Báo Đồng Nai điện tử
En

TS. Nguyễn Hữu Đạt: Mở cửa thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn

09:10, 10/10/2014

Trên tấm bảng trong gian phòng làm việc giản dị của TS. Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), viết chi chít những thông tin về tất cả các loại trái cây Việt Nam đã và đang làm các bước gia nhập những thị trường khó tính, như : Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, Đài Loan, Hàn Quốc...

Trên tấm bảng trong gian phòng làm việc giản dị của TS. Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), viết chi chít những thông tin về tất cả các loại trái cây Việt Nam đã và đang làm các bước gia nhập những thị trường khó tính, như : Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, Đài Loan, Hàn Quốc... TS. Đạt nói, phải hệ thống lại vì sắp có đoàn từ Australia đến để bàn bạc những bước đầu tiên của chương trình mở cửa thị trường vào Australia cho trái vải Việt Nam. Ông là người đã gắn bó nhiều năm với công việc đặc biệt này, mở cửa thị trường cho hầu hết các loại trái cây Việt Nam vào các thị trường khó tính.

Nếu kể từ năm 2004, khi Việt Nam bắt đầu đàm phán với Mỹ mở cửa thị trường cho trái thanh long, đến nay trung bình Việt Nam mất đến 3 năm để mở cửa thành công cho một loại trái cây xuất khẩu vào một thị trường khó tính. Việc mở cửa chỉ là bước đầu, còn có giữ và phát triển được thị trường đó hay không lại là một việc khó khăn khác, đòi hỏi nhiều tâm huyết của doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý

* Mất 3 năm để mở cửa cho 1 loại trái cây

Gắn bó với công việc này từ 10 năm nay, theo ông điều gì là quan trọng nhất trong việc mở cửa xuất khẩu cho trái cây trong nước?

- Muốn mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam đến những thị trường khó tính, quan trọng nhất là phải có giải pháp để xử lý sau thu hoạch đúng yêu cầu. Hầu hết không cho sử dụng thuốc hóa học, không được khử trùng xông hơi, mà buộc phải sử dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, như sử dụng nhiệt hay chiếu xạ.

Năm 2004, JICA (Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản) viện trợ 4 triệu USD để đầu tư giải pháp xử lý ruồi đục quả bằng hơi nước nóng cho trái thanh long để mở cửa cho trái thanh long sang Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand... Kế thừa trang thiết bị và giải pháp đó, Việt Nam xuất khẩu được xoài sang New Zealand, Hàn Quốc và sắp tới có thể là vào Nhật Bản. Và tiếp đến là vú sữa.

Điều gì là tiên quyết để Việt Nam chọn mở cửa một loại trái cây nào đó vào các thị trường trên?

- Mỗi một lần làm thủ tục xin mở cửa đều có những khó khăn. Do đó, chúng ta phải xem xét và sắp xếp thứ tự ưu tiên: trái cây nào có khả năng cung ứng nhiều nhất, thương mại hóa nhiều nhất, có lợi nhất... Muốn gì cũng phải mở cửa thị trường trước đã.

Năm 2008, Việt Nam mở được cửa cho thanh long vào thị trường Mỹ, ở nhóm chiếu xạ còn có chôm chôm vào Mỹ năm 2011, nhãn và vải vào Mỹ năm 2014; xoài vào New Zealand năm 2012, thanh long sang Chile năm 2011. Trong năm 2015 có thể xoài và vú sữa sẽ vào Mỹ, chôm chôm vào New Zealand, vải vào Australia. Ở nhóm xử lý bằng hơi nước nóng thì năm 2009 thanh long vào Nhật Bản, năm 2010 thanh long vào Hàn Quốc; năm 2014 thanh long vào New Zealand, xoài vào New Zealand năm 2012, xoài vào Hàn Quốc năm 2014 và có thể xoài sẽ vào được Nhật Bản năm 2015. Chúng tôi cũng đang cố gắng đàm phán để vải và nhãn sang được Australia.

 Những yếu tố nào quyết định một thị trường là khó tính hay dễ tính?

- Thị trường khó tính hay dễ tính tùy thuộc vào đặc điểm sinh học. Ví dụ, các quốc gia cùng tuyến khí hậu, như:  Lào, Campuchia, Thái Lan,  Phillippines... có cùng đặc điểm khí hậu với Việt Nam, do đó khi trái cây hay nông sản xuất khẩu sang, họ không lo lắng nhiều đến các chủng loài dịch bệnh lạ. Nhưng các quốc gia khác, như: Mỹ, Nhật Bản... lại khác nhau về dịch hại, và họ sợ dịch hại đó sẽ vào, do đó kiểm soát rất kỹ. Thêm vào đó, nông nghiệp các nước này rất phát triển, gần như an toàn về vệ sinh thực phẩm và dịch hại nên họ hết sức ngăn chặn nguy cơ đó, đương nhiên là phải có những yêu cầu khắt khe với nông sản nhập khẩu. Trừ khi có giải pháp loại bỏ hoàn toàn các nguy cơ đó, còn nếu không, sẽ không có cơ hội xuất khẩu sang đó. Việt Nam hiện có 2 nhà máy chiếu xạ được Mỹ công nhận và 5 nhà máy xử lý hơi nước nóng được tất cả các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand... công nhận.

Mất bao nhiêu thời gian để mở cửa cho một loại trái cây nào đó vào các thị trường trên?

- Thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, xoài đã mở cửa được. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm các loại khác. Bình thường mất khoảng 3-4 năm để đàm phán và thực hiện mở cửa. Ví dụ, năm 2004 bắt đầu đàm phán thanh long vào Mỹ đến tận năm 2008 mới xong. Các loại trái cây khác sau này thì nhanh hơn một chút do có kinh nghiệm, nhưng cũng phải mất trung bình 3 năm cho 1 loại trái vào một thị trường nào đó.

Họ vô cùng e ngại dịch hại và chúng ta phải minh bạch, xử lý được vấn đề đó. Ví dụ, trái thanh long có 50-60 loại dịch hại, nhưng sau phân tích còn 5-6 loại yêu cầu xử lý. Việt Nam phải cung cấp giải pháp làm sạch. Nhóm nhà giàu châu Á thích giải pháp hơi nước nóng, còn nhóm châu Âu thích giải pháp sản xuất phi dịch hại, Mỹ chọn chiếu xạ. Một số quốc gia như Australia hay New Zealand thì chọn cả hai.

* Nên tận dụng tốt thị trường khó tính lẫn dễ tính

Việt Nam đã chính thức mở cửa được 5 loại trái cây vào các thị trường khó tính. Theo ông, đến nay doanh nghiệp đã tận dụng được những lợi thế này chưa?

- Tôi cho là doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các thị trường khó tính. Một năm, sản lượng xuất khẩu đi các thị trường khó tính bằng giải pháp chiếu xạ hay hơi nước nóng khoảng gần 4 ngàn tấn. Đó là cả một nỗ lực. Chẳng hạn thanh long những năm 2008-2009 khi mới mở cửa chỉ đạt 100 tấn, nay đã lên đến gần 2 ngàn tấn. Vấn đề là phải tìm thêm đầu mối tiêu thụ tại các thị trường nói trên, nếu chỉ bán hàng loanh quanh trong cộng đồng người Việt Nam hoặc châu Á thì thị phần khó lớn mạnh.

Mở cửa được thị trường là một chuyện, phát triển và giữ vững thị trường lại là chuyện khác. Ông có câu chuyện nào muốn chia sẻ không?

- Một câu chuyện tôi muốn kể để minh chứng cho sự cạnh tranh quyết liệt ở các thị trường khó tính, là câu chuyện về trái chôm chôm. Năm 2011, Mỹ mở cửa cho chôm chôm Việt Nam. Trước đó 6-7 năm là Thái Lan đã vào Mỹ với thị phần ổn định 500 tấn/năm. Năm 2011 Mỹ mở cửa cho chôm chôm từ Việt Nam và Malaysia - quốc gia này cũng trồng chôm chôm chuyên nghiệp. Bình thường mình đã phải cạnh tranh với Malaysia và Thái Lan, thì năm 2011 Trung Quốc đột ngột “nhảy” vào cuộc chơi bằng cách nhập khẩu 1.500 tấn chôm chôm từ Mexico vào Mỹ, bán với giá cực rẻ. Chôm chôm từ Mexico vào Mỹ lại không cần chiếu xạ do Mexico được xem là một khu vực phi dịch hại. Lô chôm chôm 1.500 tấn vào Mỹ lúc đó đã phá giá toàn bộ, từ 17 USD/kg xuống còn 2,99 USD/kg. Doanh nghiệp điêu đứng.

Ai cũng muốn xuất khẩu được nhiều đi các thị trường cao cấp và khó tính, song đẩy mạnh sản lượng vào đó không hề dễ dàng. Chính vì vậy, nên nhìn nhận thực tế và sòng phẳng hơn. Chúng ta cần đáp ứng cả thị trường khó tính, thị trường trung bình lẫn thị trường dễ tính trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Mỗi thị trường đều có vị trí quan trọng khác nhau và cần biết tận dụng tốt.

Rồi doanh nghiệp Việt họp lại, xem xét tình hình và bèn làm trái vụ. Và chôm chôm trái vụ Việt Nam xuất sang Mỹ duy trì được 300 tấn cho đến nay.

 Xuất khẩu được nhiều loại trái cây đi các thị trường lớn, cao cấp luôn là mong ước của doanh nghiệp và nông dân trong nước. Song, việc kêu gọi nông dân sản xuất đại trà theo chuẩn quốc tế hoặc bỏ rơi các thị trường dễ tính hơn, theo ông có nên hay không?

- Quan điểm của tôi là cần xác định thị trường, có người mua trước khi yêu cầu hay kêu gọi nông dân sản xuất kỹ thuật cao theo chuẩn này chuẩn nọ. Dù rằng đó là một trong những hướng đi lâu dài, nhưng trước mắt nếu xử lý không khéo sẽ mất tác dụng. Sản xuất theo chuẩn quốc tế luôn có giá thành cao hơn sản xuất thông thường. Nếu chỉ đua nhau làm theo mà chưa tìm được đầu ra, nông dân chịu lỗ, bán đổ bán tháo với giá rẻ khi thu hoạch, thì lâu dần họ sẽ mất hứng.

Theo tôi là: tìm thị trường - xác định sản lượng/chiến lược - tổ chức sản xuất. Không thể vội vàng, khuyến khích nông dân sản xuất đại trà theo chuẩn này chuẩn nọ mà chưa có thị trường thì lợi bất cập hại.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều