Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến công tác tại Xuân Lộc vào đầu tháng 4-2014 đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước sức bật của Xuân Lộc - huyện duy nhất trong cả nước hiện có 7/14 xã nông thôn mới - và đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến công tác tại Xuân Lộc vào đầu tháng 4-2014 đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước sức bật của Xuân Lộc - huyện duy nhất trong cả nước hiện có 7/14 xã nông thôn mới - và đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Ngạc nhiên là bởi trước khi xây dựng nông thôn mới, Xuân Lộc hầu như “chưa có gì”. Và, “đích đến” với tên gọi huyện nông thôn mới Xuân Lộc đang rất cận kề.
Những ai đến Xuân Lộc cách đây hơn 5 năm trước đều có chung nhận xét, ở vùng đất khô cằn này “sỏi đá khó thành cơm”. Nhưng hôm nay, Xuân Lộc đã thay da đổi thịt, trở thành vựa bắp, vựa tiêu, vựa xoài… của Đồng Nai. Khi đất xám bạc màu được phủ xanh, cây cho quả ngọt cũng là lúc đời sống người dân được vực lên, thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Nhiều người dân ở xã Bảo Hòa đã đổi đời nhờ chuyển đất lúa sang trồng bắp do được đầu tư nguồn nước tưới. |
Ở Xuân Lộc, những xã đã và đang cán đích nông thôn mới, như: Suối Cao, Xuân Phú, Lang Minh… đều có xuất phát điểm là những xã nghèo, đất đai cằn cỗi. Ngày nay, sự đổi thay đó dễ dàng thấy được khi những ngôi nhà gỗ tuềnh toàng được thay thế bởi nhà tường gạch, mái tôn khang trang, những con đường thôn xóm được đổ bê tông từ nhà ra tận nương rẫy. Cùng với đó, là sự xuất hiện của những “nông dân triệu phú”.
* Triệu phú nông dân
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em ở tỉnh Ninh Bình, anh Lại Quốc Tặng sớm phải bỏ quê tha hương kiếm sống. Mảnh đất đầu tiên anh đặt chân để bắt đầu sự nghiệp là vùng khô cằn, đất sỏi ở xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc). Anh Tặng kể: “Tôi đến Lang Minh từ ngày chưa đầy 20 tuổi với hai bàn tay trắng. Vùng đất kém màu mỡ, dân cư thưa thớt cùng với việc làm ăn manh mún đã khiến tôi lâm cảnh đói ăn, thiếu mặc trong suốt nhiều năm trời. Từ năm 2005, được các ngành chức năng hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật… tôi bắt tay vào sản xuất các loại rau, đậu và cuộc sống bắt đầu “phất” lên nhờ đó”. Anh cho biết thêm, hiện tại gia đình anh có trên 1 hécta diện tích trồng các loại dưa, bí, đậu cô ve. Diện tích này cho thu hoạch đều đặn mỗi năm 3 vụ với tổng sản lượng đạt trên 90 tấn/năm. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh lãi ròng gần 500 triệu đồng.
Trong đợt làm việc với Đồng Nai vào đầu tháng 4-2014, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ - môi trường Quốc hội nhận xét: “Từ vùng đất xám bạc màu, Xuân Lộc đã vươn lên thành huyện dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp đem lại thu nhập cao. Đây chính là sự cố gắng nỗ lực rất lớn của người dân và chính quyền địa phương. Và Xuân Lộc sẽ là mô hình hình điểm trong xây dựng nông thôn mới để các huyện khác trong cả nước học tập”. |
Cũng như anh Tặng, ông Lý Phát Sinh tại ấp Tây Minh (Lang Minh) từ hộ nghèo bậc nhất trong vùng nay đã trở thành triệu phú. Người dân vẫn thường gọi Lý Phát Sinh với cái tên “vua bắp” để công nhận cũng như tán thưởng sự nỗ lực vươn lên của ông. Khi năng suất của 8 sào lúa không đủ nuôi 9 nhân khẩu trong gia đình, ông mạnh dạn chuyển hướng canh tác sang trồng bắp lai. “Cây bắp dễ trồng, lại cho năng suất cao nên những năm sau tôi liên tục mở rộng diện tích. Đến nay, tôi có trên 6 hécta đất canh tác bắp lai và lúa. Tổng thu nhập mỗi năm từ 2 loại cây này đạt trên 600 triệu đồng. Nguồn thu ấy không những đưa gia đình tôi ra khỏi danh sách hộ nghèo mà còn giúp tôi trở thành nông hộ tiêu biểu trong số các gia đình có thu nhập cao trong xã”.
Từ việc chuyển đổi cây trồng kết hợp công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp nông dân phát triển vượt bậc. Tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) trên các cánh đồng “nghèo” năm xưa nay đã xuất hiện những nông hộ giàu có. Ông Thổ Hùng ngụ ấp Bình Hòa, Xuân Phú, cho biết: “Từ năm 2010, kinh tế gia đình tôi bắt đầu khởi sắc. Ngoài việc canh tác 1,5 hécta lúa và bắp, tôi còn trồng thêm 5 sào chôm chôm nên thu nhập bình quân mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng. Giờ không còn đói nghèo nữa!”. Ông Thổ Hùng là người đồng bào Chơro. Trước năm 2010, ông thuộc diện hộ nghèo và từng được hỗ trợ nhà tình thương.
* Đất cằn cho trái ngọt
Những nông dân nói trên giống nhau ở chỗ đều xuất thân từ nông dân nghèo ở nhiều nơi trong cả nước đi tìm tương lai. Và khi đến Xuân Lộc, họ “bén duyên” nên dừng chân lập nghiệp. Với bản tính siêng năng, chăm chỉ tìm hiểu, học hỏi những cái mới để đưa vào sản xuất, họ đã bắt vùng đất bạc màu hoang hóa phải nở hoa kết trái.
Nhiều người dân xã Xuân Hiệp thu lời 40-50 triệu đồng/sào rau/năm. |
Ông Đào Xuân Thắng ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ kể: “Với tâm lý mất cây này còn cây khác, không sợ đói nên mảnh vườn rộng gần 4 hécta được tôi trồng tới 3 loại cây. Kết cục cuộc sống gia đình chẳng khá lên được. Sau nhiều ngày suy ngẫm và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình hiệu quả, tôi quyết định chuyển sang trồng tiêu. Nhờ áp dụng khoa học vào sản xuất, tôi đã thu lời hơn 500 triệu đồng/hécta tiêu”.
Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trong cả nước, 144 xã đã về đích qua việc đạt 19/19 tiêu chí, chiếm 1,6% - tỷ lệ khá thấp. Đặc biệt, vẫn có 7 xã “trắng”, nghĩa là không đạt bất cứ một tiêu chí nào. Ngoài ra, có 562 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (chiếm 6,2%); 2.608 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (chiếm 29%); 4.174 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí (chiếm tỷ lệ cao nhất 46,3%); số còn lại đạt dưới 5 tiêu chí, có tới 1.520 xã (chiếm 16,9%). Như vậy, bình quân cả nước đạt 8,48 tiêu chí/xã. Tính trên cả nước, chỉ có Xuân Lộc có 50% xã đạt toàn bộ các tiêu chí về nông thôn mới theo chuẩn Trung ương. |
Ông Đinh Đoàn Lởi ở ấp Phượng Vỹ, xã Suối Cao lại chọn đổi đời với cây xoài. Chỉ với hơn 2 hécta xoài, mỗi năm ông thu nhập trên 400 triệu đồng. Được như hôm nay, ông Lởi cũng đã phải nhiều phen chìm nổi, có những lúc tưởng như trắng tay. Trong khi nhiều người trồng xoài khốn khổ vì được mùa rớt giá, thời tiết bất thường thì ông vẫn sống “khỏe re”. “Vùng này ngày trước chủ yếu là trồng điều, cây điều năm nào được mùa trúng giá cũng chỉ lời 20 triệu đồng/hécta/năm. Nhưng từ khi chuyển qua trồng xoài, lợi nhuận của tôi đã tăng gấp 10 lần” - ông Lởi khoe.
Thực tế, sự đổi thay mạnh mẽ của nhiều xã khởi nguồn từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông Vũ Quang Minh, Phó chủ tịch UBND xã Lang Minh, cho biết hiện nay Lang Minh đã hoàn thành 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trước khi thực hiện nông thôn mới, Lang Minh là xã khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 10 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo chiếm 8,2% trong tổng dân số của xã. Đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 1,8%. Nhiều vùng đất khô cằn, bạc màu chỉ sản xuất 1-2 vụ lúa/năm, nay đã được cải thiện, đưa vào sản xuất bắp, rau, lúa, tiêu, cà phê, cam... cho năng suất cao. Và Lang Minh đang cố gắng hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay.
Nhóm PV kinh tế