Khởi nghiệp từ một kiến trúc sư với nhiều công trình kiến trúc đạt giải thưởng, cách đây hơn 10 năm, ông Huỳnh Phú Kiệt đã cùng 4 người bạn của mình thành lập Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát (TTP).
Kiến trúc sư Huỳnh Phú Kiệt. |
Khởi nghiệp từ một kiến trúc sư với nhiều công trình kiến trúc đạt giải thưởng, cách đây hơn 10 năm, ông Huỳnh Phú Kiệt đã cùng 4 người bạn của mình thành lập Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát (TTP). Đến nay, doanh nghiệp này đã là một thương hiệu uy tín của Đồng Nai với 4 lĩnh vực: giáo dục, xây dựng, đầu tư và phát triển dự án. Người Biên Hòa quan tâm đến TTP và ông Huỳnh Phú Kiệt vì là chủ đầu tư dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ - căn hộ - văn phòng quy mô lớn đầu tiên của Biên Hòa (nằm trên đường Võ Thị Sáu). Thêm vào đó, TTP đang chuẩn bị công bố dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa - một dự án lớn, chưa có tiền lệ.
* Cảm giác của ông thế nào khi tòa nhà phức hợp thương mại - dịch vụ - giải trí - căn hộ The Pegasus - khu phức hợp đầu tiên của Biên Hòa vừa được khánh thành, do TTP đầu tư?
- Tôi hạnh phúc. Nhất là khi có lúc chúng tôi tưởng như không thể hoàn thành nổi, vì dự án được thực hiện trong lúc thị trường xây dựng và bất động sản hết sức khó khăn. Ban đầu, chúng tôi khá tự tin với hạng mục văn phòng do đánh giá có nhu cầu thuê công sở đúng chuẩn ở Biên Hòa. Song, khu phức hợp với căn hộ - thương mại - dịch vụ là điều chúng tôi lo lắng nhất trong hoàn cảnh sức mua hiện tại được ví như “chợ chiều”. Rất may mắn là mọi việc cũng khá suôn sẻ. Hiện tại chúng tôi đã lấp đầy 90% khối văn phòng và 85% khối căn hộ; dịch vụ và thương mại.
* Ông đã cùng công ty chống đỡ thế nào trước những khó khăn khắc nghiệt của thị trường bất động sản trong mấy năm qua, nhất là khi ban lãnh đạo TTP lại toàn là những người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm vượt sóng?
- Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất với chúng tôi. Trước đây, khi kinh tế đang tốt, nguồn tài chính “chống lưng” cho TTP vẫn dồi dào, chúng tôi tự tin làm nhiều dự án, có những dự án lớn và đầy tham vọng. Nhưng rồi mọi chuyện đột ngột xấu đi, cả về khách quan của thị trường bất động sản lẫn chủ quan TTP khi nguồn tài chính chủ lực của công ty không được như trước. Chúng tôi chới với. Nhưng may mắn là TTP có mảng giáo dục chống đỡ, rồi dự án The Pegasus hoàn thành. Hiện tại thì có thể nói khó khăn đã lùi dần. Tôi nghiệm ra rằng, việc làm ăn kinh doanh chỉ dành cho những người có chiến lược thật sự. TTP vẫn đang cơ cấu lại, thoái vốn từ các dự án không hiệu quả, để tập trung vào những dự án khác tốt hơn, thực tế hơn.
* Sau tòa nhà phức hợp, dự tính năm 2014 TTP sẽ bắt tay vào một dự án rất lớn ảnh hưởng đến bộ mặt của đô thị Biên Hòa: dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Ông đã ấp ủ dự án này từ bao giờ?
- Từ nhiều năm trước. Tôi sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa, rất gắn bó và yêu thích dòng sông Đồng Nai. Tôi đi nhiều nơi, thấy người ta làm cảnh quan bờ sông nhìn đã mắt. Và tôi nghĩ, sao mình không thể đề xuất xin làm dự án này ngay tại quê hương mình? Có thể khẳng định sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa là một trong những dòng sông đẹp nhất, và chính vì vậy nếu đầu tư đúng cách, cảnh quan sông sẽ còn đẹp hơn nhiều để 1 triệu người dân Biên Hòa cùng thụ hưởng. Tôi bắt tay vào nghiên cứu, rồi xin gặp lãnh đạo tỉnh thuyết trình ý tưởng dự án. Thật may mắn, trước đó Đồng Nai đã có ý định triển khai một dự án kè và cải tạo cảnh quan ven sông. Ý tưởng của chúng tôi được lãnh đạo tỉnh đồng ý. Cơ hội này được chúng tôi đón nhận và triển khai bằng cảm xúc rất khó tả: vừa háo hức, hồi hộp và biết rằng mình đảm nhận một trọng trách rất quan trọng và thiêng liêng.
