malaysia, ngày 22-11 vừa qua, lãnh đạo 10 nước thành viên đã chính thức thông qua bản tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015, gồm 3 trụ cột quan trọng là: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng an ninh ASEAN và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN).

AEC kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này cạnh tranh hiệu quả hơn với 2 nền kinh tế lân cận Trung Quốc và Ấn Độ. Và theo đúng lộ trình, hôm nay 31-12, AEC chính thức có hiệu lực với hầu hết các dòng thuế xuất nhập khẩu qua lại phải dỡ bỏ chậm nhất là năm 2018.

Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, bánh kẹo là mặt hàng tiêu dùng chịu sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường nội địa.Trong ảnh: Sản xuất bánh kẹo tại Nhà máy Bibica (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa).
Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, bánh kẹo là mặt hàng tiêu dùng chịu sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường nội địa.Trong ảnh: Sản xuất bánh kẹo tại Nhà máy Bibica (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa).

Với quy mô GDP nội khối lên đến 2 ngàn tỷ USD, dự kiến sau khi chính thức có hiệu lực, AEC góp phần làm kim ngạch buôn bán giữa các nước ASEAN tăng lên trong thời gian tới. Và mặc dù không quá sâu sắc như TPP, nhiều ý kiến cho rằng nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, đầu tư sẽ có những ảnh hưởng khá lớn sau 31-12, ngày mà AEC chính thức trở thành một “thực thể pháp lý” được công nhận rộng rãi và chính thức có hiệu lực.

Hàng tiêu dùng bị lấn sân

Trên thị trường Việt Nam, hàng trong khối ASEAN đã tràn sang từ mấy năm nay với số lượng ngày một tăng. Một số mặt hàng đã chiếm ưu thế là điện máy, bánh kẹo, còn hàng may mặc, mỹ phẩm xuất hiện ngày càng nhiều. Khảo sát tại các đại lý, trung tâm mua sắm những mặt hàng, như: tủ lạnh, quạt, máy lạnh và đồ gia dụng trong nhà bếp, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, hàng có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia khá nhiều và giá tương đối cạnh tranh với hàng Việt.

Các nước ASEAN đầu tư vào Đồng Nai gần 3,9 tỷ USD

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, đến thời điểm này các nước trong khối ASEAN đầu tư vào Đồng Nai khoảng 143 dự án với tổng vốn đăng ký là gần 3,9 tỷ USD. Trong đó có 3 quốc gia đầu tư vào Đồng Nai nhiều là Singapore với 49 dự án có tổng vốn trên 2 tỷ USD, xếp thứ 4 trong hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Tiếp đến là Thái Lan với 35 dự án có tổng vốn gần 1,1 tỷ USD, Malaysia đầu tư vào Đồng Nai khoảng 30 dự án với tổng vốn trên 607 triệu USD. Còn lại các quốc gia khác trong khối ASEAN cũng đầu tư vào Đồng Nai nhưng số vốn không nhiều. Khả năng trong thời gian tới, nhiều quốc gia trong khối ASEAN sẽ đầu tư mới và tăng vốn đầu tư vào Đồng Nai, vì theo tổng lãnh sự của các quốc gia trong khối ASEAN thì Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài.

Khi AEC đi vào thực tiễn, thuế nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ các nước thành viên sẽ giảm về 0%, tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ được mở cửa tiếp nhận đầu tư và doanh nghiệp một nước thành viên làm ăn ở các nước AEC khác sẽ được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp sở tại.

TS. Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhận định AEC chính thức có hiệu lực, hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt với nhiều mặt hàng trong khối đã và đang xâm nhập vào thị trường nội địa. Hàng hóa tiêu dùng của các nước trong khối AEC tràn vào thị trường nội, đồng nghĩa với chiếc bánh thị phần sẽ bị chia nhỏ. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam phải có kế hoạch ngắn, trung, dài hạn để giữ và mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu sang các nước trong khối.

