Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ rừng phải được trả công

10:10, 28/10/2013

Việc phát triển, quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua được cả nước quan tâm. Lợi ích chung từ rừng mang lại ai cũng thấy, thế nhưng lợi ích kinh tế cụ thể cho những người giữ rừng và bảo vệ rừng xem ra còn khá mập mờ, đó là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn ra.

Việc phát triển, quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua được cả nước quan tâm. Lợi ích chung từ rừng mang lại ai cũng thấy, thế nhưng lợi ích kinh tế cụ thể cho những người giữ rừng và bảo vệ rừng xem ra còn khá mập mờ, đó là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn ra.

Khách du lịch săn ảnh tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Khách du lịch săn ảnh tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Ông Nguyễn Ngọc Nhì, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Lua, huyện Tân Phú (xã giáp ranh với Vườn quốc gia Cát Tiên), cho biết trước đây tình trạng phá rừng, săn bắt thú của người dân địa phương khá nhiều. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng xâm hại đến rừng đã giảm hẳn, một phần nhờ vào việc tuyên truyền, và quan trọng hơn là có những chương trình tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.

* Dân ven rừng phải thoát nghèo

Ông Nhì chia sẻ: “Từ khi hệ thống thủy lợi của Vườn quốc gia Cát Tiên đầu tư cho người dân các ấp: 4, 9 và 10 của Đắk Lua phát huy được hiệu quả, người dân sản xuất thêm vụ đông - xuân, trồng cây bắp lai có thu nhập tốt, đã không còn vào rừng để kiếm sống ở những tháng mùa khô do không có việc làm”.

Trăn trở về phát triển kinh tế ở các xã giáp ranh với rừng, ông Phan Sương, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Phú, cho rằng nếu người dân còn quá khó khăn thì việc xâm hại đến rừng là khó tránh khỏi, nhất là đồng bào dân tộc đã từng gắn bó với rừng. “Tân Phú là huyện miền núi, thế mạnh là phát triển nông, lâm và thủy sản. Thế nhưng để làm giàu bằng nông, lâm nghiệp thì rất lâu và khó. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của Tân Phú vẫn còn cao, chiếm khoảng 9%. Người dân nghèo lại ở gần rừng thì khả năng xâm hại rừng rất cao, nếu không có những phương án hỗ trợ cho người dân phát triển về kinh tế tốt” - ông Phan Sương nói.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tính đến ngày 31-12-2012, Đồng Nai hiện đang dẫn đầu về diện tích rừng trong khu vực Đông Nam bộ với  hơn 178 ngàn hécta, trong đó có gần 120 ngàn hécta rừng tự nhiên và hơn 58 ngàn hécta rừng trồng. Các tỉnh, thành khác, như: Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… chỉ có từ 10-57 ngàn hécta, do đó, Đồng Nai đang là tỉnh “gánh” nhiều nhất chi phí giữ rừng và bảo vệ phát triển rừng, trong khi lợi ích từ rừng là lợi ích chung.

Ông Phan Sương cũng cho hay, các dự án hỗ trợ để phát triển kinh tế của Vườn quốc gia Cát Tiên cho những xã vùng ven huyện Tân Phú thời gian qua đã có hiệu quả. Ông kiến nghị Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai hỗ trợ thêm cho huyện đầu tư xây dựng hạ tầng: đường, điện và hệ thống thủy lợi cho 5 xã giáp ranh với rừng để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, giảm động lực vào rừng.

* Trả phí cho rừng

Ông Trần Văn Mùi, Phó ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho rằng cần phải có những chính sách ưu đãi cho những địa phương có độ che phủ rừng cao và áp dụng chế độ chi trả dịch vụ môi trường giữa các địa phương. Ông Mùi phân tích, hiện nay có những tỉnh làm rất tốt công tác bảo vệ rừng, trong đó Đồng Nai là tiên phong. Nhưng có những tỉnh, thành thì chỉ tập trung phát triển công nghiệp, không phải lo đến việc giữ và bảo vệ rừng. Người dân giữ rừng thì thu nhập thấp, còn kinh phí để bảo vệ rừng rất tốn kém, trong khi đó hưởng thụ lợi ích môi trường từ rừng là cho chung.

Theo ông Đặng Hồng Tăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai được trung ương phân bổ hơn 7 tỷ đồng cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, vẫn chưa có hộ nào được chi trả phí vì tỉnh đang tính toán mức chi trả cho các chủ rừng, các xã nhận quản lý rừng và những hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Được biết, Đồng Nai có 11 chủ rừng, 24 xã nhận quản lý bảo vệ rừng và trên 5 ngàn hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng của các hộ gia đình.

“Các tỉnh, thành không có hoặc có ít rừng cần chia sẻ chi phí cho những tỉnh làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Những nơi thải ra ô nhiễm như các khu công nghiệp, kinh doanh xăng dầu cũng phải trả phí cho rừng, trả sòng phẳng chứ không phải là hỗ trợ để có kinh phí hỗ trợ cho người dân vùng đệm, vùng chuyển tiếp bảo vệ rừng. Có thu nhập từ rừng ổn định qua những nguồn đó sẽ giúp người dân thấy được lợi ích sẽ gắn bó hơn trong việc cùng Nhà nước giữ rừng. Trồng một, hai cây thì dễ nhưng trồng hàng trăm, hàng ngàn hécta rừng thì không đơn giản” - ông Mùi nói.

Vấn đề ông Mùi đặt ra hoàn toàn có lý, bởi có những tỉnh muốn trồng rừng cũng không còn đất để trồng khi các khu công nghiệp và khu đô thị đã “chiếm” hết đất.

Vân Nam

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều