Tác động từ biến động tỷ giá đồng USD gần đây đã khiến ngành nông nghiệp trong nước phải "thấm đòn", vì đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, như: giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... phần lớn phải nhập khẩu.
Tác động từ biến động tỷ giá đồng USD gần đây đã khiến ngành nông nghiệp trong nước phải “thấm đòn”, vì đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, như: giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... phần lớn phải nhập khẩu.
Quá trình chăn nuôi mỗi loại gia súc, gia cầm phải tiêm phòng từ 3-5 lần, thuốc chủ yếu nhập khẩu chịu ảnh hưởng biến động tỷ giá. Trong ảnh: Trạm cung ứng thuốc thú y (Chi cục Thú y Đồng Nai). |
Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, 8 tháng của năm 2015, Việt Nam đã bỏ ra gần 4,6 tỷ USD để nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Biến động tỷ giá khiến doanh nghiệp (DN) trong nước mất thêm hàng ngàn tỷ đồng. Phần gia tăng này được tính vào giá thành sản phẩm và người phải chịu chính là nông dân sản xuất.
* Đang cố kìm giá
Hầu hết các DN nhập khẩu mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều cho hay, biến động tỷ giá gây khó khăn không nhỏ, vì hàng nhập khẩu chủ yếu thanh toán bằng USD, với giá tăng khoảng 600 đồng/USD so với cuối năm 2014 thì cứ 1 triệu USD dùng nhập khẩu, DN mất thêm 600 triệu đồng. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản trong nước, chăn nuôi đang gặp khó khăn nên các DN đành “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm bớt lợi nhuận và các chi phí khác, chỉ điều chỉnh giá sản phẩm tăng nhẹ.
TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho hay để gỡ gánh nặng cho ngành nông nghiệp trước những khó khăn về tỷ giá, đầu ra cho sản phẩm, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi rõ ràng, cụ thể đủ sức thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vật tư đầu vào, bảo quản sau thu hoạch và chế biến sâu. Làm tốt các khâu này sẽ giảm nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp, tăng xuất khẩu và sẽ nâng cao được giá trị gia tăng cho ngành. Còn nếu cứ nhập khẩu đầu vào cho sản xuất và xuất tươi, thô nông sản thì nông nghiệp khó thoát khỏi gánh nặng ngày càng oằn vai. |
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (huyện Trảng Bom), cho biết: “Biến động tỷ giá làm ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng không nhỏ vì giống, bắp, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y phần lớn phải nhập khẩu. Đơn cử, thời điểm này nếu công ty nhập khẩu heo giống về sẽ mất thêm hơn 120 ngàn đồng/con. Cộng thêm các nguyên liệu vật tư khác phải nhập khẩu thì giá thành chăn nuôi bị đầy lên khá cao”. Tuy nhiên, theo ông Sơn chăn nuôi trong nước đang khó khăn nên DN đang chịu trận vì chưa thể điều chỉnh giá heo giống, heo thịt tăng. Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, cho biết: “Công ty nhập khẩu vài ngàn tấn bắp/tháng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên USD tăng giá so với Việt Nam đồng khiến công ty mất thêm khoảng 600 triệu đồng/tháng. Thời điểm này ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang cạnh tranh gay gắt nên công ty đành giảm lợi nhuận để giữ nguyên giá thức ăn chăn nuôi”. Đại diện các DN đều chia sẻ, tới đây sẽ phải điều chỉnh tăng các mặt hàng trên để bù lại chứ không thể gồng mình mãi.
* Nông nghiệp thêm khó
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhận định: “Trong 8 tháng của năm, Việt Nam bỏ ra 882 triệu USD để nhập khẩu 2,8 triệu tấn phân bón các loại. Hiện giá phân bón trên thị trường chưa có biến động nhiều vì các DN đang chia sẻ khó khăn với nông dân. Nhưng tới đây và về lâu dài, nếu Việt Nam đồng tiếp tục giảm giá so với USD thì ngành nông nghiệp sẽ thêm gánh nặng vì giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất sẽ tăng cao”. Theo một số chuyên gia về kinh tế, tỷ giá mới biến động lớn khoảng gần 1 tháng nay nên ngành nông nghiệp mới chỉ “thấm đòn” nhẹ, vì lượng hàng DN nhập khẩu thanh toán trước khi biến động tỷ giá hãy còn nhiều. Từ cuối năm trở đi, nếu Việt Nam đồng tiếp tục hạ giá so với USD, cộng với xuất khẩu nông sản tiếp tục khó khăn thì ngành nông nghiệp mới thực sự “ngấm đòn”.
Công ty TNHH Thanh Bình mỗi tháng mất khoảng 600 triệu đồng do biến động tỷ giá. |
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói: “Hiện nay, một số DN cung ứng thuốc thú y đã rục rịch thông báo sẽ tăng giá thuốc do biến động tỷ giá. Với con giống, thuốc thú y, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi... phần lớn phải nhập khẩu thì ngành chăn nuôi bị đẩy giá thành lên cao, giảm sức cạnh tranh”. Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai, trung bình mỗi tháng DN trên địa bàn tỉnh đã nhập khẩu bắp, thức ăn chăn nuôi hơn 100 triệu USD. Theo tính toán, biến động tỷ giá 5% tính từ đầu năm sẽ khiến DN nhập khẩu bắp, thức ăn chăn nuôi mất thêm hơn 100 tỷ đồng. Chuyện DN sẽ tính tất cả chi phí này vào giá bán sản phẩm cho nông dân là chuyện đương nhiên và chỉ là ngày một ngày hai.
Đa phần các nguyên liệu quan trọng cho sản xuất nông nghiệp phải nhập khẩu nên biến động tỷ giá sẽ là gánh nặng lên vai các DN trên lĩnh vực này và cả nông dân.
Hương Giang