Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhất trí chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1

11:07, 08/07/2013

Ngày 8-7, Đoàn công tác của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Ngày 8-7, Đoàn công tác của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1. Làm việc với đoàn có các đồng chí: Trần Văn Tư, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đoàn công tác đang kiểm tra Rạch Bùn ở phường An Bình (TP.Biên Hòa), một trong những nơi dẫn nguồn nước thải từ KCN Biên Hòa 1 ra sông Đồng Nai. Ảnh: V.Nam
Đoàn công tác đang kiểm tra Rạch Bùn ở phường An Bình (TP.Biên Hòa), một trong những nơi dẫn nguồn nước thải từ KCN Biên Hòa 1 ra sông Đồng Nai. Ảnh: V.Nam

Thành phần làm việc của đoàn có tới 20 người, trong đó có 13 đại biểu Quốc hội và thứ trưởng hai bộ: Xây dựng và Tài Nguyên - môi trường. Đoàn đã khảo sát cụ thể tình hình xả thải ở một số điểm và làm việc với một số DN.

Doanh nghiệp âu lo

Ông Phan Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, có nhà máy ở KCN Biên Hòa 1 trăn trở: “Khi di dời chuyển đổi KCN, doanh nghiệp coi như phải đầu tư lại từ đầu nên cần lượng vốn rất lớn. Muốn duy trì được hoạt động và không để mất khách hàng thì doanh nghiệp vừa phải duy trì hoạt động, vừa phải xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc trước hai năm nên lượng vốn không nhỏ. Trong khi đó, nguồn vốn vay của ngân hàng cần được khoanh, giãn nợ thì doanh nghiệp mới thực hiện được. Chuyển đến địa điểm mới, công nhân không phải ai cũng đến, như vậy sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguồn lao động”.

Đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư: “Cần có những chính sách rất cụ thể vì doanh nghiệp rất khó khăn. Phải xin Quốc hội cho phép cơ chế đặc thù về việc thuế ở dự án này”.

Cũng là đắn đo về nguồn lao động, ông Bùi Mạnh Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần cơ khí thực phẩm và xây lắp Biên Hòa cũng lo lắng: đặc thù của doanh nghiệp là cần thợ có tay nghề, nếu phải chuyển đến nơi quá xa sẽ rất khó khăn cho việc kiếm thợ. Hiện tại, 40% số thợ của công ty có tay nghề bậc 7 và 8. Phần lớn số công nhân của công ty đều có gia đình ổn định tại Biên Hòa, nên việc phải di chuyển xa sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa, cũng rất băn khoăn, bởi số vốn để di dời của doanh nghiệp đến nơi khác lên tới gần 136 tỷ đồng không phải là ít, bên cạnh đó còn nhiều những khó khăn khác kèm theo.

Cần cơ chế đặc thù

Bộ Công thương: “Thống nhất với đề án của tỉnh. Đề nghị tỉnh xem xét giải pháp hỗ trợ đồng bộ giữa doanh nghiệp tự chuyển đổi và chủ đầu tư cấp 1”.

Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh đã kiến nghị: Dự án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi một KCN, đối tượng bị di dời là nhà máy, xí nghiệp, không phải là các hộ dân; chi phí hỗ trợ di dời là rất lớn nên cần có những cơ chế chính sách đặc thù. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp chuyển đổi trong KCN này sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đối với chủ đầu tư cấp 1 áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp di dời được miễn 100% thuế nhập khẩu với các máy móc thiết bị đầu tư cho nhà máy. Cho phép khấu trừ các khoản hỗ trợ của dự án vào tiền sử dụng đất. Chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi của Nhà nước và các quỹ đầu tư với lãi suất ưu đãi, đáp ứng 50% nhu cầu vốn đầu tư.

Các thành viên trong đoàn đều nhất trí về chủ trương chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1 để giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Đồng Nai. Ông Phan Xuân Dũng cho biết, đoàn sẽ nghiên cứu kỹ các kiến nghị của tỉnh để báo cáo với Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Khắc Giới

* Ông Võ Tun Nhân, Phó ch nhim y ban Khoa hc - công ngh và môi trường ca Quc hi:

Đây là 1 dự án lớn đòi hỏi một nguồn lực nhiều. Khi di chuyển một nhà máy từ trong thành phố ra ngoài KCN đã khó còn đây di dời cả một KCN. Vì vậy phải có cơ chế đặc thù, đây là trách nhiệm của các bộ, ngành không còn là riêng của Đồng Nai. Ảnh hưởng của KCN này cũng như sự phát triển của Đồng Nai có tính chất vùng không còn riêng là một địa phương. Các doanh nghiệp khó khăn như vậy nhưng nếu có một lộ trình thích hợp, chính sách tốt sẽ giúp được di dời và kinh tế phát triển.

*  Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng:

UBND tỉnh Đồng Nai cần làm rõ hơn về chức năng nhiệm vụ của việc chuyển đổi này. Không chỉ đơn thuần về vấn đề môi trường, quy hoạch xây dựng của KCN Biên Hòa 1 sau này còn có tác động rất lớn đến vùng, Biên Hòa được xem là vệ tinh cho TP.Hồ Chí Minh. 

* Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường

Ô nhiễm ở KCN này không chỉ có nguồn nước mà không khí thải cũng không đạt. Vì vậy, chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 của Đồng Nai là đúng, bởi nguồn ô nhiễm này ảnh hưởng cả một vùng.  Khi làm công tác di dời, tỉnh cũng cần có khuyến cáo đối với các doanh nghiệp dời về nơi mới phải có tiêu chuẩn mới để không bị ảnh hưởng lẫn nhau.

 

Tin xem nhiều