Trong điều kiện toàn cầu hóa, để tồn tại, phát triển mở rộng ra thị trường quốc tế, cần hình thành các tập đoàn kinh tế hoặc doanh nghiệp quy mô lớn. Thế nhưng, tại Đồng Nai nhiều doanh nghiệp lớn lại "ngại" lên tập đoàn.
Trong điều kiện toàn cầu hóa, để tồn tại, phát triển mở rộng ra thị trường quốc tế, cần hình thành các tập đoàn kinh tế hoặc doanh nghiệp quy mô lớn. Thế nhưng, tại Đồng Nai nhiều doanh nghiệp lớn lại “ngại” lên tập đoàn.
Trên thế giới, tập đoàn kinh tế được hình thành từ lâu và có những đóng góp đáng kể về kinh tế - xã hội. Tổng doanh thu của 500 tập đoàn lớn nhất thế giới là 42 ngàn tỷ USD, chiếm 59% GDP toàn cầu. Hầu hết các nước đều theo đuổi mục tiêu hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, tập đoàn kinh tế để mở rộng thị trường, tạo sức cạnh tranh quốc gia, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Sản xuất tại Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai. Ảnh: H.Giang |
Lo không đủ sức
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp lớn của Đồng Nai đều “từ chối” và chưa muốn lên tập đoàn. Hàng loạt lý do được đưa ra, như: ngại về nguồn vốn, quản lý, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho các tập đoàn chưa có...
Ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát, cho hay: “Thành lập tập đoàn chỉ có thể thực hiện khi thấy được lợi ích kinh tế gắn kết với nhau. Nhà nước phải có những ưu đãi về vốn, chính sách và không nên phân biệt đơn ngành hay đa ngành”. Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu khẳng định: “Hiện nay, Đồng Nai có một số tổng công ty lớn đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con khá thuận lợi. Nếu các tổng công ty này chuyển sang thành tập đoàn sẽ khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện các thủ tục pháp lý”.
Ông Lê Hữu Tịnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa bày tỏ: “Một số doanh nghiệp rất muốn thành lập tập đoàn, trong đó có Tín Nghĩa. Tuy nhiên, muốn trở thành tập đoàn lớn mạnh phải có sự tích lũy lâu dài về vốn, chi phối được thị trường. Còn tập hợp các công ty lại với nhau để thành tập đoàn rất dễ tan vỡ”. Theo ông Cao Tấn Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng dân dụng công nghiệp số 1, lên tập đoàn phải hội đủ 3 yếu tố: nguồn vốn lớn, quản trị, cạnh tranh tốt. Không đảm bảo các yêu cầu trên, dù có trở thành tập đoàn cũng khó tồn tại phát triển. Thực tế, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai cũng như cả nước vội vã lên tập đoàn rồi nhanh chóng tan rã.
Ra biển phải có thuyền lớn
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc nhận xét: “Muốn các tổng công ty lớn chuyển sang thành tập đoàn kinh tế, Nhà nước phải có hỗ trợ bằng cơ chế chính sách rõ ràng cụ thể. Còn hiện nay, chính sách của Nhà nước cũng chẳng có gì ưu ái hơn các doanh nghiệp bình thường khác, trong khi các nước trên thế giới có những tập đoàn kinh tế lớn mạnh đều có chính sách riêng giúp phát triển để vươn ra thế giới”. |
TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - đầu tư) nhận định: “Hiện Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại và đang đàm phán ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, các doanh nghiệp lớn của Đồng Nai muốn mở rộng thị trường trong nước và vươn ra thế giới phải xây dựng thành tập đoàn”. Ông Chung ví von, việc thành lập tập đoàn kinh tế cũng giống như muốn ra biển lớn cần có thuyền lớn. Đồng Nai đang nằm trong tốp đầu những tỉnh có công nghiệp phát triển nhưng lại không hình thành được một tập đoàn nào có tên tuổi, ảnh hưởng tầm quốc gia.
TS. Trần Kim Hảo, Tổng biên tập tạp chí Quản lý kinh tế, cho rằng: “Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, nếu không thay đổi nhanh và thành lập các tập đoàn kinh tế thì rất khó tham gia vào thị trường chung”. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc, thành lập tập đoàn kinh tế phải tự nhiên, do doanh nghiệp cảm thấy có nhu cầu và đã có đủ tiềm năng về vốn, chi phối được thị trường. Việc này không thể làm cấp tốc trong một vài năm mà phải có quá trình tích lũy có khi đến vài chục năm.
Hương Giang