Báo Đồng Nai điện tử
En

“Khốc liệt” vụ mía đường mới

09:10, 16/10/2013

Khoảng trung tuần tháng 11-2013, các nhà máy sản xuất đường trong tỉnh sẽ bước vào vụ sản xuất mới.

Khoảng trung tuần tháng 11-2013, các nhà máy sản xuất đường trong tỉnh sẽ bước vào vụ sản xuất mới. Song hiện tại, cả nhà máy lẫn nông dân đều rất lo lắng do đường tồn kho cao, giá mía hạ. Nhiều tiên đoán cho rằng vụ mía này sẽ... đắng.

Sản xuất đường tại Công ty cổ phần đường Biên Hòa.
Sản xuất đường tại Công ty cổ phần đường Biên Hòa.

Vụ mía đường mới đã gần kề, nhưng hiện các nhà máy đường trong cả nước vẫn còn tồn kho khoảng 220 ngàn tấn đường, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012. Loại đường tồn kho đa số là đường tinh luyện (RE). Đây chính là áp lực lớn cho ngành đường và nông dân trồng mía.

* Chấp nhận lỗ

Để giải phóng bớt lượng đường tồn kho, hầu hết các nhà máy sản xuất mía đường trong nước đều chấp nhận nhiều đợt giảm giá sâu xuống mức bằng hoặc thấp hơn giá thành. Thế nhưng, đường tồn kho vẫn chất cao như núi tại kho, trong khi vụ mía đường 2013-2014 sắp bắt đầu. Hiện các nhà máy sản xuất mía đường đang đứng trước hai nguy cơ lớn buộc phải lựa chọn. Một là, để bớt thua lỗ, các nhà máy sẽ giảm giá mua mía của nông dân. Nhưng nếu hạ giá mía, nông dân không có lời thì nguy cơ vụ mía năm sau, vùng nguyên liệu mía sẽ bị thu hẹp. Nhà máy mất vùng nguyên liệu cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp sản xuất. Hai là, các nhà máy mía đường chấp nhận lỗ, tiếp tục mua mía với giá xấp xỉ vụ trước để nông dân có lời, tiếp tục duy trì vùng nguyên liệu.

Ông Trương Hùng Dũng, ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) có gần 500 hécta mía, tỏ ra lo lắng: “Năm nay ảnh hưởng của thời tiết nên mía rất xấu, năng suất ước sẽ giảm 10-15% so với vụ trước. Dù nhà máy mua mía với giá cũ thì lợi nhuận của nông dân cũng giảm nhiều”.

  Ông Lê Xuân Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán), chia sẻ: “Với giá đường như hiện nay, nếu công ty mua mía vụ 2013-2014 tương đương vụ trước thì cầm chắc thua lỗ. Nhưng để giữ vùng nguyên liệu, có khi đành chấp nhận vụ mía đường này lỗ để giữ giá mía cho nông dân”. Tuy chưa chính thức đưa ra giá mía cụ thể cho niên vụ mía đường tới, nhưng ông Quang nói sẽ cân nhắc việc mua mía với giá xấp xỉ vụ trước.

Ông Trần Văn Ngà, Phó giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (thuộc Công ty cổ phần đường Biên Hòa), cho biết: “Vụ mía đường năm nay, nhà máy sẽ mua mía tại ruộng với giá gần bằng năm trước. Cụ thể vùng ở gần thì 900 ngàn đồng/tấn và vùng xa 870 ngàn đồng/tấn. Dù với giá này nhà máy chịu thiệt, song phải chấp nhận để giữ vùng nguyên liệu”.

* Giảm giá, đường vẫn ế

Ông Bùi Văn Lang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa, cho biết: “Dù từ đầu năm đến nay, công ty đã giảm giá đường bán ra tổng cộng 8 lần, tương đương 15%, song lượng đường còn tồn kho vẫn lên đến 20 ngàn tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2012”.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mới, lượng đường cả nước ước đạt 1,6 triệu tấn, cộng với đường nhập khẩu sẽ lên đến gần 2 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ đường trong nước chỉ khoảng 1,4-1,5 triệu tấn. Như vậy, lượng đường tồn kho trong năm tới từ 500 - 600 ngàn tấn, tăng gần gấp 3 lần so với hiện tại, chưa kể đường nhập lậu mỗi năm chừng 300 - 400 ngàn tấn.

Tuy là doanh nghiệp có thương hiệu được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhưng Công ty cổ phần đường Biên Hòa cũng rơi vào tình trạng khó khăn như nhiều công ty mía đường khác. Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đường Biên Hòa, muốn cứu ngành đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng này thì Chính phủ cần có chính sách riêng cho ngành đường, như: nhanh chóng cho xuất khẩu đường tinh luyện sang Trung Quốc để giảm lượng đường tồn kho, đồng thời quản lý thật chặt không để đường nhập lậu tràn vào thị trường. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân để tăng năng suất, chất lượng mía.

Ông Lê Xuân Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà, bày tỏ: “Hiện đường tinh luyện công ty bán ra chỉ còn 15 ngàn đồng/kg, giảm 4 ngàn đồng/kg so với hồi đầu năm, nhưng trong kho của công ty vẫn còn tồn cả ngàn tấn”. Vừa qua, hiệp hội mía đường đã có cuộc họp với các nhà máy đường, và có đến 2/3 nhà máy sản xuất mía đường cho biết đang lỗ, còn lại 1/3 số nhà máy đang cố gắng cầm cự.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều