Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại các khu công nghiệp trong tỉnh đang chờ đợi năm 2014 với hy vọng có những thay đổi tích cực hơn.
Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại các khu công nghiệp trong tỉnh đang chờ đợi năm 2014 với hy vọng có những thay đổi tích cực hơn. Nếu như DN trong nước kỳ vọng ở năm mới sự hồi phục của thị trường thì các DN Nhật Bản lại chờ đợi sự hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật và những chính sách cải cách hành chính.
Sản xuất tại Công ty Toshiba, Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). |
Đây là những vấn đề các nhà đầu tư Nhật Bản luôn quan tâm bởi có ảnh hưởng rất nhiều đến việc cạnh tranh sản phẩm của họ.
* Chờ đợi “thông” đường
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh vừa qua, ông Yamaguchi Kimio - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và thương mại Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết Hiệp hội hiện có 670 thành viên ở TP.Hồ Chí Minh, trong đó nhiều DN đang đầu tư tại Đồng Nai. Từ TP.Hồ Chí Minh đến các khu công nghiệp của tỉnh không xa, nhưng việc đi lại là nỗi ám ảnh của các DN. Mỗi ngày mất khoảng 4 tiếng đồng hồ vừa đi và về đã chiếm mất một lượng thời gian không ít. “Chúng tôi rất vui vì nhiều công trình giao thông của tỉnh gần đây được đầu tư cải thiện, như: mở rộng, sửa chữa và đầu tư mới cầu đường” - ông Yamaguchi Kimio nhận xét.
Đi lại khó khăn, các DN Nhật Bản thực sự rất quan tâm đến tiến độ của những công trình giao thông được xem là trọng điểm hiện nay, như: đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Đồng Nai, cầu vượt vòng xoay ngã tư Vũng Tàu. Không giấu được niềm vui, ông Yazaki Masami, Hội trưởng Hội DN Nhật Bản nhóm 5 (các DN đầu tư trong khu công nghiệp), chia sẻ: “Tôi rất mừng khi thấy tỉnh quyết định cho xây dựng cầu vượt bằng thép tại vòng xoay BigC (ngã tư Vũng Tàu), vì đây là điểm gây ùn tắc giao thông rất lớn”.
Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã phấn khởi khi được biết cụ thể về tiến độ của các công trình, như: đường cao tốc đoạn từ Long Thành đến TP.Hồ Chí Minh, cầu vượt vòng xoay ngã tư Vũng Tàu sẽ được thông xe vào trước Tết Nguyên đán. Đây là những công trình mà các DN hàng ngày phải đi lại qua đây rất chờ mong để cải thiện tình hình giao thông, giảm bớt thời gian đi lại.
* Vẫn cần cải cách “hạ tầng mềm”
Ngoài những mong muốn về hạ tầng giao thông thông thoáng hơn, thủ tục hành chính cũng là những vấn đề mà nhiều DN Nhật Bản quan tâm. Một trong những điều mà các DN Nhật Bản đang hồi hộp chờ đợi vào đầu năm 2014 là việc hải quan ứng dụng hệ thống thông quan tự động mới (VNACCS). “Hiện chúng tôi đang chuẩn bị kỹ để khi vào vận hành trong thực tế sẽ được tốt. Theo mô hình tương lai thông quan điện tử tự động, chúng tôi mong muốn ngành hải quan mở rộng về thời gian và ngày hoạt động như thông quan 365 ngày liên tục 24 giờ” - một DN Nhật Bản nói.
Ông Uehara Atsushi, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Long Đức: “Các DN Nhật Bản rất lo lắng về vấn đề cung cấp điện hiện nay, vì làm tăng chi phí do phải đầu tư thêm máy phát điện dự phòng. Một vấn đề lớn nữa là trong quá trình sản xuất, khi sự cố bị cúp điện nhiều sẽ làm hư hỏng máy móc thiết bị”. |
Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ông Yasuzumi Harotaka, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và thương mại Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, theo ông thì Việt Nam cần cải cách thủ tục hành chính mạnh hơn nữa nhằm thu hút tốt các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là DN Nhật Bản. Các DN Nhật Bản muốn đầu tư vào quốc gia nào cũng đều tìm hiểu kỹ thông qua những DN của Nhật Bản hiện đang làm ăn ở đó. “Thẳng thắn mà nói, thủ tục hành chính ở các quốc gia châu Á thì Ấn Độ và Việt Nam là 2 nơi còn khá nặng nề. Điều này là một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh về thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới và tôi nghĩ nếu chú trọng, Việt Nam sẽ cải tiến được rất nhiều” - ông Yasuzumi Harotaka chia sẻ.
Vân Nam