Gần đây, doanh nghiệp Đồng Nai đã chú ý tìm nguồn nguyên liệu trong nước để hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại (FTA), nhất là đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều đơn hàng đã sử dụng nguyên liệu trong nước trên 50%.
Gần đây, doanh nghiệp Đồng Nai đã chú ý tìm nguồn nguyên liệu trong nước để hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại (FTA), nhất là đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều đơn hàng đã sử dụng nguyên liệu trong nước trên 50%.
Công ty TNHH Hố Nai (TP.Biên Hòa) chú ý tìm nguyên liệu trong nước để đón cơ hội từ TPP. |
Theo Sở Công thương, xuất siêu của Đồng Nai ngày một tăng cao là do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú ý tìm nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu. Hiện nay, đối với nhiều đơn hàng dệt may, giày dép, gỗ sản phẩm gỗ... nguồn cung nguyên liệu trong nước đã có sự cải thiện đáng kể. Trước đây, hầu hết các đơn hàng doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ 80-90% thì nay nhiều đơn hàng chỉ nhập khẩu khoảng 20%.
* Dần chủ động đầu vào
Phần lớn các FTA và đặc biệt là TPP đều yêu cầu khắt khe về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Một trong những tiêu chí muốn được hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập từ các nước cùng tham gia. Nếu không đáp ứng quy định trên, doanh nghiệp sẽ không được giảm thuế. Chính vì vậy, hơn 1 năm nay các doanh nghiệp tại Đồng Nai đã ưu tiên hàng đầu cho việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu.
Ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH gỗ Hạnh Phúc ở Khu công nghiệp Tam Phước, xã Tam Phước (TP. Biên Hòa), cho hay: “Nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước hiện nay đã tăng cao, có những đơn hàng công ty chỉ phải nhập khẩu nguyên liệu khoảng 20-30%. Những nguyên liệu khác như ốc, vít dùng làm bàn, ghế, tủ trước đây nhập khẩu hoàn toàn, thì nay trong nước đã đáp ứng được 100%. Mỗi đơn hàng công ty đều ưu tiên tìm nguyên liệu trong nước trước, nếu không có mới nhập khẩu”. Cũng theo ông Tân, các doanh nghiệp nước ngoài khá nhanh nhạy, nhìn trước được ưu điểm của các FTA đã ký và tới đây là TPP nên 2-3 năm qua đã đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam và những doanh nghiệp của các nước cùng tham gia hiệp định.
“Thị trường xuất khẩu hàng may mặc chính của công ty là châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Cả 3 thị trường lớn này đều đòi hỏi rất kỹ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Để hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập từ các FTA, công ty đã chủ động tìm nguyên liệu sản xuất trong nước. Hiện nhiều đơn hàng của công ty nguyên liệu chỉ phải nhập khẩu 40-50%, giảm trên 40% so với trước đây” - ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) nói.
* Ưu tiên nguyên liệu trong nước
Theo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì tìm nguyên liệu trong nước hiện đang là ưu tiên hàng đầu. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển và mời gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Chính vì thế mà thời gian qua nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam, trong đó có Đồng Nai để đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ. Dẫn đầu trong đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai là các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Sản xuất tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai. |
Ông Dương Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Sở thường xuyên tổ chức hội thảo giới thiệu về các FTA cho doanh nghiệp nắm rõ những cơ hội, thách thức riêng của từng hiệp định. Qua đó, doanh nghiệp sẽ chủ động chuẩn bị để nắm lấy thời cơ khi hội nhập. Đồng thời, các buổi hội thảo cũng là dịp để doanh nghiệp giới thiệu, tìm đối tác liên kết, cung cấp hàng hóa cho nhau”.
Theo Sở Công thương, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 9 tháng của năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai là trên 10,8 tỷ USD thì có hơn 3 tỷ USD xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này nhiều là: giày dép, may mặc, sản phẩm gỗ, túi xách… Trong đó, có nhiều mặt hàng đang phải chịu thuế xuất nhập khá cao nên việc bỏ thuế khi TPP chính thức được các doanh nghiệp Đồng Nai rất trông đợi. |
Nhiều doanh nghiệp lớn có hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã theo dõi rất kỹ ngành hàng mình đang xuất khẩu vào các nước mà Việt Nam đã ký kết FTA để nắm những quy định bắt buộc được giảm thuế, cũng như có sự chuyển bị trước là tìm nguyên liệu trong nước để thay thế. Do đó, những doanh nghiệp hỗ trợ trong nước đã có sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá tương đương với nhập khẩu hoặc nhích hơn một chút, các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận và đặt hàng.
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hố Nai, chia sẻ: “Khoảng 90% sản phẩm bàn ghế của công ty xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nên gần 2 năm nay công ty chuyển qua tìm nguyên liệu gỗ trong nước. Các đơn hàng của công ty nguyên liệu trong nước cung ứng được đến 80%, chỉ còn một số linh kiện trong nước chưa sản xuất buộc phải nhập khẩu, song công ty chọn nhập khẩu từ Hoa Kỳ hoặc các nước cùng tham gia vào TPP để tới đây có thể hưởng những ưu đãi về thuế”. Trong thời gian tới, khi FTA Việt Nam - EU và TPP được ký kết và có hiệu lực, nhu cầu tìm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất của các doanh nghiệp Đồng Nai sẽ còn tiếp tục gia tăng vì Hoa Kỳ, châu Âu hiện vẫn là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai.
Hương Giang