Hơn 3 năm nay, người dân ở ấp 3 và ấp 4, xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) phải chịu cảnh ô nhiễm do nước thải từ một số nhà máy, khu dân cư phường Tân Bình, TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) xả ra suối Bốn Trụ.
Hơn 3 năm nay, người dân ở ấp 3 và ấp 4, xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) phải chịu cảnh ô nhiễm do nước thải từ một số nhà máy, khu dân cư phường Tân Bình, TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) xả ra suối Bốn Trụ.
Nhiều người dân ở ấp 3, ấp 4 bức xúc phản ánh tình trạng ô nhiễm tại suối Bốn Trụ kéo dài nhiều năm nay và ngày một trầm trọng, đề nghị chính quyền sớm có trao đổi với tỉnh Bình Dương để xử lý.
* Ô nhiễm nhiều năm
Trong cái nắng chang chang của buổi trưa cuối tháng 6 - 2013, dẫn chúng tôi ra suối Bốn Trụ, nơi giáp ranh với phường Tân Bình thuộc TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương), mùi hôi từ suối bốc lên nồng nặc lẫn với tanh của máu động vật vô cùng khó chịu, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng ấp 4, xã Tân Hạnh, than thở: “Nhiều năm nay, lần nào tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm của con suối. Mà nguyên nhân chính gây ô nhiễm là do Công ty TNHH Phạm Tôn ở phường Tân Bình giáp ranh xã Tân Hạnh giết mổ gia cầm xả ra”.
Khu vực Công ty TNHH Phạm Tôn xả thải ra suối Bốn Trụ nước đen đặc và bốc mùi hôi nồng nặc. |
Ông Hoàng Văn Vĩnh ở ấp 4, xã Tân Hạnh, kể: “Trước đây, nước ở suối Bốn Trụ rất trong, nhiều người dân trong ấp thường lấy nước vào để nuôi thủy sản hoặc tưới cho cây trồng. Nhưng hơn 3 năm nay, dòng suối bị ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ cần nhúng chân, nhúng tay vào nước suối là ngứa nổi mẩn đỏ hàng tháng không hết”. Mấy năm nay người dân hai ấp không dám sử dụng nguồn nước suối cho sản xuất.
Ngày 23-6-2010, UBND xã Tân Hạnh kết hợp với phường Tân Bình kiểm tra Công ty TNHH Phạm Tôn, thấy có hệ thống xử lý nước thải, nhưng nước thải sau xử lý xả ra môi trường vẫn có màu đen và mùi hôi. Ngày 24-6-2010, UBND xã Tân Hạnh phát hiện có 1 thùng gà đông lạnh đã thối rữa vứt trên đường Phạm Văn Diêu thuộc khu vực ấp 4 của xã và một số con gà đã thối rữa nằm dưới lòng suối. Đầu tháng 9-2010, Phòng Tài nguyên - môi trường TP. Biên Hòa có đi khảo sát thực tế, xác định nguồn nước thải ra suối chủ yếu xuất phát từ Công ty TNHH Phạm Tôn và một vài cơ sở sản xuất khác. |
“Lớn tuổi rồi, phải chịu mùi hôi mỗi ngày nên rất khó chịu. Vào buổi trưa, tôi thường đóng kín cửa mà vẫn thấy nôn nao vì mùi hôi tanh nồng nặc bay về. Giếng nước dùng sinh hoạt nay cũng có mùi hôi không thể dùng được” - bà Châu Thị Phượng, nhà ở ấp 4 gần suối Bốn Trụ, nói.
* Bao giờ hết?
Nguồn nước suối Bốn Trụ sau khi chảy ngang qua hai ấp 3 và 4 của xã Tân Hạnh sẽ ra rạch cầu Ông Tiếp rồi ra sông Đồng Nai. Theo bà Bùi Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh, từ giữa tháng 6-2010, người dân hai ấp trên đã phản ánh việc Công ty TNHH Phạm Tôn thường xuyên xả nước thải màu đen xuống suối.
Ông Vũ Quyền Lương, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hạnh khẳng định: “Ô nhiễm chủ yếu do Công ty TNHH Phạm Tôn, vì nước thải sinh hoạt và các cơ sở sản xuất kinh doanh khác đã có từ trước rất lâu, nhưng không làm suối bị ô nhiễm trầm trọng như vậy”.
Công ty TNHH Phạm Tôn nằm ngay thượng nguồn suối Bốn Trụ thuộc khu phố Tân Thắng phường Tân Bình, TX. Dĩ An. Quy mô giết mổ của công ty này là 10 ngàn con gia cầm/ngày. Nước thải của công ty được xả xuống suối Bốn Trụ. Tại hai họng xả của công ty, nước màu đen đặc bốc mùi hôi nồng nặc. Để rõ hơn việc xả thải của công ty này, phóng viên Báo Đồng Nai đã đề nghị trao đổi trực tiếp với lãnh đạo của công ty, nhưng nhiều lần gọi điện thoại hẹn gặp và đến trực tiếp, đều bị từ chối với lý do lãnh đạo đi họp. |
Giữa năm 2012, xã Tân Hạnh có văn bản kiến nghị thành phố can thiệp. Ngày 10-12-2012, TP.Biên Hòa có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị làm việc với tỉnh Bình Dương có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm.
Trước tình trạng gây ô nhiễm của một số phường, xã giáp ranh tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương. Ông Hoàng Văn Thống, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết: “Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đề nghị tỉnh Bình Dương phối hợp xử lý tình trạng một số cơ sở xả thải gây ô nhiễm và đổ trộm rác tại hai xã Tân Hạnh và Hóa An. Tỉnh Bình Dương cũng thống nhất sẽ phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm ở vùng giáp ranh”.
Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ dân ở xã Tân Hạnh vẫn phải chịu cảnh nước suối Bốn Trụ ô nhiễm nặng...
Hương Giang