Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất ổn nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát

10:05, 26/05/2014

Vụ thu hoạch cuối năm 2013, tôm thẻ chân trắng trúng mùa, trúng giá khiến nhiều nông dân mở rộng diện tích nuôi. Nhưng chưa kịp mừng, người nuôi lại phải đối mặt với vụ thu hoạch thua lỗ vì giá tôm hiện đang rớt giá không phanh.

Vụ thu hoạch cuối năm 2013, tôm thẻ chân trắng trúng mùa, trúng giá khiến nhiều nông dân mở rộng diện tích nuôi. Nhưng chưa kịp mừng, người nuôi lại phải đối mặt với vụ thu hoạch thua lỗ vì giá tôm hiện đang rớt giá không phanh.

Nuôi tôm thẻ chân trắng cần được đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất và kỹ thuật. (Ảnh chụp tại đầm nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Hải, huyện Nhơn Trạch).
Nuôi tôm thẻ chân trắng cần được đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất và kỹ thuật. (Ảnh chụp tại đầm nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Hải, huyện Nhơn Trạch).

Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân nuôi tôm giàu kinh nghiệm tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), nhận xét có giai đoạn, con tôm thẻ chân trắng rất dễ tính, chỉ cần bỏ vốn đầu tư là thu lãi “khủng”. Nông dân đua nhau nuôi và không ít người đã nếm “quả đắng” vì chưa lường hết những rủi ro mà con tôm này mang lại vì chi phí đầu tư lớn, dịch bệnh nhiều.

* Hết thời lãi “khủng”

Giá thu mua tôm thẻ chân trắng hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng vài năm lại đây. Cụ thể, loại tôm từ 90-100 con/kg giá chỉ còn từ 80-90 ngàn đồng/kg; loại từ 40-50 con/kg có giá khoảng 140 ngàn đồng, giảm gần cả trăm ngàn đồng/kg so với vụ thu hoạch trước đó. Bà Trần Thị Thảo, chủ vựa thu mua thủy sản tại xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), cho biết: “Trước đây, các công ty xuất khẩu thu gom loại tôm này với giá cao nên nông dân đua nhau nuôi. Giờ sản lượng nhiều, công ty xuất khẩu lại ít “ăn” hàng; ra chợ thì sức mua yếu nên thương lái cũng không mặn mà dù giá thấp”.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Đồng Nai, tính đến nay, toàn tỉnh có gần 1.957 hécta nuôi tôm các loại, tăng trên 200 hécta so với năm 2013. Diện tích tăng này chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung ở hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành.

Bà Phạm Thị Gương, người nuôi tôm tại xã Long Phước (huyện Long Thành), tính toán: “Trung bình, giá thức ăn thủy sản, thuốc xử lý bệnh và các chi phí khác tăng từ 20-25%/năm, trong khi mức tăng của đầu ra không theo kịp khiến đồng lời dần teo tóp. Vụ này, người nuôi cầm chắc thua lỗ vì giá bán quá thấp. Những năm trước, tôm thẻ dù bán được giá cao, nhưng vì dịch bệnh nhiều nên không phải vụ nào cũng thắng”.

Ông Phan Văn Sáng, nông dân xã Long Phước (huyện Long Thành), cho rằng vụ thu hoạch trước trúng mùa, trúng giá, nông dân đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng nên giờ gặp cảnh “rớt” giá. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở một địa phương mà đang lan rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. “Ao tôm của tôi thu hoạch cách nay hơn một tháng nên vẫn lời được vài chục triệu. Tuy nhiên, vụ mới này tôi chỉ nuôi cầm chừng vì thấy rủi ro ngày càng cao” - ông Sáng nói.

* Dịch bệnh tăng, cơ hội giảm

Nông dân Nguyễn Văn Hải phân tích, trước đây rất khó nuôi tôm thẻ đạt trọng lượng khoảng 40 con/kg. Nhưng giờ, nhiều đầm nuôi công nghiệp đầu tư bài bản, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chọn con giống tốt nên năng suất ngày càng cao. Với năng suất này, dù giá bán thấp, người nuôi cũng không lo lỗ vì cùng một chi phí, thời gian nuôi nhưng con tôm cho năng suất cao, giá bán tôm lớn cũng tốt hơn. Theo ông Hải: “Điểm yếu của tôm thẻ chân trắng là nhiều bệnh rất khó phòng, khó trị. Chính vì vậy, việc nuôi trồng giống tôm này cần được quy hoạch, con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch”.

Tôm thẻ chân trắng đang rớt giá.
Tôm thẻ chân trắng đang rớt giá.

Anh Nguyễn Hữu Có, chuyên viên phụ trách lĩnh vực thủy sản Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, khuyến cáo các ao nuôi ngoài lắp đặt hệ thống quạt nước, cần thiết kế thêm ống xi - phông đặt ở giữa đáy ao để hàng ngày khi thay nước sẽ kết hợp hút cặn bã hữu cơ ra khu xử lý nước thải. Không diệt tạp trong ao nuôi để tránh ảnh hưởng của hóa chất tồn lưu trong ao gây hại cho tôm. Hiện một số người nuôi tôm tại địa phương đang ứng dụng mô hình nuôi xen canh thả lồng nuôi cá rô phi vào ao tôm. Cá rô phi sẽ là hệ thống máy lọc tự nhiên tạo môi trường nước tốt vì nó ăn mầm bệnh và thức ăn thừa của tôm. 

Tôm thẻ chân trắng được nuôi ở Đồng Nai hơn chục năm nay. Những năm đầu, giống tôm này được chọn vì ít dịch bệnh và nhanh cho thu hoạch. Nhưng sau một thời gian, tôm thẻ xuất hiện nhiều dịch bệnh, trong đó không ít bệnh thuộc loại “nan y”, không có cách phòng và thuốc chữa. Cơ hội làm giàu từ mô hình nuôi trồng thủy sản từng được đánh giá là siêu lợi nhuận này không phải dễ, nhất là khi nông dân đua nhau đầu tư một cách tự phát. Khi tôm bị bệnh, họ sẵn sàng bỏ ao hoặc bán tôm non để tận thu.

 

  

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều