Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực phẩm sạch tìm chỗ đứng

12:10, 12/10/2013

Thị trường của thực phẩm sạch đang trở nên đa dạng, phong phú hơn khi nhu cầu tiêu dùng về dòng sản phẩm này tăng nhanh. Không chỉ các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn tham gia, mà nhiều nông dân, DN nhỏ cũng thành công nhờ ứng dụng quy trình sản xuất thực phẩm sạch.

 

Thị trường của thực phẩm sạch đang trở nên đa dạng, phong phú hơn khi nhu cầu tiêu dùng về dòng sản phẩm này tăng nhanh. Không chỉ các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn tham gia, mà nhiều nông dân, DN nhỏ cũng thành công nhờ ứng dụng quy trình sản xuất thực phẩm sạch.

Gạo sạch Tân Bình Lục hút hàng.
Gạo sạch Tân Bình Lục hút hàng.

Theo nông dân và DN sản xuất thực phẩm sạch, thị trường thực phẩm “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay là một trong những khó khăn cho sự phát triển của ngành sản xuất này.

* Hàng sạch đắt hàng

Th.S Trần Thị Phương Chi, cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai, người phụ trách chương trình sản xuất gạo sạch tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), cho biết tuy chỉ mới ở giai đoạn giới thiệu sản phẩm, cũng chưa có cửa hàng kinh doanh riêng nhưng gạo sạch Tân Bình Lục vẫn thu hút đông khách mua. Không chỉ người dân địa phương mà các trường học và người tiêu dùng ở thành phố cũng tìm đến tận nơi sản xuất để đặt hàng. Giá các loại gạo sạch bán lẻ là 10 ngàn đồng/kg gạo tấm, 15 ngàn đồng/kg gạo dẻo. “Nguồn cung không đủ nhu cầu nên tôi đang tiếp tục hướng dẫn để nông dân mở rộng diện tích trồng gạo sạch và tiếp tục ứng dụng sản xuất thêm nhiều giống mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Tôi đã làm logo, đăng ký sở hữu trí tuệ cho gạo sạch dưới nhãn hiệu Tân Bình Lục với mục tiêu phát triển dòng sản phẩm gạo sạch này” - bà Chi chia sẻ.

Bà Vũ Thị Duyên, chủ cơ sở sản xuất rau mầm Hoàng Anh (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa), kể: “Năm 2007, tôi chỉ sản xuất thử nghiệm đưa ra thị trường mỗi ngày chỉ vài ký rau mầm. Do nhu cầu tăng nhanh nên hiện cơ sở sản xuất trên 10 loại rau, trung bình mỗi tháng cung cấp khoảng 4 tấn rau mầm cho các hệ thống siêu thị, như: Metro, BigC, Co.opMart…và các nhà hàng”.

Anh Huỳnh Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH trái cây Long Khánh, bùi ngùi nói về trái ổi VietGAP: “Thị trường chưa minh bạch nên xảy ra tình trạng loạn thông tin về thực phẩm sạch, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Hầu hết các siêu thị hiện chưa có khu vực riêng để trưng bày và giới thiệu cho dòng thực phẩm sạch. Những nhãn hàng thực phẩm sạch vẫn bị đánh đồng với các loại hàng hóa khác. DN nhỏ không đủ sức đầu tư quảng bá thương hiệu, vào siêu thị thì hình ảnh cũng rất mờ nhạt nên cơ hội để xây dựng thương hiệu và bước chân ra thị trường còn rất gian nan”.

Thành lập vào năm 2011, Công ty TNHH thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom), chuyên sản xuất thực phẩm từ nha đam đã nhanh chóng thành công và tìm được những khách hàng lớn, Vinamilk, Rita… nhờ chọn hướng sản xuất sạch. Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thực phẩm G.C: “Để đảm bảo quy trình sản xuất sạch từ nguyên liệu đầu vào, DN đã đầu tư cho nông dân trồng nha đam theo quy trình VietGAP. Hiện DN có vùng nguyên liệu hơn 30 hécta nha đam sạch tại tỉnh Bình Thuận, trung bình mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 300 tấn nha đam thành phẩm.

Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại trứng gà Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), vui vẻ nói: “Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi sạch từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến áp dụng công nghệ xử lý vỏ trứng, 2 năm nay, trang trại đã có đơn hàng xuất khẩu trứng sang thị trường Nhật Bản. Hiện trung bình trang trại cung cấp ra thị trường 2 triệu trứng/tháng.”

* Vẫn khó vào chợ

Hiện nhiều tên tuổi lớn trong thị trường thực phẩm Việt Nam đã quan tâm đầu tư mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín “Từ trang trại đến bàn ăn”, như: C.P, Vissan, Masan, GreenFeed... Trong đó, không thiếu những DN nhỏ và vừa đã tạo được dấu ấn trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch, như: trứng gà Ba Huân, rau sạch Phước An (TP.Hồ Chí Minh), rau hữu cơ Đà Lạt (Công ty Organic Dalat), Hợp tác xã rau sạch Trường An (huyện Xuân Lộc), ổi VietGAP Bảo Quang (Công ty TNHH trái cây Long Khánh)… Tuy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch đang tăng nhanh, nhưng kênh tiêu thụ của dòng sản phẩm này chủ yếu vẫn là tại các hệ thống siêu thị mà chưa được phổ biến rộng rãi trên thị trường.

“Có khách hàng ở Campuchia đến tận cơ sở đặt rau với số lượng lớn, nhưng do loại rau này để lâu không đảm bảo nên họ ở lại học cách trồng. Lượng khách đến cơ sở học mô hình trồng rau mầm và mua giá thể, hạt giống rất đông. Sản phẩm của cơ sở tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành nhưng vẫn chưa có mặt tại các chợ ngay tại TP.Biên Hòa vì khó cạnh tranh được về giá so với sản phẩm rau chợ” - bà Vũ Thị Duyên nói.

Lê Quyên

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích