Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ động vật hoang dã việc làm cấp bách

10:10, 29/10/2015

Trong đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã đóng một vai trò khá quan trọng. Vì để một loài mất đi đa dạng sinh học sẽ bị phá vỡ gây ra những hệ lụy xấu cho quá trình biến đổi khí hậu.

Trong đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã đóng một vai trò khá quan trọng. Vì để một loài mất đi đa dạng sinh học sẽ bị phá vỡ gây ra những hệ lụy xấu cho quá trình biến đổi khí hậu. Bảo vệ động vật hoang dã góp phần giữ cân bằng cho đa dạng sinh học, giúp quá trình biến đổi khí hậu chậm lại.

Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, động vật hoang dã là chuỗi mắt xích quan trọng trong đa dạng sinh học. Nếu chuỗi mắt xích này bị đứt, toàn hệ thống sẽ tê liệt, như vậy tác động rất xấu đến môi trường làm cho quá trình biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và khốc liệt hơn. Nếu bảo tồn tốt động vật hoang dã, thì môi trường sẽ được bảo vệ tốt hơn, như vậy những thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra sẽ bị hạn chế và bớt khốc liệt. Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề  nhất của biến đổi khí hậu nên việc bảo vệ đa dạng sinh học càng trở nên cấp bách.

* Bảo vệ nghiêm ngặt

Tuy là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, nhưng gần 15 năm nay, Đồng Nai đã đóng cửa rừng tự nhiên để bảo tồn các loại động - thực vật hoang dã. Chính vì vậy mà hiện rừng ở Đồng Nai là một trong những nơi còn bảo tồn nhiều loại động vật hoang dã nằm trong sách đỏ thế giới và quốc gia. Việc bảo vệ rừng, trong đó có động vật hoang dã được ngành kiểm lâm phối hợp với các địa phương quản lý rất chặt. Những vụ vi phạm về săn bắn, vận chuyển và kinh doanh động vật hoang dã không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ bị  xử lý nghiêm.

Chim ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Chim ở Vườn quốc gia Cát Tiên.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, hiện trong rừng tự nhiên của tỉnh có gần 1.700 loài động vật rừng thuộc 209 họ, 40 bộ và 5 lớp. Trong đó, bao gồm có các loài thú, chim, bò sát, ếch nhái, côn trùng, cá. Đặc biệt, 76 loài động vật nằm trong Sách đỏ động vật Việt Nam. Đồng Nai được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đánh giá là nơi còn giữ được diện tích rừng nhiều nhất. Ông Đặng Hồng Tăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: “Đồng Nai là một trong những tỉnh bảo vệ rừng khá tốt. Nhiều năm liền tại Đồng Nai không để xảy ra cháy rừng. Các loài động - thực vật hoang dã được bảo tồn nghiêm ngặt, nếu phát hiện buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã thì bị tịch thu và xử lý”.

 Rừng bảo vệ tốt nên môi trường, sinh cảnh của các loài động vật hoang dã được bảo vệ. Rừng Đồng Nai cũng là nơi còn bảo tồn và lưu giữ được nhiều loại động vật hoang dã nằm trong sách đỏ. Hàng năm rừng của Đồng Nai đều tiếp nhận những đợt trả động vật hoang dã bị buôn bán trái phép bắt được đưa về các trung tâm cứu hộ. Hiện nay, Đồng Nai đã có quy hoạch rừng đến năm 2020, bảo vệ động vật hoang dã là một trong những việc làm cấp bách tỉnh rất chú trọng. Vì bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần làm chậm lại quá trình của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ những thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.

* Vì tương lai

Trên thế giới, các loài động vật hoang dã đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm quần thể, suy giảm chất lượng môi trường sống và nguy cơ tuyệt chủng ở cấp độ quốc gia và toàn cầu. Sự suy giảm các quần thể động vật hoang dã trong tự nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên. Việc suy giảm động vật hoang dã nhanh tại nhiều quốc gia là do tình trạng săn bắt không bền vững. Và nạn buôn bán động vật hoang dã hiện đang là nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng một số loài còn số lượng ít trong tự nhiên. Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, việc phát triển các trang trại gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại hầu hết không giúp ích cho việc bảo tồn các quần thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên. Vì có những trang trại gây nuôi động vật hoang dã đã lấy nguồn gốc từ tự nhiên. Bảo vệ động vật hoang dã đang là việc làm cấp bách của nhiều quốc gia nhằm góp phần bảo vệ môi trường cho tương lai.

Cá sấu là động vật hoang dã được nuôi nhiều ở Đồng Nai và quản lý rất chặt nguồn gốc đầu vào.
Cá sấu là động vật hoang dã được nuôi nhiều ở Đồng Nai và quản lý rất chặt nguồn gốc đầu vào.

Tại Đồng Nai, việc quản lý động vật hoang dã ngoài tự nhiên và các trang trại chăn nuôi khá nghiêm ngặt. Với động vật hoang dã chăn nuôi trong các trang trại phải có nguồn gốc rõ ràng, nếu không có nguồn gốc rõ ràng khi xuất bán bị phát hiện sẽ bắt giữ và tịch thu và xử lý. Quá trình chăn nuôi động vật hoang dã nếu sinh sản, tăng số lượng đàn phải báo cáo với đơn vị kiểm lâm đến khi xuất bán sẽ được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc. Ông Lê Minh Hùng, ấp 2, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), cho hay: “Gia đình tôi nuôi cá sấu gần 7 năm và mỗi khi mua cá giống đều chọn loại có nguồn gốc rõ ràng và khi mua về đều báo với Hạt Kiểm lâm huyện để họ kiểm tra, khi nuôi lớn xuất bán thì được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc sẽ dễ bán hơn không lo bị phát hiện, tịch thu”.

Với động vật hoang dã ngoài tự nhiên, tỉnh quản lý rất chặt các khu vực cửa rừng, không cho người dân vào rừng khai thác, săn bắn. Tuy nhiên, mỗi năm, lực lượng kiểm lâm vẫn phát hiện bắt giữ hàng trăm vụ săn bắt, vận chuyển buôn bán động vật hoang dã trái phép. Các vụ vi phạm trên hầu hết xử phạt hành chính tịch thu động vật hoang dã đưa về nơi cứu hộ để trả về tự nhiên.

Bảo tồn động vật hoang dã

Hiện nay, một số người tiêu dùng có điều kiện kinh tế vẫn thích sử dụng các loài động vật hoang dã ngoài tự nhiên làm thức ăn, ngâm rượu, bào chế làm thuốc... Đây là những sở thích xấu góp phần làm giảm các loài động vật hoang dã ngoài tự nhiên và dẫn đến nguy cơ khiến các loài bị tuyệt chủng dần trong tự nhiên. Theo quan niệm của một số người dân thì sử dụng động vật hoang dã trong tự nhiên tốt cho sức khỏe, chữa bách bệnh, chẳng hạn như: sừng tê giác, ngà voi, mật gấu... Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, bác sĩ thú y trên thế giới đã chứng minh, việc sử dụng sản phẩm động vật hoang dã không tốt như lời truyền miệng mà có nguy cơ bị bệnh truyền nhiễm cao. Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng (Đại học quốc gia Hà Nội) việc đồn thổi dùng một số sản phẩm động vật hoang dã chữa được bách bệnh mới chỉ có ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây. Đây là khoảng thời gian thu nhập của người dân tăng lên và nhu cầu thể hiện đẳng cấp bằng hàng xa xỉ xuất hiện. Nếu lời đồn là đúng tại sao từ thời xưa đến nay không dùng và các nước khác không có cơn sốt này. Ví dụ trong y văn cổ, sừng tê giác có tính thanh nhiệt, tác dụng tương tự sừng trâu. Các lời đồn thổi dùng sừng tê giác có tác dụng chữa ung thư, giải rượu, cường dương mới có gần đây không có căn cứ.

Cách bảo tồn động vật hoang dã trong tự nhiên tốt nhất là không nên sử dụng, khi cung không có thì cầu ắt sẽ giảm và việc săn bắt sẽ  ít. Muốn thực hiện việc này, các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức của người dân trong việc cùng chung sức bảo vệ động vật hoang dã ngoài tự nhiên nhằm bảo vệ đa dạng sinh học hạn chế thiên tai chậm lại quá trình của biến đổi khí hậu.

 Khánh Minh

 

Uyển Nhi

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích