Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với ông Nguyễn Tăng Ngừng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên tôn Long Phát (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) liên tục bị gián đoạn để ông Ngừng điều hành việc chuẩn bị khánh thành nhà máy sản xuất tôn thứ 18 của mình.
Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với ông Nguyễn Tăng Ngừng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên tôn Long Phát (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) liên tục bị gián đoạn để ông Ngừng điều hành việc chuẩn bị khánh thành nhà máy sản xuất tôn thứ 18 của mình.
Ông Nguyễn Tăng Ngừng bên kho tôn nguyên liệu ở nhà máy tôn Long Phát, đặt tại huyện Nhơn Trạch. |
Với 15 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tôn thành phẩm, ông Ngừng đã thiết lập được một hệ thống nhà máy sản xuất tôn trải dài từ Quảng Ngãi đến các tỉnh miền Tây Nam bộ.
* Lặn lội mở thị trường
Suốt 8 năm đi kinh doanh tôn cho một tập đoàn lớn tại TP.Hồ Chí Minh, ông Ngừng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Năm 2008 ông bắt đầu thành lập công ty riêng. Dù là người Đồng Nai nhưng ông Ngừng chưa chọn ngay quê hương hay các tỉnh, thành sôi động để đầu tư mà tìm lên mãi tỉnh Kon Tum làm ăn. Ông chia sẻ: “Ở các tỉnh lân cận TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất tôn nên rất khó cạnh tranh. Trong khi đó ở nơi xa như Kon Tum muốn mua tôn phải xếp hàng vì rất ít nhà máy. Đây là điều kiện thuận lợi cho bước đầu khởi nghiệp”.
Ban đầu bước ra làm ăn, việc chọn địa điểm đúng hết sức quan trọng, nó quyết định sự thành bại của doanh nghiệp nên ông Ngừng phải tính toán khá kỹ. Thời điểm đó, sau khi xây dựng nhà xưởng, sắm máy móc, ông chỉ còn đủ tiền mua được 4 cuộn tôn nguyên liệu (mỗi cuộn tôn từ 4 - 5 tấn). Vốn là người khá nhạy cảm trong kinh doanh nên ông đã nhanh chóng quay vòng đồng vốn. Tôn của nhà máy sản xuất ra không kịp giao cho khách. Khi nhà máy tôn tại Kon Tum đi vào hoạt động ổn định, ông lại khám phá những thị trường mới, như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Bình Thuận...
* Chia sẻ thành công
Chia sẻ về việc đầu tư, ông Ngừng cho rằng việc quản trị tốt sẽ giúp cho việc mở rộng hay đầu tư mới sẽ dễ dàng hơn, đặc biệt đối với các ngành sản xuất. Để có được các nhà máy ở nhiều tỉnh thành, ông sử dụng phương án cùng góp vốn đầu tư. Theo đó, nếu làm một mình, áp lực về vốn rất lớn và khó khai thác được nhiều thị trường khác nhau. Bên cạnh đó, việc quản lý của người đứng đầu tốn nhiều thời gian. Trong khi thực hiện liên kết sẽ giải quyết được cả 2 vấn đề vốn và thời gian và đáp ứng kịp các nhu cầu của thị trường, như vậy được xem là cùng thành công.
Ông nêu ví dụ, ở thị trường miền Tây Nam bộ chỉ cần đầu tư loại máy cán tôn sóng bình thường là được, nhưng ở Đắk Lắk nếu không đầu tư loại máy cán tôn ngói (tôn giống hình ngói đất) sẽ thua. Liên kết đầu tư cũng “trói” được mọi người phải có trách nhiệm, như vậy độ rủi ro sẽ thấp. Ông Ngừng cho biết việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng này tưởng chừng khá đơn giản nhưng tính toán không kỹ có khi bị lỗ vốn. Việc xử lý công nợ luôn là một áp lực lớn, bởi khi mua tôn nguyên liệu thời gian được thiếu tiền là rất ngắn, trong khi khách hàng của nhà máy thường kéo dài thời gian phải thanh toán tiền. “Tôn thành phẩm khi đã cắt ra rồi mà khách không nhận rất khó bán, không như những mặt hàng khác. Vì mỗi khách hàng đặt một kiểu, như: độ dày mỏng, màu sắc, chiều dài khác nhau nên việc sản xuất ra phải tiêu thụ được” - ông Ngừng nói.
Vân Nam