Tại TP.Hồ Chí Minh, "Hội nghị đối thoại giữa tham tán thương mại với doanh nghiệp các tỉnh, thành phía Nam năm 2013" do Bộ Công thương và UBND TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp tổ chức đã có sự hiện diện của 64 tham tán thương mại Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới; lãnh đạo các tỉnh, thành và đại diện trên 300 doanh nghiệp, hiệp hội các tỉnh, thành phía Nam.
Tại TP.Hồ Chí Minh, “Hội nghị đối thoại giữa tham tán thương mại với doanh nghiệp các tỉnh, thành phía Nam năm 2013” do Bộ Công thương và UBND TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp tổ chức đã có sự hiện diện của 64 tham tán thương mại Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới; lãnh đạo các tỉnh, thành và đại diện trên 300 doanh nghiệp, hiệp hội các tỉnh, thành phía Nam.
Đồ gỗ là một trong những mặt hàng quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng ở nhiều thị trường Âu - Á. |
Dự hội nghị đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh và khá đông lãnh đạo doanh nghiệp trong tỉnh.
* Xuất khẩu vẫn sáng
Năm 2013 khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn đạt 132,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, vượt mục tiêu 10% đề ra. Việt Nam đã giữ vững được thị phần ở những thị trường truyền thống, đồng thời cũng có nhiều nỗ lực trong tìm kiếm mở mang thị trường. Kết quả, có 22 ngành hàng kim ngạch vượt 1 tỷ USD. Trong cơ cấu hàng xuất khẩu, các mặt hàng công nghiệp chế biến, hàng công nghệ tăng cao. Riêng mặt hàng điện thoại trong năm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD. Các mặt hàng truyền thống, như: dệt may, giày da, cao su, cà phê, gạo vẫn giữ được thị trường và có tốc độ tăng trưởng khá. “Điều đó cho thấy năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có tiến bộ. Có được những thành quả trên, bên cạnh sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của lãnh đạo các địa phương, còn có sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp” - Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định.
Có thể thấy, xuất khẩu là một trong những mảng sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước năm 2013. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng năm nay thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 18,4% của năm 2012 (so với năm 2011). Mặt khác, một số mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam, như: gạo, cà phê, cao su, hạt điều năm 2013 giảm mạnh về giá. Hơn nữa trong xu thế cạnh tranh, nhiều hàng rào kỹ thuật được các nước dựng lên để bảo hộ sản phẩm hàng hóa trong nước.
* Tìm thêm cơ hội
Chia sẻ với những băn khoăn trăn trở của doanh nghiệp, ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ, Trưởng đại diện Phòng tùy viên thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết năm 2013 khả năng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường đạt 25 tỷ USD và Việt Nam xuất siêu 20 tỷ USD. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là thị trường đặc thù với nhiều rào cản thương mại, rồi những vụ kiện chống phá giá do các nhóm lợi ích của doanh nghiệp Hoa Kỳ dựng lên. “Năm 2014, Hoa Kỳ sẽ triển khai thêm 2 quy định mới trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm là Thực hành sản xuất tốt và Thu hoạch đóng gói các mặt hàng dành cho người. Đây sẽ là rào cản mới, nếu các DN xuất khẩu vào Hoa Kỳ không nắm bắt kịp thời những quy định, chắc chắn sẽ gặp khó khăn” - ông Nhân nói.
Hiện hàng hóa của Việt Nam không chỉ có chỗ đứng vững chắc ở thị trường UAE mà còn có điều kiện thâm nhập thị trường các nước Trung Đông và châu Phi. Ngoài những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, truyền thống, Tham tán thương mại Việt Nam tại Dubai (UAE) Ngô Khải Hoàn cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần tăng thị phần các mặt hàng xuất khẩu nông sản, như: chè, cà phê, vốn là những thức uống truyền thống, thói quen sử dụng có từ lâu đời của người Ả Rập. Tiếp đến là nhóm các mặt hàng vật liệu xây dựng, rau và hoa, quả tươi, hàng thủy sản… |
Bên cạnh thị trường Hoa Kỳ, nổi lên thời gian gần đây là thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (gọi tắt là UAE). Tham tán thương mại Việt Nam tại Dubai (UAE) Ngô Khải Hoàn cho biết: “UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam. Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của VN sang thị trường UAE đạt trên 3,5 tỷ USD và có mức tăng trưởng 191% với các mặt hàng điện thoại di động, dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử, linh kiện, đồ gỗ…”.
Ngành công thương đang quyết tâm phấn đấu để đạt kim ngạch xuất khẩu 147 tỷ USD và có mức tăng trưởng 10% trong năm 2014 như mục tiêu mà Chính phủ giao.
Minh Thanh