Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng chuỗi liên kết (Bài 2)

11:04, 13/04/2015

Nhiều năm qua, câu chuyện sản xuất và tiêu thụ không gặp nhau là một trong những bài toán khó giải nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Do đó, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, từ chăn nuôi đến trồng trọt để nông dân có đầu ra ổn định là một trong những yêu cầu đầu tiên mà hậu nông thôn mới đặt ra.

Nhiều năm qua, câu chuyện sản xuất và tiêu thụ không gặp nhau là một trong những bài toán khó giải nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Do đó, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, từ chăn nuôi đến trồng trọt để nông dân có đầu ra ổn định là một trong những yêu cầu đầu tiên mà hậu nông thôn mới đặt ra.[links(right)]

Một số chuỗi liên kết trên lúa, bắp, heo, gà, mía, điều... tại Đồng Nai đã hình thành và bước đầu đem lại hiệu quả. Hiện nay, đã có hàng chục doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác để hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

* Kết nối sản xuất - tiêu thụ

Trên các loại cây trồng, vật nuôi có 4 chuỗi liên kết thành công là gà, heo, mía và bắp. Với heo và gà, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong nước liên kết với nông dân theo hình thức cung cấp giống, kỹ thuật, thuốc thú y và mua lại sản phẩm. Nông dân tham gia vào chuỗi chỉ tập trung sản xuất tốt, còn đầu vào đầu ra đều có doanh nghiệp bảo đảm. Cách làm này giúp nông dân có lợi nhuận ổn định hơn.

Nuôi gà trong trại lạnh theo quy trình VietGAP của ông Nguyễn Thanh Phi Long tại huyện Trảng Bom.
Nuôi gà trong trại lạnh theo quy trình VietGAP của ông Nguyễn Thanh Phi Long tại huyện Trảng Bom.

Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom), cho biết: “Công ty đang liên kết với 70 trại trong tỉnh chăn nuôi gà thịt các loại với tổng đàn 800 ngàn con. Công ty lo giống, kỹ thuật, thuốc thú y và đầu ra, các trại chỉ việc sản xuất. Nếu hạ tỷ lệ hao hụt đàn, giảm tiêu tốn thức ăn dưới mức quy định của công ty thì lợi nhuận sẽ rất cao”. Cũng theo ông Tuấn, bắp là nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi, phải nhập khẩu hoàn toàn, nếu tìm được HTX có thể cung ứng lượng bắp lớn, chất lượng ổn định trong tỉnh, công ty sẽ ký hợp đồng lâu dài.

Làm việc tại Đồng Nai về nông thôn mới vào cuối 2014, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn tỏ ra rất ấn tượng về những kết quả địa phương đã đạt được trong đầu tư, phát triển nông nghiệp. Thứ trưởng đánh giá cao việc nông dân ý thức rõ làm nông nghiệp sạch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua các hình thức liên kết các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, bắt đầu phát huy vai trò tìm đầu ra, hạn chế tình trạng nông dân bị ép giá.

Ông Bùi Văn Lang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa, nói: “Để có vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất, chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với hàng ngàn hécta mía ở nhiều vùng trong tỉnh. Nông dân trồng mía ký hợp đồng với công ty có nhu cầu sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, vốn. Các hộ sản xuất diện tích lớn hoặc có năng suất cao mỗi năm còn được thưởng thêm để khuyến khích”.

Theo ông Hồ Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nông Lâm (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom), khoảng 4 năm nay, Việt Nông Lâm đã liên kết với nông dân tại Xuân Lộc, Cẩm Mỹ cung cấp cây bắp tươi để sản xuất thức ăn chăn nuôi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Vùng nguyên liệu của công ty là hơn 400 hécta. Với chuỗi liên kết này, nông dân có thể sản xuất 4 vụ bắp/năm và lợi nhuận thu được từ 130-160 triệu đồng/hécta/năm.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai hiện đang làm cầu nối liên kết một số doanh nghiệp thông qua HTX thương mại dịch vụ chế biến Đồng Hiệp để cung cấp heo, vịt, gà theo chuỗi nhưng số lượng chưa nhiều. “Từ giữa năm 2014, HTX Đồng Hiệp ký hợp đồng tiêu thụ heo với Công ty Vissan cung cấp 100 con heo thịt/ngày và hiệp hội đang tiến hành giúp HTX tìm thêm các đối tác khác vì khả năng của HTX có thể cung ứng 2 ngàn heo thịt/ngày” - ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ.

Ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động nông dân liên kết tạo thành HTX có vùng sản xuất lớn và có tư cách pháp nhân để dễ dàng ký kết hợp tác với các doanh nghiệp để sản xuất theo đơn đặt hàng. Hiện doanh nghiệp liên kết với nông dân chưa nhiều vì còn thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, ngoài các chuỗi liên kết trên trên, Đồng Nai còn hình thành được những chuỗi liên kết tiêu thụ trái cây giữa nông dân - doanh nghiệp - siêu thị. Trái cây của một số nhà vườn tại TX.Long Khánh được Siêu thị BigC đặt hàng thông qua Công ty TNHH trái cây Long Khánh với giá cao. Hoặc 2 HTX ca cao ở Định Quán, Thống Nhất được Công ty TNHH ca cao Trọng Đức liên kết tiêu thụ đầu ra với giá luôn có lời. Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam với chuỗi sản xuất bắp giống...

* Mở ra nhiều cơ hội

Khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã đến Đồng Nai để tìm cơ hội liên kết đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh cũng đang “trải thảm đỏ” để mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, chế biến tạo nên chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn nhằm nâng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng có các chính sách ưu đãi về thuế, vốn cho những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tạo chuỗi liên kết bền vững.

Dây chuyền xử lý và đóng gói trứng tự động tại trang trại Thanh Đức (huyện Xuân Lộc).
Dây chuyền xử lý và đóng gói trứng tự động tại trang trại Thanh Đức (huyện Xuân Lộc).

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nhấn mạnh: “Tới đây, trên mỗi loại cây trồng vật nuôi, tỉnh sẽ tạo chuỗi liên kết với doanh nghiệp. Song, muốn chuỗi này phát triển được thì các địa phương cũng phải chung sức cùng nông dân và doanh nghiệp”.

Ông Trần Quang, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), cho hay: “HTX đã ký hợp đồng cung cấp hạt bắp khô cho công ty của Đài Loan và Hàn Quốc giá luôn cao hơn thị trường từ 300-400 đồng/kg. Hai công ty trên có thể mua 3-4 ngàn tấn/tháng. Chúng tôi đang tính đường phối hợp với những HTX, CLB trồng bắp khác để có đủ sản lượng cung ứng cho đối tác”.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, ngoài những mô hình nêu trên, Đồng Nai còn một số mô hình chuỗi liên kết khá thành công, như: tiêu tại xã Lâm San được Công ty TNHH KSS Việt Nam ký kết tiêu thụ; liên kết tiêu thụ sản phẩm bắp cây làm thức ăn chăn nuôi do Công ty TNHH Phát Thịnh, Công ty TNHH Trí Nguyễn thực hiện bao tiêu cho 120 hộ nông dân với diện tích 200 hécta; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tại tổ hợp tác dâu tằm trên địa bàn các xã Xuân Đông, Xuân Tây và Sông Ray với quy mô 200 hécta với 250 hộ; Công ty TNHH chế biến xoài Lê Hải Bình liên kết với HTX xoài Phú Lý với quy mô 100 hécta làm vùng nguyên liệu...

Thực tế, muốn tham gia vào chuỗi liên kết bền vững, nông dân phải có tiềm lực về kinh tế, kỹ thuật, tầm nhìn xa. Các thành viên tham gia trong chuỗi phải cùng giữ chữ tín và chia sẻ khó khăn, lợi nhuận với nhau thì chuỗi mới hoạt động bền vững. “Trong Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico (Agropark) có 2 doanh nghiệp lớn đầu tư dự án nuôi bò sữa, trồng chuối xuất khẩu. Sắp tới, khi làm xong mô hình điểm, các doanh nghiệp sẽ liên kết với nông dân để tạo thành vùng nguyên liệu lớn” - ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định, nếu Chính phủ, tỉnh tiếp tục có những chính sách ưu đãi cụ thể về cơ chế, vốn, thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chế biến và đơn giản các thủ tục hành chính thì các chuỗi đang có sẽ dễ dàng mở rộng và sẽ có thêm nhiều chuỗi liên kết mới.

Nhóm PV kinh tế    

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều