Tại các quốc gia khu vực Bắc Âu, như: Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch hay Iceland, đời sống của người dân khá cao và nền kinh tế tương đối ổn định.
Tại các quốc gia khu vực Bắc Âu, như: Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch hay Iceland, đời sống của người dân khá cao và nền kinh tế tương đối ổn định. Đây cũng là một trong những thị trường tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu đang hướng tới. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán thương mại tại 5 quốc gia này về cơ hội xuất hàng vào khu vực Bắc Âu.
Phóng viên: Kinh tế ở khu vực Bắc Âu tương đối ổn định có nhiều cơ hội cho các DN trong nước xuất khẩu hàng vào thị trường này không, thưa ông?
- Ông Vũ Chiến Thắng: Tôi nghĩ Thụy Điển và các nước Bắc Âu là một thị trường còn nhiều tiềm năng, bởi có nhiều khoảng trống mà DN Việt Nam có thể tận dụng. Đây là thị trường các DN trong nước chưa khai thác mạnh, có thể một phần do ảnh hưởng về mặt địa lý. Thời gian qua, một số mặt hàng xuất khẩu của các DN sang thị trường Bắc Âu, như: đồ gỗ, giày dép, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản, đồ thủ công mỹ nghệ tăng khá tốt…
Các quốc gia Bắc Âu thường gắn môi trường với thương mại, thông qua đó kêu gọi người tiêu dùng lựa chọn đối với hàng hóa để góp phần bảo vệ môi trường. Người dân khi mua sản phẩm thường có nhu cầu biết rõ về nguồn gốc. Vì vậy, các DN xuất khẩu hàng vào các quốc gia này cũng cần phải chuẩn bị minh bạch các thông tin để cung cấp cho khách hàng. |
Với bối cảnh biến động của kinh tế thế giới như hiện nay vẫn có những cơ hội cho DN. Ví dụ, nếu trước đây Việt Nam luôn nhập siêu từ Thụy Điển thì từ năm 2011 đến nay lại xuất siêu sang nước này. Mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang đây đứng đầu là điện thoại và linh kiện điện thoại. Năm 2012, mặt hàng này xuất khẩu sang Thụy Điển đạt kim ngạch trên 300 triệu USD, tăng 160% so với năm 2011. Các sản phẩm khác, như: máy tính và linh kiện điện tử, thủy sản, giày dép đều tăng.
Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa ở thị trường này như thế nào?
May mặc cũng là một trong những ngành hàng được các quốc gia Bắc Âu nhập khẩu lớn từ Việt Nam. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu ở Công ty cổ phần tổng công ty may Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). |
- Đời sống cũng như tính nhân văn của dân cư các quốc gia ở khu vực Bắc Âu khá cao nên họ yêu cầu chất lượng hàng hóa cũng cao. Các nước Bắc Âu đòi hỏi phát triển sản phẩm phải thân thiện với môi trường. Về tiêu chuẩn hàng hóa thì các quốc gia, như: Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan đã là thành viên của Liên minh châu Âu - EU nên cũng theo những tiêu chuẩn này. Một số nước chưa phải là thành viên của EU thì những tiêu chuẩn của họ cũng tương tự, không có nhiều khác biệt.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2013 cả nước đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2012, bằng 49% kế hoạch năm (kế hoạch năm 2012 là 126,1 tỷ USD). So với cùng kỳ năm 2012, xuất khẩu sang thị trường Châu Âu tăng 15,8%, trong đó thị trường các nước EU 27 tăng 20,8%, chỉ đứng sau mức tăng trưởng của thị trường châu Phi (41,7%). Trong khi xuất sang Châu Mỹ chỉ tăng trưởng 7,2% và sang châu Đại Dương giảm đến 22%. Tuy nhiên, kim ngạch ở riêng khu vực Bắc Âu của DN cả nước và Đồng Nai hiện vẫn chưa cao. |
Xuất khẩu hàng vào thị trường này hiện có những thuận lợi gì, thưa ông?
- Mới đây, hai quốc gia là Iceland và Na Uy đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, như vậy đây cũng là một thuận lợi. Ví dụ, khi xuất khẩu một mặt hàng nào đó đến ngưỡng thì họ sẽ xem xét xem có tình trạng bán phá giá hay không. Lúc đó, việc điều tra sẽ ở chính Việt Nam mà không lấy kết quả ở một số nước khác như Indonesia hay Thái Lan, vì thế tránh được chuyện oan sai. Các quốc gia này cũng thường tạo điều kiện cho sản phẩm của các nước đang phát triển thâm nhập vào thị trường của họ. Khi đáp ứng được các tiêu chuẩn và xây dựng lòng tin thì thị trường Bắc Âu sẽ là địa chỉ làm ăn lâu dài của các DN. Nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực này cũng khá lớn, chủ yếu là hàng nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!
Vân Nam (thực hiện)