Chăn nuôi gặp “sóng lớn”

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tuy là tỉnh có chăn nuôi heo, gà theo hình thức trang trại tập trung lớn nhất cả nước với tỷ lệ hơn 70% và có năng suất chất lượng cao nhất cả nước, song so với một số nước trong AEC giá thành chăn nuôi của Đồng Nai vẫn cao hơn 10%. Nguyên nhân do vật tư đầu vào là con giống, thức ăn, thuốc thú y phần lớn phải nhập khẩu nên chi phí đầu tư cho sản xuất cao. Hiện giá thành sản xuất heo hơi tại các trang trại của Đồng Nai từ 40-42 ngàn đồng/kg, gà trắng khoảng 28 ngàn đồng/kg, cao hơn các nước trong khối ASEAN hơn 4 ngàn đồng/kg. Chăn nuôi trong nước hiện chỉ còn lợi thế là người tiêu dùng Việt Nam không thích dùng thịt lạnh. Nhưng nếu chăn nuôi không áp dụng khoa học đẩy cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành thì khi mất lợi thế trên, ngành chăn nuôi rất khó cạnh tranh với thịt nhập khẩu từ các nước trong ASEAN.

Nông sản gặp khó

Khi AEC chính thức có hiệu lực, nông sản và đặc biệt là trái cây của Việt Nam có thể sẽ gặp khó và chịu sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị trường nội địa. Trong đó, một số trái cây chủ lực của Đồng Nai, như: xoài, chôm chôm, sầu riêng sẽ chịu cạnh tranh gay gắt với hàng Thái Lan. Hiện những trái cây này Thái Lan đang hơn hẳn Việt Nam về số lượng, chất lượng và giá bán lại thấp hơn nên ngoài cạnh tranh xuất khẩu thì Việt Nam khó giữ được nội địa trong tương lai khi AEC chính thức thuế về 0%. Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học - Donatechno (TX.Long Khánh), chia sẻ sầu riêng làm theo quy trình Dona có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ và một số nước với số lượng lớn. Nhưng vì chất lượng tốt và mẫu mã đẹp nên thị trường trong nước ưa chuộng thương lái đặt hàng các nhà vườn hết không còn hàng để xuất khẩu. Vì thế theo tôi, với các loại trái cây, nông sản khác nông dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành thì sẽ vẫn giữ được thị trường trong nước và xuất khẩu.

Năng suất lao động còn thấp

Th.S Tô Bình Minh, giảng viên Trường đại học ngoại thương - cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh, giám đốc Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) TP.Hồ Chí Minh, nhận xét hiện nay nguồn nhân lực Việt Nam thua nhiều nước trong khối ASEAN, như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia... thậm chí có nghiên cứu còn đánh giá nhân lực của Việt Nam thua cả Lào ở một vài tiêu chí. Nguồn nhân lực bao hàm nhiều yếu tố, gồm: năng suất lao động, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng làm việc nhóm, ý thức chấp hành kỷ luật, kỹ năng giao tiếp. Năng suất lao động không chỉ do yếu tố con người, còn phụ thuộc vào đầu tư công nghệ máy móc của các doanh nghiệp.

 Một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) sản xuất hàng ngàn tấn hàng xuất khẩu/tháng nhưng chỉ cần hơn 10 lao động có tay nghề cao.
Một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) sản xuất hàng ngàn tấn hàng xuất khẩu/tháng nhưng chỉ cần hơn 10 lao động có tay nghề cao.

Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có máy móc, công nghệ lạc hậu thì công suất, năng suất, chất lượng sẽ thấp và không đảm bảo. Ngoài ra, nhiều lao động ở Việt Nam ý thức chấp hành kỷ luật tại các nhà máy chưa cao. Và quá trình làm việc nhóm việc liên kết đưa ra sáng kiến hiệu quả nhất thường ít phát huy được, trong khi ở nhiều nước trong khối ASEAN làm khá tốt việc này. Kỹ năng chuyên môn phần lớn do doanh nghiệp đào tạo, bố trí phù hợp thì lao động mới phát huy được. Bên cạnh đó lao động Việt Nam còn rất yếu trong kỹ năng giao tiếp đặc biệt là sử dụng ngoại ngữ.

Mất dần lợi thế lao động giá rẻ

Ông Nam Jung Dae, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TaeKwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), cho biết hiện nay tại Đồng Nai công ty có khoảng 30 ngàn lao động đang làm việc trong các nhà máy. Công ty sản xuất khoảng 2,8 triệu đôi giày/tháng và chủ yếu xuất khẩu. Tới đây, để đón cơ hội từ AEC, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) doanh nghiệp sẽ tuyển thêm 15 ngàn lao động phổ thông để nâng công suất lên 4 triệu đôi giày/tháng và doanh nghiệp rất lo không tuyển đủ lao động phổ thông để làm việc. Nhưng về lâu dài để tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp đang đào tạo để tăng năng suất lao động, giảm bớt lao động dư thừa kém hiệu quả các khâu để hạ giá thành sản phẩm.

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, với các lợi thế từ AEC, FTA, TPP thì Việt Nam đã, đang, tiếp tục đón làn sóng đầu tư lớn từ các nước đến để xây dựng nhà xưởng sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, nhu cầu lao động ngày càng tăng cao, lao động phổ thông giá rẻ tạm thời ít bị cạnh tranh. Nhưng về lâu dài khi các nhà máy đầu tư máy móc hiện đại cần ít lao động, nhưng lao động có tay nghề cao thì lợi thế lao động phổ thông giá rẻ không còn. Do đó, lao động Việt Nam không đào tạo đáp ứng đủ các yêu cầu của doanh nghiệp họ sẵn sàng thuê lao động từ các nước trong khối ASEAN.

Tăng sức cạnh tranh cho đường nội

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đường Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) phân tích, theo cam kết mở cửa trong Asean, đến năm 2018 Việt Nam sẽ phải hoàn toàn xóa bỏ hạn ngạch thuế quan từ Asean với thuế nhập khẩu đường sẽ giảm từ 80% xuống còn 5%. Ngành đường nội địa đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi bước vào hội nhập. Theo bà Hoa: “So sánh với Thái Lan, ngành đường trong nước còn nhiều bất cập vì chúng ta chưa tích tụ được đất đai để hình thành được những vùng nguyên liệu tập trung với diện tích lớn nên việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa còn khó khăn. Về chính sách, cơ chế đầu tư cho ngành mía đường chúng ta cũng thua các nước rất nhiều”.

Phấn đấu để Việt Nam thăng hạng trong AEC

Tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 vào ngày 29-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, hiện nay thứ hạng của Việt Nam trong ASEAN chưa cao. Trong năm 2016, Việt Nam phải phấn đấu đứng vào nhóm ASEAN hàng đầu. Muốn làm được vậy, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung 3 bước đột phá là: nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng.

Nhưng bà Hoa cũng cho rằng DN vẫn có những lợi thế trong cạnh tranh với đường nhập khẩu như bề dày kinh nghiệm trong công nghiệp chế biến, quản lý sản xuất. DN đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, như: áp dụng cơ giới hóa sâu và mạnh từ khâu trồng đến thu hoạch; đầu tư hệ thống tưới mía, xây dựng cánh đồng mẫu lớn... nhằm tăng năng suất mía, giảm giá thành sản phẩm. Công ty cổ phần đường Biên Hòa hiện là công ty thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công (TP.Hồ Chí Minh). Hiện tập đoàn sở hữu 7 nhà máy chế biến, sản lượng sản xuất khoảng 300 ngàn tấn đường/năm. Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công là nơi trao đổi các công trình nghiên cứu khoa học, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến chuyển giao cho người trồng mía nhằm mục đích giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh cho cây mía nội địa.

Thách thức từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tháng 10 vừa qua, Bộ Công thương thực hiện thí điểm việc doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) khi xuất khẩu sang Lào,  Indonesia, Philippines và Thái Lan thay vì xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đây đánh dấu một bước mới trong hội nhập. Việc này nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Để doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm thiểu thời gian xin cấp C/O truyền thống, chủ động trong việc phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ. Việc này cũng giúp doanh nghiệp hiểu biết kỹ hơn cam kết về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây cũng là một xu hướng trong tương lai. Khi AEC có hiệu lực, vấn đề này sẽ dần được thực hiện phổ biến hơn. Tuy nhiên, đối với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam do việc chuẩn bị chưa kỹ nên việc thực hiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ không dễ. Trong khi đó những quốc gia khác, như: Singapore, Thái Lan, Indonesia... các doanh nghiệp đã chuẩn bị khá kỹ nên họ khai thác mặt này sẽ tốt hơn và có nhiều lợi thế.

Đương đầu với cạnh tranh logistics

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng: “AEC chính thức hoạt động tôi cho rằng mối lo ngại là hoạt động của ngành logistics, bởi lúc này ASEAN thành một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề. Trong khi đó, logistics của Việt Nam đang có sự chênh lệch khá lớn so với các nước trong khu vực, cụ thể như: phí logistics tại Việt Nam chiếm tới 25% GDP, trong khi đó Malaysia chỉ có 12%, Thái Lan là 19%. Nếu so với Singapore việc này còn chênh lệch hơn nữa, chúng ta cao gấp hơn 3 lần (Singapore là 8%)”.

 Đóng gói cà phê tại Công ty TNHH thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom).
Đóng gói cà phê tại Công ty TNHH thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom).

Đối với Ngành logistics, thách thức lớn nhất trong cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp các nước là giảm chi phí logistics, việc này hoàn toàn không phải dễ. Điều này nằm ở chỗ phải đổi mới về công nghệ, nhân sự, cách quản trị... Một điều nữa không dễ thay đổi, đó là thói quen mua bán hàng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam là mua CIF, bán FOB, vô tình đã trao lợi thế cho các công ty nước ngoài. “Theo tôi, hiện ngành logistics đã đến lúc phải đầu tư quyết liệt và mạnh mẽ hơn như mạnh tay đầu tư cho những quy trình tự động hóa, đây là việc mà Singapore rất thành công vì nó làm giảm được nhân công nhiều. Làm sao đó để giảm chi phí logistics xuống tiệm cận gần sát với Thái Lan, Malaysia nó sẽ giúp tăng tính cạnh tranh rất nhiều cho hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trong nước” - ông Tuấn nói.

Sẽ có sự đào thải doanh nghiệp

Ông Phạm Thế Linh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, nhận định AEC hoạt động sẽ tạo ra một sự dịch chuyển mới về nhiều mặt trên lĩnh vực kinh tế và có thể rõ nét nhất là phân phối lại thị trường hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng. Dòng hàng từ các nước sẽ thâm nhập vào nhau nhiều và đa dạng hơn. Các doanh nghiệp sản xuất lúc này phải cạnh tranh từ 2 phía là nội địa và ngoại nhập. Từ việc này dự báo sẽ có cuộc đào thải mạnh mẽ hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ tiềm lực kém, khả năng phản kháng với thị trường yếu sẽ rất dễ bị đào thải. Về mặt tích cực, AEC sẽ buộc các doanh nghiệp muốn tồn tại phải nâng tính chuyên nghiệp và có tính toán bài bản hơn mới đủ sức cạnh tranh. Về lâu dài tôi nghĩ còn có cả sự phân công lại sản xuất, ví dụ như các doanh nghiệp nhỏ ở các nước sẽ trở thành nhà gia công một công đoạn nào đó cho các doanh nghiệp lớn.  

Bốn mục tiêu của AEC

- Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: tự do lưu chuyển hàng hóa; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.

- Một khu vực kinh tế cạnh tranh được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.

- Phát triển kinh tế cân bằng được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

- Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu.

 

 

Nhóm P.V kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều