Du học ở CHLB Đức từ năm 11 tuổi, học đại học chuyên ngành bảo vệ thực vật ở TP.Halle quay về Việt Nam làm việc cho Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn rồi trở lại Đức bảo vệ luận án tiến sĩ, bà Võ Mai có gần 50 năm bươn chải trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
Du học ở CHLB Đức từ năm 11 tuổi, học đại học chuyên ngành bảo vệ thực vật ở TP.Halle quay về Việt Nam làm việc cho Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn rồi trở lại Đức bảo vệ luận án tiến sĩ, bà Võ Mai có gần 50 năm bươn chải trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Từng là Cục phó Cục Bảo vệ thực vật phụ trách khu vực phía Nam, ở tuổi 70, TS. Võ Mai vẫn đi, về như con thoi khắp các tỉnh thành, đeo đuổi các mô hình, dự án sản xuất sạch cho nông dân. Vốn là người đầu tiên đề xuất mô hình sản xuất sạch (GAP), bà nói: “Với những thách thức của một thị trường nông sản rộng mở và cạnh tranh, nông dân cần hỗ trợ thật sự, họ không thể tự cứu mình”.
* Bà đánh giá thế nào về sức cạnh tranh của nông sản nói chung và trái cây Việt Nam trên sân nhà? Và ở thị trường quốc tế?
- Bất kể thị trường trong nước hay ngoài nước, cạnh tranh là chuyện không tránh khỏi. Nhưng cạnh tranh không đáng sợ nếu tất cả đều lành mạnh. Riêng điểm này thì nông sản trong nước chưa ổn. Ngay tại thị trường nội địa, chúng ta đã thiếu lành mạnh với nhau: nông dân cạnh tranh chưa lành mạnh với nông dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp, thậm chí thương lái với thương lái. Cơ chế kiểm soát chưa tốt gây nên sự thiếu lòng tin vào sản phẩm.
Xét trên thị trường quốc tế, đáng buồn khi phải thừa nhận chúng ta chưa có cơ sở gì để cạnh tranh với nông sản Thái hay Malaysia. Đi nhiều nước tìm hiểu về nông nghiệp, tôi thấy rằng thị trường quốc tế đánh giá về độ an toàn của trái cây và nông sản Việt chưa cao, và chúng ta phải thừa nhận thực tế là so với các nước trong khu vực, nông sản Việt vẫn chưa có mấy tiếng tăm.
* Bà là một trong những người khởi xướng việc phát triển mô hình sản xuất sạch VietGAP, vậy VietGAP có thực sự là “chiếc đũa thần” giúp nông sản Việt tăng sức cạnh tranh?
- VietGAP không phải là chiếc đũa thần. Ở thời điểm hiện tại, đó đơn giản chỉ là yêu cầu thị trường mà tất cả đều phải đáp ứng nếu muốn bán hàng lâu dài, ổn định. Người tiêu dùng quá e ngại với nông sản thiếu an toàn, họ đặt ra yêu cầu và nhà sản xuất phải đáp ứng để họ chịu mua hàng. VietGAP là một cách để chứng tỏ: bảo đảm nông sản có quy trình sản xuất sạch và an toàn - đơn giản chỉ có thế. Trước đây, xuất khẩu hàng hóa phải có quota, nay thì không cần, thay vào đó yêu cầu số 1 của nông sản xuất khẩu phải là vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tiến sĩ Võ Mai sinh năm 1943, từng là Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit) và hiện là Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam. Đến nay, bà vẫn miệt mài đi đến với nông dân nhiều tỉnh, thành để hướng dẫn các quy trình sản xuất sạch, hướng dẫn bảo quản và chế biến sau thu hoạch để giúp nông dân giảm hao hụt, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản. Bà được xem là người đầu tiên tiếp nhận và đề xuất quy trình sản xuất sạch (GAP) hiện tại cho Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn vào năm 2005 thông qua kinh nghiệm của các quốc gia, như: Malaysia, Thái Lan. |
* Nhiều nông dân, nhà vườn theo rồi lại bỏ VietGAP. Theo bà nguyên nhân vì đâu?
- VietGAP là yêu cầu và là hướng đi đúng. Nhưng vấn đề là ai giải quyết đầu ra cho nông dân? Và phía người tiêu dùng, muốn mua sản phẩm VietGAP thì mua ở đâu là chắc chắn? Cho đến nay, sau nhiều năm thực hiện, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng chưa ra được nhãn VietGAP cho thống nhất. Nhiều doanh nghiệp muốn bán hàng còn chưa có thông tin, thì làm sao lấy được lòng tin người tiêu dùng rằng hàng chúng tôi là hàng an toàn VietGAP? Nếu tổ chức và quảng bá đúng mức, tôi cam đoan hàng VietGAP bán chạy hơn so với nông sản bình thường.
* Làm ra trái ngon là một chuyện, nhưng khâu bán hàng và quảng bá lại là chuyện khác. Bà có nghĩ nông dân Việt Nam có thể tư duy như một doanh nghiệp được hay không?
