Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng hàng rào kỹ thuật: Coi chừng "thắt" luôn doanh nghiệp nội

09:09, 14/09/2015

Bước vào hội nhập sâu với các hiệp định thương mại song phương và đa phương, hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ và hình thành những thị trường phi thuế quan. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải nhanh chóng lập hàng rào kỹ thuật để bảo hộ cho ngành hàng trong nước. Tuy nhiên điều đó không hề dễ dàng.

 

Bước vào hội nhập sâu với các hiệp định thương mại song phương và đa phương, hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ và hình thành những thị trường phi thuế quan. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải nhanh chóng lập hàng rào kỹ thuật để bảo hộ cho ngành hàng trong nước. Tuy nhiên điều đó không hề dễ dàng.

Sản xuất drap tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa).
Sản xuất drap tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa).

Nếu trong lĩnh vực nông nghiệp, lập hàng rào kỹ thuật khó khăn bao nhiêu thì ở lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, khó khăn cũng không kém. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng, hàng rào kỹ thuật cũng như “con dao 2 lưỡi” vì nếu “thắt” doanh nghiệp (DN)ngoại, DN trong nước cũng khó lòng đáp ứng.

* Doanh nghiệp lo chuyện cạnh tranh

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), DN chuyên sản xuất chăn, drap, gối và nệm (bông ép và cao su nhân tạo), chia sẻ cuối năm nay khi Việt Nam hòa vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh rất mạnh ở các ngành hàng. “Tôi đã đi khảo sát ở 2 thị trường Lào và Campuchia. Ở đó mặt hàng chăn, drap, gối và nệm của Thái Lan phủ kín. Riêng sản phẩm gối của Thái Lan, tôi đã thấy xuất hiện bán tại TP.Hồ Chí Minh, tuy nhiên giá cao hơn hàng của Việt Nam cùng loại, có lẽ do còn chịu thuế và chi phí vận chuyển xa. Khi không còn thuế, ngân hàng này của Việt Nam rõ ràng sẽ gặp khó khăn” - ông Linh nói. Cũng theo ông Linh, ngành hàng này sẽ bị cạnh tranh mạnh ở các kênh siêu thị, trung tâm thương mại. Đây cũng là ngành hàng khó có thể lập được hàng rào kỹ thuật, vì vậy chính DN tự tạo ra hàng rào bằng cách nâng cao hiệu quả để bảo vệ mình.

Đồng quan điểm này, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (xã Long An, huyện Long Thành), DN sản xuất găng tay cao su, cho rằng chủ động đầu tư và tạo mẫu mã sản phẩm phong phú để cạnh tranh là cách tốt nhất để giữ thị phần và tận dụng những lợi thế mà mình có, như: vùng nguyên liệu dồi dào, thị trường quen. Trong khi đó, ở ngành sản xuất bao bì nhựa, giám đốc một DN ở Trảng Bom cho biết, ông khá lo lắng bởi đây là ngành hàng các DN nhỏ ở Việt Nam không phải là đối thủ với các DN Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Hiện giá bao bì ở các nước này rẻ hơn giá thành sản xuất của các DN nhỏ ở Việt Nam.

* Con dao 2 lưỡi

Chia sẻ về việc lập hàng rào kỹ thuật cho những ngành sản xuất hàng tiêu dùng, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho đây là việc cần thiết nhưng rất khó thực hiện, bởi DN sản xuất của Việt Nam phần lớn là DN vừa và nhỏ, sử dụng máy móc công nghệ cũ. Ông Liêm trăn trở: “Thật sự của việc tạo ra hàng rào kỹ thuật chính là nâng chuẩn chất lượng của sản phẩm lên. Như hiện nay, các DN trong nước chưa đầu tư được công nghệ máy móc tiên tiến, lại nâng chuẩn lên chẳng khác nào tự làm khó mình”.

“Nguyên liệu chính là hạt nhựa nhập khẩu như nhau, nhưng các DN nước ngoài có máy móc hiện đại hơn, năng suất lao động cao hơn và các chi phí khác thấp hơn nên giá thành sản phẩm thấp.Trong khi đó, DN nhỏ của Việt Nam vốn ít lại “trăm dâu đổ đầu tằm” - một giám đốc DN nói.

Đồng tình với việc rất khó lập hàng rào kỹ thuật khi Việt Nam tham gia hội nhập, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn phân tích, phần lớn hàng rào kỹ thuật là từ các nước phát triển lập ra để ngăn chặn hàng từ các quốc gia thấp hơn xuất khẩu vào mục đích là để bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy, các tiêu chuẩn thường được đặt ra rất cao và khó. Trình độ sản xuất của DN Việt Nam còn ở mức thấp nên xây dựng hàng rào kỹ thuật không phải dễ. Ông Tuấn lấy ví dụ: “Cách đây vài năm, khi thép nước ngoài tràn vào mạnh, ngành thép trong nước cũng như các bộ, ngành đã tính đến việc lập hàng rào kỹ thuật là nâng chuẩn thép lên. Khi xem xét kỹ thấy phần lớn các DN và nhà máy thép trong nước có công suất nhỏ và công nghệ cũ, nếu nâng chuẩn thép lên, khó khăn đầu tiên sẽ rơi vào nhiều DN sản xuất thép trong nước dẫn đến hàng rào cũng không thực hiện được. Hàng rào kỹ thuật như con dao 2 lưỡi, sử dụng không khéo lại đứt chính tay mình”.

Cũng theo ông Tuấn, từ khi Việt Nam vào WTO, mỗi khi các thị trường khó tính đưa ra hàng rào kỹ thuật thì các DN làm hàng xuất khẩu của Việt Nam lại tìm cách vượt rào và luôn thành công. Kim ngạch xuất khẩu của các lĩnh vực nhìn chung hàng năm đều tăng. Rõ ràng bài toán hàng rào kỹ thuật chỉ mang tính tạm thời để bảo hộ hàng trong nước ở một giai đoạn ngắn giúp DN chuẩn bị sức cạnh tranh.

Vân Nam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều