"Điều trăn trở khiến tôi quyết định đầu tư thành lập doanh nghiệp khi đã qua cái thời sôi nổi của tuổi trẻ là vì muốn được tiếp tục làm ra những sản phẩm đúng chất cà phê".
“Điều trăn trở khiến tôi quyết định đầu tư thành lập doanh nghiệp khi đã qua cái thời sôi nổi của tuổi trẻ là vì muốn được tiếp tục làm ra những sản phẩm đúng chất cà phê”.
Bà Phạm Thị Bích Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại và thực phẩm Sơn Lâm (Solafood) tại phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, người có hơn 20 năm làm trong ngành sản xuất cà phê đã chia sẻ như trên về câu chuyện khởi nghiệp của mình.
Bà Phạm Thị Bích Hà giới thiệu sản phẩm cà phê nhân dịp đoàn tham tán các nước gặp gỡ doanh nghiệp Đồng Nai. Ảnh: B.NGUYÊN |
* Lội ngược dòng
Nói về niềm đam mê của mình, bà Hà miên man không dứt: “Với tôi, bản thân hạt cà phê đã hoàn thiện rồi nên việc của người chế biến là “phô” hết sự hoàn thiện này để người dùng thưởng thức. Chính vì vậy, dòng hàng tôi dồn nhiều tâm huyết nhất vẫn là cà phê nguyên chất đúng nghĩa (trong đó có dòng cà phê rang xay) ”. Để đạt được điều này, người làm phải chăm chút, tuyển lọc từ từng hạt cà phê nguyên liệu đến quy trình sản xuất, bảo quản chặt chẽ để đảm bảo giữ nguyên phẩm chất của cà phê thiên nhiên khi đến tay người dùng. Theo bà Hà, điều nghịch lý ở thị trường cà phê Việt Nam - vùng nguyên liệu cà phê thế giới, nhưng rất ít người uống được cà phê nguyên chất. Tuy vài năm trở đây, thị trường nở rộ xu hướng cà phê sạch, cà phê nguyên chất. Nhiều nơi tổ chức rang xay tại chỗ để chứng minh là 100% cà phê nguyên chất. Nhưng thực tế, chất “thật” của cà phê vẫn bị hương liệu tẩm ướp thay thế. Do đó, người tiêu dùng vẫn chưa mấy quen với ly cà phê mộc không đen sánh, không nồng nực hương thơm như trước nay vẫn uống.
Chia sẻ những khó khăn trong việc thay đổi thị hiếu của người dùng khi chọn hướng làm sản phẩm cà phê “mộc” không ướp hương liệu hay cho thêm bất cứ chất độn nào khác, bà Hà tự ví mình như người đang “lội ngược dòng nước”. Chuẩn bị cho việc thành lập doanh nghiệp chế biến cà phê sạch, từ 3 năm trước, bà Hà đã mở 1 quán bán cà phê rang xay ngay tại TP. Biên Hòa để có địa điểm giới thiệu đến khách hàng dòng sản phẩm cà phê mộc. “Điều này không dễ dàng, nhiều khách uống thử gọi tôi ra chê thẳng thức uống này không giống cà phê. Mọi người cần thời gian để thay đổi thói quen vốn có nên tôi xem chuyện bị chê là điều bình thường và có đủ kiên nhẫn để giải thích và chờ sự thay đổi” – bà Hà chia sẻ..
* Đầu tư chế biến sâu
Dần dần, quán cà phê của bà có những khách trung thành, trở thành điểm khách đến đặt cà phê về sử dụng và làm quà tặng. Bà cũng đưa sản phẩm đi tiếp thị đến các quán cà phê và khách sạn lớn tại TP. Biên Hòa. Cuối năm 2014, Công ty TNHH thương mại và thực phẩm Sơn Lâm được thành lập. Ngoài những sản phẩm cà phê rang xay, bà đầu tư sản xuất thêm dòng sản phẩm chế biến sâu là cà phê hòa tan. Bà Hà cho biết: “Thời giam làm việc trong ngành cà phê chế biến, tôi may mắn được trải qua tất cả các công đoạn từ việc tuyển chọn nhập nguyên liệu sơ chế, chế biến đến khâu kinh doanh, phân phối. Đây là thuận lợi không nhỏ khi tôi đứng ra thành lập doanh nghiệp chuyên chế biến cà phê”.
Bà Hà phân tích, người tiêu dùng Việt Nam rất mê cà phê nhưng sản lượng cà phê nguyên chất tiêu thụ tại nội địa vẫn chưa tương xứng. Chính vì vậy, sân nhà vẫn còn rất rộng cho doanh nghiệp mới tham gia. Trong đó, sản phẩm cà phê hòa tan rất phù hợp với xu hướng thưởng thức cà phê nhanh, gọn, nhẹ của nhịp sống bận rộn ngày nay. Tuy dòng sản phẩm hòa tan 3 trong 1 của Sơn Lâm với nhãn S-presso được sản xuất theo hướng công nghiệp nhưng bà chủ của doanh nghiệp này lại mong muốn giới thiệu đến người thưởng thức sản phẩm đúng chất cà phê và gần với tự nhiên nhất. Làm ra sản phẩm cà phê hòa tan đạt 2 yếu tố: nguyên chất và có gu như cà phê phin là 1 thách thức mà Solafood chấp nhận để mang lại nguồn cảm hứng mới cho người thưởng thức.
Bình Nguyên