- Bắt nông dân tư duy như một doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại theo tôi là không thể. Thực tế đến giờ này, đa số nông dân đều sản xuất và bán hàng theo kinh nghiệm. Trước khi “bắt” họ tư duy này nọ, thì phải nhìn xem nông dân có thể bán nông sản ở đâu? Làm sao họ tự đi tìm doanh nghiệp được, mà chính sách phải kết nối, phải bắc cầu để cung - cầu gặp nhau. Nông dân không thể tự cứu mình. Những quốc gia làm nông nghiệp tốt cũng đều khởi nguồn từ chính sách tốt và được thực thi tốt.
* Nông dân Việt Nam đang vướng mắc nhất ở khâu nào? Liệu họ sẽ xoay trở ra sao trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường nông sản hiện tại, ngay cả ở nội địa?
- Chúng ta yếu nhiều thứ. Trước hết là sản xuất manh mún, một nông dân miền Bắc đôi khi chỉ có vài trăm mét vuông đất sản xuất, trong khi Thái Lan quy định ít nhất 3 hécta, dưới sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã. Diện tích lớn, sản xuất tập trung thì làm gì cũng dễ: áp dụng quy trình mới, giảm chi phí, giữ ổn định chất lượng, thu hoạch, vận chuyển… Một khâu khác nữa là chế biến và bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam quá kém, dẫn đến tỷ lệ hao hụt nông sản khi thu hoạch rất cao, có nơi trên 30%. Nếu vẫn giữ thói quen hái trái xoài xong quăng thành đống dưới đất thì khó mà cạnh tranh nổi.
Song hiện tại, khâu yếu nhất là bán hàng. Công nghệ và cách làm chúng ta có thể học, nhưng bán hàng thì khó làm nhỏ lẻ được. Nông dân vẫn chưa biết đưa hàng mình đi đâu. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cùng các bộ khác liên quan cần ngồi lại, bàn xem sản xuất gì? Vùng nào? Người Việt thích ăn cây gì, con gì, các thị trường xuất khẩu chuộng loại nào? Thông tin đầu nguồn không có, dẫn đến chính sách thiếu thực tế và nông dân mạnh ai nấy trồng, luẩn quẩn mãi chuyện được mùa rớt giá.
* Đồng Nai là vùng có khá nhiều loại trái cây đặc sản, vậy theo bà nên chú trọng điều gì?
- Gần đây, Đồng Nai có nhiều loại trái ngon, như: xoài, quýt, sầu riêng, chôm chôm… Tôi nghĩ tỉnh nên có sự phối hợp và đưa ra chương trình hành động cụ thể, dựa trên những khảo sát cụ thể về thị trường. Ví dụ, tại các chợ, các điểm bán trái cây trong tỉnh, có bao nhiêu phần trăm trái từ Đồng Nai, bao nhiêu phần trăm trái từ các tỉnh khác hay trái nhập khẩu, và người dân Đồng Nai tiêu thụ nhiều nhất những loại trái nào? Bên cạnh đó, trái cây Đồng Nai còn có thể xuất đi đâu trong nước, ngoài nước? Các quyết sách không thể làm vội vàng, phải dựa trên những thông tin thực tế từ thị trường để có những lưu ý chính xác.
“Ở Malaysia, nông dân họ đã biết khi hái trái cây có mủ, trái từ cây xuống phải dốc ngược ngay trong rổ chuyên dụng để bảo quản tốt, giảm hao hụt. Khâu chế biến sau thu hoạch, mang lại nhiều lợi nhuận nhất thì hầu như chúng ta chưa có gì”. |
* Nhiều lo ngại cho rằng, cùng với việc tham gia sâu vào thị trường quốc tế, Việt Nam sẽ trở thành nơi tung hoành của nông sản giá rẻ nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc. Theo bà, liệu chúng ta có cơ hội nào trước Trung Quốc, Thái Lan hay Malaysia hay không?
- Nếu vẫn giữ quan điểm sản xuất và bán hàng như hiện tại, chúng ta sẽ “thua” to, thua ngay trên chính sân nhà một khi nông sản ngoại tràn vào với thuế suất bằng 0, nhất là nông sản từ Trung Quốc. Trong khi đó, thực tế nông sản Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng nhỏ lẻ, thông qua vài doanh nghiệp không đáng kể.
Tôi nghĩ mình có cơ hội cạnh tranh, nhưng nhà nước phải có chính sách đúng, kịp thời để kết nối được nông dân với nhà khoa học và doanh nghiệp, và nhất là với thị trường.
* Bà có gần nửa thế kỷ gắn bó với nông dân. Bà nghĩ điều gì đã giữ chân mình lâu đến thế?
- Tôi nghĩ mình không có gì khác hơn ngoài sự say mê nghề nghiệp. Gần 50 năm gắn bó với nông nghiệp, tôi vẫn còn nhiều khát khao, kế hoạch muốn hoàn thành, nhiều chỗ muốn đi. Những năm gần đây tôi vẫn đeo đuổi việc làm mô hình VietGAP, chế biến sau thu hoạch, tìm thị trường tiêu thụ, hiện tại là cho xoài Cao Lãnh, chôm chôm Bến Tre, thanh long An Giang… Ở tuổi này, làm việc cũng như thuốc bổ, nó khiến tôi hạnh phúc vì mình vẫn còn có thể đóng góp chút gì đó cho xã hội.
Xin cảm ơn bà!
Kim Ngân (thực hiện)