Xăng, dầu, gas, điện…xếp hàng tăng giá đang chất chồng thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng làm giảm đi ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mà Chính phủ và các địa phương đang cố thực hiện.
Xăng, dầu, gas, điện…xếp hàng tăng giá đang chất chồng thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng làm giảm đi ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mà Chính phủ và các địa phương đang cố thực hiện.
Từ các DN lớn cho đến người tiểu thương đều cùng chung nỗi lo hàng hóa tăng giá trong khi sức mua yếu kéo dài. DN căng thẳng vì chi phí sản xuất bị đội lên khi giá sản phẩm đầu ra khó mà tăng thêm do đơn hàng sụt giảm, nhà kinh doanh thì lo mất doanh thu vì vắng khách.
* Đã ế, lại càng ế
Theo ban quản lý các chợ tại TP. Biên Hòa, sức mua hiện đang giảm mạnh ở tất cả các nhóm hàng. “Tình hình kinh doanh sẽ còn ảm đạm hơn khi mùa chay tháng 7 bắt đầu” - bà Hoa, tiểu thương tại chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) dự đoán. Chính vì vậy, tình trạng thị trường thực phẩm “tát nước theo mưa”, đua theo giá xăng, dầu, điện chưa xảy ra. Dù vậy, một số mặt hàng vẫn âm thầm leo thang, giá tăng tập trung ở nhóm hàng thiết yếu, như: sữa, gạo, dầu ăn…
Giá hàng hóa tăng ảnh hưởng đến bán ra của tiểu thương. (Ảnh chụp tại chợ Biên Hòa). |
Bà Huỳnh Thị Thu Thảo, Phó giám đốc nhà hàng Sen Vàng (TP.Biên Hòa), cho biết giá thực phẩm đang dao động nhẹ với mức tăng từ 2-3%, riêng hải sản tăng khoảng 10%. Giá điện vừa tăng, nhà hàng đã thực hiện tiết kiệm điện, tính toán chặt chẽ khâu đầu vào để nỗ lực giữ ổn định giá dịch vụ ăn uống.
Để vực doanh số trong giai đoạn ế ẩm hiện nay, các siêu thị, trung tâm thương mại đua nhau chạy chương trình khuyến mãi. Cụ thể, các siêu thị BigC, Co.opMart, Vinatex… đều giảm giá lớn cho hàng loạt mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống, chế biến đến đồ gia dụng, quần áo, hóa mỹ phẩm. Nhiều siêu thị, trung tâm điện máy, điện tử…cũng đua nhau giảm giá “khủng” nhằm thu hút người mua.
* Dồn thêm khó cho doanh nghiệp
“Có những sản phẩm của DN này là nguyên liệu của DN kia, khi điện tăng giá sẽ gây ra tác động tăng dây chuyền chứ không còn tăng đơn lẻ theo từng DN”, chủ một DN chế biến thực phẩm ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) ngán ngẩm nói. Theo vị giám đốc này thì giá xăng dầu vừa tăng xong lại đến giá điện tăng, chắc chắn DN “lãnh đủ”, bởi giá xăng dầu và điện tác động đến giá thành sản phẩm rất lớn.
Cùng quan điểm đó, ông Trần Văn Thành, Giám đốc DN tư nhân Kiến Phúc (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), chuyên làm hàng gỗ xuất khẩu, tính toán mỗi tháng DN ông phải trả 100 triệu đồng tiền điện, sắp tới rất lo khi phải tăng thêm chi phí tiền điện. Vấn đề không dừng lại ở đó, ông Thành lo ngại giá cả nguyên liệu đầu vào sẽ tăng trong khi các hợp đồng của ông không thể tăng được giá bán sản phẩm. “Hiện tại đang là mùa thấp điểm của ngành chế biến gỗ xuất khẩu, các DN chỉ có hàng làm cầm chừng, nên việc đội chi phí sản xuất sẽ gây ra nhiều khó khăn” - ông Thành chia sẻ.
Sau khi có thông báo tăng giá điện, ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh, chuyên sản xuất găng tay và đồ bảo hộ lao động (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) đã lên kế hoạch cắt giảm sản xuất. Hiện mỗi tháng, Công ty cổ phần An Phú Thịnh đang kéo 60 tấn sợi để phục vụ dệt găng tay và dự kiến sẽ giảm xuống còn 40 tấn do giảm sản xuất vào giờ cao điểm để tiết giảm tiền điện. Trung bình 1 tháng, An Phú Thịnh phải trả 300 triệu đồng tiền điện, như vậy với mức tăng giá điện 5% thì hàng tháng, DN này phải “móc túi” thêm khoảng 15 triệu đồng nữa.
Bình Nguyên - Khắc Giới