UBND tỉnh đã yêu cầu 9 mỏ khai thác khoáng sản đã khai thác xong tại TP.Biên Hòa phải hoàn thành việc xây dựng tường bao và hàng rào kiên cố trước ngày 31-1-2015 để tiến hành đóng cửa.
UBND tỉnh đã yêu cầu 9 mỏ khai thác khoáng sản đã khai thác xong tại TP.Biên Hòa phải hoàn thành việc xây dựng tường bao và hàng rào kiên cố trước ngày 31-1-2015 để tiến hành đóng cửa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện xong.
Một số khu vực xung quanh mỏ khai thác khoáng sản Hóa An ở ấp Cầu Hang đã được chủ mỏ xây dựng tường bao. Ảnh: H.Giang |
Sau khi xảy ra một số vụ chết người do người dân sơ suất rơi xuống những hố mỏ khai thác khoáng sản đã khai thác xong, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác mỏ trong danh mục đóng cửa phải xây dựng hàng rào kiên cố, đặt cống thoát nước và có biển báo nguy hiểm tránh rủi ro. Nhưng đến ngày 28-3, khảo sát tại 9 mỏ trên, có những nơi vẫn rào qua loa không đảm bảo an toàn.
* Thấp thỏm từng ngày
Nhiều hộ dân sống gần khu vực có các mỏ khoáng sản đã khai thác xong cho biết, họ lo lắng bất an vì các mỏ khoáng sản đều có những hố sâu từ vài chục đến 100m, vách thẳng đứng, người lớn không may rơi xuống cũng mất mạng.
Anh Chu Văn Thu, ấp Cầu Hang, xã Hóa An, TP.Biên Hòa nói: “Nhiều năm nay, cứ tới mùa nghỉ hè là vợ chồng tôi lại thấp thỏm không yên vì chỉ lo con ở nhà sẽ cùng chúng bạn ra gần mỏ đá Hóa An chơi, rất nguy hiểm. Các hố mỏ ở đây sâu thẳng đứng, nhiều đoạn chỉ rào qua loa bằng dây thép gai sát miệng mỏ, rất nguy hiểm”. Thực tế, có những khu vực mỏ thuộc ấp Bình Hóa, Cầu Hang đã tiến hành xây dựng tường bao và rào thép gai, nhưng có những đoạn chỉ rào thép gai thưa thớt không đảm bảo an toàn và biển báo khu vực nguy hiểm cũng chỉ làm chiếu lệ.
Tại TP. Biên Hòa có 9 mỏ khai thác khoáng sản đã khai thác xong, đang thực hiện các giải pháp để đóng cửa mỏ. Trong đó, có 5 mỏ thuộc Công ty BBCC, còn lại 4 mỏ thuộc Công ty cổ phần Hóa An, Công ty TNHH một thành viên Đồng Tân, Công ty TNHH An Phú và Công ty TNHH Hiệp Phong. Theo Văn bản 8650 của tỉnh, các chủ mỏ trên phải xây dựng hàng rào kiên cố ở những khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn. Cụ thể, tường gạch cao tối thiểu 1m, bên trên rào kẽm gai cao thêm 1m, biển báo hiệu khu vực nguy hiểm làm bằng biển bê tông. Những khu vực không phải xây tường gạch thì rào xung quanh bằng dây kẽm gai kiên cố. |
“Tôi và nhiều bà con sống gần mỏ chỉ mong lãnh đạo tỉnh yêu cầu các chủ mỏ sau khi khai thác xong phải xây tường bao cao kiên cố và rào thép gai thật dày xung quanh khu vực để tránh nguy hiểm cho người qua lại. Và khoảng cách tường bao với miệng mỏ nên là 2m mới an toàn, chứ có những khu vực tôi thấy tường bao ngay sát mép mỏ, chỉ cần một vài cơn mưa lớn kèm dông lốc hàng rào đổ xuống sẽ rất nguy hiểm” - bà Nguyễn Thị Huyền, ấp Cầu Hang nói.
Tương tự, nhiều bà con sống gần các khu vực mỏ đã khai thác xong thuộc xã Tân Hạnh, các phường Bửu Hòa, Tân Vạn cũng có chung nguyện vọng như chị Huyền.
* Gia hạn đến tháng 6-2015
Theo Phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - môi trường, hiện phòng đang cử cán bộ xuống kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư các mỏ khai thác khoáng sản hết thời hạn khai thác nhanh chóng hoàn thành việc trồng cây xung quanh mỏ, xây dựng hàng rào, cắm biển báo hiệu khu vực nguy hiểm để đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, dự tính phải đến tháng 6-2015, các chủ mỏ hoàn tất công việc trên để các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá, nếu đạt sẽ trình lãnh đạo tỉnh ban hành quyết định đóng cửa mỏ.
Mỏ khai thác khoáng sản ở ấp Bình Hóa, xã Hóa An (TP. Biên Hòa) chỉ rào và đặt biển báo nguy hiểm qua loa. |
Đáng lý với công việc trên, các chủ mỏ đã phải hoàn tất trước 31-1-2015, nhưng hiện đã quá thời hạn 2 tháng mà hầu hết chủ mỏ vẫn chưa thực hiện xong trách nhiệm của mình. Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường nhận xét: “Các chủ mỏ đã khai thác xong thực hiện những yêu cầu để tiến hành đóng cửa mỏ rất chậm. Đây là trách nhiệm của các chủ mỏ sau khi đã khai thác xong. Tới đây, sở sẽ kiểm tra những doanh nghiệp cố tính kéo dài thời gian xây dựng hàng rào kiên cố khu vực xung quanh mỏ, hoặc chỉ làm hàng rào cho có sẽ bị xử lý nghiêm”.
Theo Điều 38 trong Nghị định 142 của Chính phủ, những chủ mỏ sau khai thác không thực hiện nhanh các quy định trong đề án đóng cửa mỏ sẽ bị xử phạt đến 200 triệu đồng.
Hương Giang