Trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nghĩ ra các mô hình làm ăn khá sáng tạo. Các DN đã cùng liên kết, khai thác các thế mạnh của nhau để cùng tồn tại.
Trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nghĩ ra các mô hình làm ăn khá sáng tạo. Các DN đã cùng liên kết, khai thác các thế mạnh của nhau để cùng tồn tại.
Điển hình trong việc liên kết để đáp ứng đơn hàng ở lĩnh vực đan lát xuất khẩu phải kể đến Công ty TNHH sản xuất - thương mại Đi Bi ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa). Mặc dù năm nay xuất khẩu không dễ dàng nhưng đơn hàng của DN vẫn tăng.
* Chia sẻ đơn hàng lớn
Anh Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đi Bi, cho biết dù thị trường đang khó khăn nhưng DN vẫn ký được những đơn hàng lớn, cụ thể như vừa qua DN đã giao hoàn tất đơn hàng 70 container. Đây là đơn hàng mà trong lúc khó khăn như hiện nay không phải dễ có.
Sản xuất hàng đan lát xuất khẩu ở Công ty Đi Bi. Ảnh: V.Nam |
Kinh tế khó khăn, nhiều cơ sở, DN đan lát sản phẩm xuất khẩu không có hàng để làm, Ban giám đốc công ty đã tìm đến các đơn vị này để hợp tác. Trách nhiệm của Đi Bi là tìm nguồn hàng, còn các đơn vị liên kết thì tổ chức sản xuất.
Theo anh Bình, liên kết sẽ có lợi cho cả hai bên, bởi các đơn vị liên kết thì có hàng sản xuất và được hỗ trợ về vốn để mua nguyên liệu, còn Đi Bi dám nhận những đơn hàng lớn mà trước đây một mình DN sẽ không thể thực hiện nổi. Mặc dù lợi nhuận của các bên chỉ đạt 80% so với việc DN tự ký hợp đồng rồi tổ chức sản xuất, nhưng so với phương án đầu tư mở rộng sản xuất trong điều kiện hiện nay thì vẫn hiệu quả hơn. “Các đơn vị liên kết có sẵn nhà xưởng, công nhân. Nếu đầu tư mở rộng sản xuất sẽ khá tốn kém. Trong lúc khó như hiện nay thì phương án liên kết vẫn tốt hơn” - anh Bình nói.
Để liên kết chặt chẽ và bền vững thì các bên phải giữ chữ tín cao. Ngoài vấn đề tạo công việc cho nhau, các DN còn tận dụng được nguồn vốn của nhau để thực hiện dự án. |
Không chỉ Đi Bi mà nhiều DN làm hàng xuất khẩu khác cũng sử dụng cách thức này để duy trì sản xuất. Anh Nguyễn Văn Thức, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phạm Minh Quang - một DN chế biến gỗ xuất khẩu ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa), cho hay từ đầu năm 2012, DN của anh cũng đã thực hiện việc liên kết với 2 DN khác ở tỉnh Bình Dương để thực hiện những hợp đồng lớn. “Khi ký những hợp đồng lớn, nếu là DN nhỏ sẽ rất khó đảm bảo về mặt thời gian, liên kết lại các công ty cùng thực hiện sẽ tận dụng được thế mạnh của nhau. Máy móc của đối tác khá tốt, bổ sung cho việc mình có hệ thống nhà xưởng rộng và tiếp cận được nguồn nguyên liệu tốt” - anh Thức nói.
* Giảm áp lực nguồn vốn
Anh Nguyễn Xuân Hà, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Liên Sơn Hà ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa), cho rằng để liên kết chặt chẽ và bền vững thì các bên phải giữ chữ tín cao. Ngoài vấn đề tạo công việc cho nhau, các DN còn tận dụng được nguồn vốn của nhau để thực hiện dự án. DN nhỏ khi thực hiện công trình trong điều kiện hiện nay thường bị hụt vốn. Anh Hà chia sẻ: “Khi kinh tế thuận lợi, các khách hàng sẵn sàng cho lấy thiếu vật liệu để làm, chỉ cần đưa trước một nửa là được, số còn lại xong công trình sẽ trả hết. Nhưng hiện nay, mua vật liệu đến đâu phải thanh toán tiền ngay đến đó nên rất cần vốn”.
Công ty của anh Hà hiện đang hợp tác làm ăn với 5 đơn vị khác ở trong và ngoài tỉnh là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các DN liên kết là công ty thiết kế, xây dựng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng. Trong thỏa thuận hợp tác, các DN sử dụng sản phẩm của nhau, và cùng tìm các hợp đồng cho nhau. Qua 2 năm liên kết làm ăn, Công ty cổ phần xây dựng Liên Sơn Hà khá ổn định, không gặp trở ngại thiếu việc làm cũng như áp lực về vốn, mặc dù ngành xây dựng hiện khá khó khăn.
Vân Nam