Trước đây, các nhà chế biến gỗ cho rằng phải đến cuối tháng 9-2013, hoạt động thị trường mới sôi động trở lại, nhưng mới đầu tháng 8-2013, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đã tăng...
Trước đây, các nhà chế biến gỗ cho rằng phải đến cuối tháng 9-2013, hoạt động thị trường mới sôi động trở lại. Nhưng mới đầu tháng 8-2013, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đã tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) đơn hàng cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2012.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Doanh nghiệp tư nhân Minh Tiến (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). |
Đơn hàng về nhiều khiến cho các DN chế biến gỗ hoạt động sôi nổi hẳn sau nhiều tháng trầm lắng. Đây là dấu hiệu cho thấy mục tiêu xuất khẩu 5,5 tỷ USD trong năm nay của ngành chế biến gỗ cả nước có thể khả thi.
Mùa thấp điểm qua nhanh
Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc DNTN Minh Tiến, chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Đầu năm, tôi vẫn nghĩ mùa hè năm nay (mùa thấp điểm của ngành chế biến gỗ) có thể kéo dài hơn vì thấy kinh tế thế giới còn khó khăn, nhất là châu Âu. Nhưng không ngờ mới sang tháng 8 tình hình đã khác hẳn”. Ngoài một số khách hàng truyền thống ở bang California (Mỹ) thì vừa qua, bạn hàng mới của công ty ở Hawaii (Mỹ) cũng đã ký những hợp đồng ngoài trời khá tốt. Hiện nay, đơn hàng sản xuất của Minh Tiến đã có đến giữa tháng 11-2013.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 4 thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn của Việt Nam là: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc thì 3 thị trường Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản có mức tăng từ hơn 7% đến gần 20% so với cùng kỳ năm 2012, riêng thị trường EU vẫn giảm. Cụ thể, trong 7 tháng của năm 2013, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất sang Mỹ đạt 1,05 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2012; sang Trung Quốc là 491 triệu USD, tăng 15,3%; sang Nhật Bản 441 triệu USD, tăng 19,6% và sang thị trường EU chỉ đạt 349 triệu USD, giảm 3,6%. |
Bà Nguyễn Thu Phương, Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến gỗ Quyết Thành (huyện Trảng Bom), cũng cho biết so với cùng kỳ năm 2012, hợp đồng hàng sản xuất của công ty hiện tăng gần 20%. Cũng theo bà Phương, năm nay doanh thu xuất khẩu của công ty có thể sẽ cán đích 1 triệu USD, bằng với năm 2010. Như vậy, sau 2 năm sụt giảm thì năm nay Quyết Thành mới lấy lại được thăng bằng trong sản xuất.
Nhiều DN chế biến gỗ khác cũng sôi nổi trở lại. Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ DNTN chế biến gỗ Minh Thuận Thắng (huyện Trảng Bom), làm hàng gia công cho một số công ty xuất khẩu gỗ lớn tại TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương, cho hay giá của các đơn hàng hiện tại DN hợp đồng với các công ty cao hơn so với thời điểm đầu năm. Theo ông Thắng, với mức giá và lượng hàng ổn định như hiện nay thì mùa sản xuất năm nay, DN không mấy lo lắng. Hàng sản xuất ở DNTN Minh Thuận Thắng chủ yếu xuất sang Mỹ và Hàn Quốc.
Cơ hội cạnh tranh
Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 8 tháng của năm 2013 đạt hơn 3,34 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu.
Công nhân đang đóng hàng sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Gia Ân, phường Tân Hòa,TP.Biên Hòa |
Ông Phạm Văn Bân, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến lâm sản Đồng Nai, cho biết từ tháng 3-2013 đạo luật FLEGT (tăng cường luật pháp, quản lý và thương mại lâm sản) của EU được áp dụng, nhưng cũng không gây ra khó khăn nhiều cho DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam do đã được chuẩn bị trước. Tuy nhiên, thị trường này còn khó khăn do nền kinh tế của nhiều nước vẫn tiếp tục gặp phải khó khăn.
Theo các chủ DN làm hàng gỗ xuất khẩu thì hiện nay, các DN Việt Nam đang có lợi thế hơn so với hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ và đặc biệt là Nhật Bản. Do nhân công và giá nguyên liệu gỗ ở Trung Quốc hiện khá cao nên giá thành sản phẩm không còn cạnh tranh như trước nữa. Bên cạnh đó, làn sóng rời Trung Quốc của các thương nhân Nhật Bản cũng đã tạo cơ hội cho DN chế biến gỗ của Việt Nam đón nhận thêm được hợp đồng mới.
Vân Nam