Theo quy hoạch về sản xuất nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có 19 loại cây trồng hình thành cánh đồng mẫu lớn. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh thực hiện 6 chuỗi liên kết với cà phê, ca cao, mía, điều, tiêu, xoài.
Theo quy hoạch về sản xuất nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có 19 loại cây trồng hình thành cánh đồng mẫu lớn. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh thực hiện 6 chuỗi liên kết với cà phê, ca cao, mía, điều, tiêu, xoài.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 14 dự án về cánh đồng lớn nhằm tạo chuỗi liên kết giúp nông dân có đầu ra ổn định và doanh nghiệp có vùng nguyên liệu chất lượng cao để sản xuất, xuất khẩu. So với diện tích cây trồng toàn tỉnh thì số dự án về cánh đồng lớn tạo chuỗi liên kết còn quá thấp, chưa đến 10%.
* Chỉ mới có 2 chuỗi liên kết hiệu quả
Thực tế, đến thời điểm này mới chỉ có 2 chuỗi liên kết trong trồng trọt đem lại hiệu quả cao là cây ca cao và cây mía.
Sầu riêng là một trong những mô hình được tỉnh ưu tiên xây dựng chuỗi liên kết. Trong ảnh: Sầu riêng trồng tại TX. Long Khánh. |
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán), cho biết: “Công ty đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với 300 hộ trồng ca cao tại 3 huyện Định Quán, Thống Nhất, Tân Phú với diện tích trên 200 hécta giá sàn là 4 ngàn đồng/kg trái tươi. Khi giá ca cao lên, công ty điều chỉnh giá tăng và luôn mua cao hơn thị trường tự do khoảng 300-400 đồng/kg tươi. Riêng những hộ sản xuất ca cao theo quy trình an toàn được cấp chứng nhận, công ty bao tiêu giá cao hơn khoảng 1 ngàn đồng/kg trái tươi so với ngoài thị trường”.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức còn có chính sách hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi liên kết giống trồng mới và phân bón trả chậm, kỹ thuật. Do đó, sau khi triển khai dự án gần 1 năm thì diện tích trồng ca cao trên địa bàn Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú tăng hơn 2 lần, lên gần 250 hécta.
Chuỗi liên kết với cây mía của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu) cũng đem lại đầu ra ổn định cho cả ngàn hộ nông dân trồng mía tại các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Nhơn Trạch. Hiện nhà máy đang tiến hành làm điểm cánh đồng lớn hơn 50 hécta với cây mía tại huyện Vĩnh Cửu, dự tính trong thời gian tới mở rộng diện tích mô hình và nhân rộng ra trong những vùng trồng mía khác tại các huyện. “Nông dân trồng mía tham gia cánh đồng lớn, lợi nhuận thu được gần 31 triệu đồng/hécta/năm. Với những hộ chuyển đổi từ đất lúa, các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng mía, nhà máy sẽ hỗ trợ tiền chuyển đổi, phân bón, vốn đầu tư chăm sóc và kỹ thuật, đồng thời được bao tiêu đầu ra toàn bộ sản phẩm, có bảo hiểm lợi nhuận tối thiểu” - ông Lưu Đức Hạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An cho hay. Ngoài ra, các chuỗi liên kết hồ tiêu, sầu riêng, bắp, điều... đang triển khai nhưng chưa thực sự bền vững.
* Cần thêm nhiều cánh đồng lớn
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2016 bên cạnh việc duy trì 14 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi với một số cây trồng đang triển khai, Đồng Nai sẽ thực hiện thêm 25 dự án liên kết gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn với lúa, bắp, cà phê, điều, bưởi, sầu riêng... Đây cũng là những nhóm cây trồng Đồng Nai đang có diện tích và sản lượng lớn.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay còn quá ít so với yêu cầu thực tế. Vì thế, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi để thu hút doanh nghiệp tham gia hình thành các chuỗi liên kết bền vững, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Chỉ có cách làm này, nông nghiệp mới vững vàng bước vào hội nhập sâu. |
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nói: “Phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. Khi có chuỗi, chỉ cần tập trung vào sản xuất theo quy trình để tăng năng suất, chất lượng, không phải lo đầu ra. Còn doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tốt ổn định, để sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến xuất khẩu. Một số chuỗi liên kết sau khi triển khai hiệu quả, nhiều nông dân tự nguyện đăng ký tham gia”. Thực tế cho thấy nông dân tham gia chuỗi liên kết có thêm nhiều lợi thế như được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật nên năng suất, chất lượng cao hơn so với khi tham gia và đầu ra được bao tiêu với giá cao hơn thị trường.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hòa Hiệp cho biết: “Chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi được sở rất chú trọng. Nhiều hội nghị, hội thảo về kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh đã được tổ chức nhằm gắn kết doanh nghiệp - nông dân để tiêu thụ đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một thực tế là dù đã hình thành được các chuỗi liên kết nhưng chưa chặt chẽ, các bên thường đơn phương phá vỡ hợp đồng khi thị trường có biến động giá lớn”.
Tạo chuỗi liên kết bền vững cho đầu ra của nông sản không phải là việc dễ làm, nhưng các chuyên gia về kinh tế khẳng định trong giai đoạn hội nhập sâu, ngành nông nghiệp Việt Nam muốn vượt qua “sóng lớn” thì phải sản xuất hàng hóa chất lượng, hạ giá thành mới cạnh tranh được. Để làm được các điều trên, nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng - nhà khoa học phải kết hợp hình thành chuỗi liên kết là xu thế tất yếu.
Khánh Minh