* Dự án bắt đầu từ trục đường Nguyễn Thái Học (Sở GD-ĐT) đến đường Cách mạng tháng Tám (chân cầu Rạch Cát). Nhiều người lo ngại dự án sẽ “đụng chạm” đến nhiều di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục dọc bờ sông. TTP sẽ ứng xử ra sao với điều này?
- Những ngày thơ ấu, khi còn học và chơi trong ngôi trường Nguyễn Du - nơi má tôi làm hiệu phó, tôi cùng bè bạn dạo chơi khúc sông này thường xuyên, thuộc rõ như lòng bàn tay. Lớn lên đi nhiều nơi, tôi cũng chưa thấy khúc sông nào như khúc sông này, chỉ hơn 1,3km mà có đến 7 di tích văn hóa, lịch sử, có nơi đã đi vào thơ ca và tín ngưỡng dân gian. Người Biên Hòa yêu chúng ra sao thì TTP và bản thân tôi cũng trân trọng y như thế. Dự án đã có những phương án tính toán chi tiết cho từng di tích, di tích nào cần được giữ nguyên vẹn, di tích nào tôn tạo, mở rộng, tuyệt đối không được tác động làm biến dạng hay thu hẹp. Bản thân anh em khi bắt tay thiết kế dự án đã tự cam kết với nhau như thế.
* TTP sẽ xử lý ra sao với hai vấn đề khác không kém quan trọng là quyền lợi của người dân trong diện giải tỏa khi thực thi dự án, và liệu dự án có can thiệp quá sâu đến dòng chảy tự nhiên của sông Đồng Nai không?
- Khi TTP lập dự án này, chính quyền Đồng Nai đã có ý định triển khai dự án cải tạo cảnh quan bờ sông nên tỉnh đã có báo cáo đánh giá tác động dòng chảy đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh. Nói không ảnh hưởng gì thì không hẳn, nhưng các kết quả nghiên cứu trong báo cáo đều khẳng định tác động của dự án là không đáng kể. Trên cơ sở báo cáo này, TTP lập dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Theo đó, quy mô và giới hạn của dự án nằm trong mức báo cáo cho phép.
Là một người sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa, ông ấp ủ điều gì về dự án này? Tổng vốn bỏ vào dự án rất lớn, rủi ro cho doanh nghiệp cũng sẽ lớn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Ngoài chuyện kinh doanh, với tôi dự án này còn là sự thỏa mãn ước mơ được thấy một dòng sông Đồng Nai đẹp đẽ “trên bến dưới thuyền” mà người dân Biên Hòa ai cũng có thể hưởng thụ. Chúng tôi chắc chắn sẽ trân trọng dòng sông khi làm dự án. Quê hương, gia đình, dòng họ, sự nghiệp, vợ con của tôi đều ở Biên Hòa, và tôi cùng TTP chắc chắn không bao giờ làm điều gì tổn hại đến Biên Hòa, chỉ mong muốn đóng góp công sức để thành phố ngày càng đẹp hơn. |
Riêng vấn đề giải tỏa đền bù, tổng cộng chỉ có khoảng trên 10 hộ dân sẽ phải di dời khi thực hiện dự án để làm hạ tầng công cộng. Chúng tôi sẽ để họ lựa chọn hoặc có quyền đổi “nhà lấy nhà” do TTP xây gần đó, hoặc nhận tiền đền bù tương xứng. Cho tới lúc này, các dự án của TTP chưa bao giờ gặp xung đột với lợi ích người dân, tất cả đều được giải quyết trên sự hài hòa quyền lợi. Với dự án này, chúng tôi cũng sẽ đảm bảo điều đó.
* Khi chọn dự án này, ông có nghĩ mình đã đặt cược “sinh mệnh” của TTP và uy tín cá nhân vào không? Vấn đề tài chính của dự án sẽ giải quyết ra sao và liệu TTP có quyết tâm theo đuổi dự án đến tận năm 2023?
- Chúng tôi biết đây là dự án rất quan trọng, chưa có tiền lệ, song TTP cũng đã nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để “sinh mệnh” công ty với hàng ngàn nhân viên không bị ảnh hưởng. Riêng vấn đề vốn, sẽ cần khoảng 3.300 tỷ đồng cho dự án, dự tính chia làm 3 giai đoạn và kéo dài đến hết năm 2023 mới xong. Giai đoạn 1 là làm đường ven sông, dự tính sẽ bắt đầu vào tháng 4-2014.
Chúng tôi đã làm việc với các ngân hàng, cân đối nguồn vốn và tự tin có thể theo đuổi dự án đến khi hoàn thành. Tôi xin nói thêm về dự án này, tỉnh sẽ không tốn khoản ngân sách khá lớn nào để xây dựng làm công viên bờ sông, người dân không phải di dời nhiều nhà cửa và 1 triệu dân Biên Hòa vẫn có thể thụ hưởng vẻ đẹp bờ sông Đồng Nai. Doanh nghiệp, Nhà nước và người dân cùng có lợi, với tôi là điều nên làm.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)