Từ khi bất động sản bị đình trệ, cũng như nhiều nơi trên cả nước, các dự án bất động sản ở Nhơn Trạch rơi vào tình trạng khó khăn. Nhiều dự án không triển khai được, có những dự án xây dựng xong nhưng không có người mua...
Từ khi bất động sản bị đình trệ, cũng như nhiều nơi trên cả nước, các dự án bất động sản ở Nhơn Trạch rơi vào tình trạng khó khăn. Nhiều dự án không triển khai được, có những dự án xây dựng xong nhưng không có người mua. Điều này đã khiến con đường xây dựng hình ảnh một đô thị mới Nhơn Trạch đẹp đẽ như mong muốn ban đầu trở nên khúc khuỷu.
Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 30-9-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng phát triển TP.Nhơn Trạch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 vừa qua đã đánh giá, đến nay Nhơn Trạch thành công nhất là việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), về xây dựng phát triển đô thị và dịch vụ thì chưa đạt mục tiêu.
* Luẩn quẩn
Chủ tịch UBND huyện Lê Mạnh Dũng cho biết, về triển khai các dự án công nghiệp, Nhơn Trạch thực hiện khá tốt, đến nay đã lấp đầy trên 70% diện tích của 9 KCN. Nhưng phát triển đô thị hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do bất động sản đang bị đóng băng. “Phát triển đô thị liên quan đến bất động sản, mà bất động sản thì đang... bất động nên việc phát triển đô thị ở Nhơn Trạch hiện cũng tạm thời bị dừng”, ông Dũng nói.
Hạ tầng giao thông của Nhơn Trạch đang là một thách thức. Trong ảnh: Quá tải xe trên tuyến đường chính 25A. Ảnh: V.Nam |
Trong thời gian qua, những dự án về phát triển đô thị ở Nhơn Trạch rơi vào vòng luẩn quẩn là người dân đợi dịch vụ và dịch vụ đợi người dân. Một khu đô thị được hình thành, muốn thu hút dân đến ở đòi hỏi phải có những dịch vụ tiện ích đi kèm để giải quyết cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, các nhà đầu tư dịch vụ lại đợi có dân đến ở thì mới đầu tư. Do hai vấn đề này “chờ đợi” nhau nên đến giờ, có những khu dân cư được đầu tư nhưng các dịch vụ kèm theo như chợ, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí... không có, dẫn tới dân không đến ở, hình thành những khu dân cư hoang vắng.
Nhìn trên bản đồ xây dựng, khi các tuyến đường giao thông chiến lược được kết nối thì Nhơn Trạch khá thuận lợi, phía Bắc là đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, phía Nam là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, phía Đông là quốc lộ 51. Những tuyến đường như vành đai 3 (đường cầu quận 9, TP.Hồ Chí Minh), đường liên cảng nối với Cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) được thực hiện sẽ tạo cho Nhơn Trạch một vị thế thuận lợi hơn. |
Để giải quyết vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Võ Tấn Đức cho hay, huyện đang rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư bất động sản. Hiện khu trung tâm huyện đã có các tuyến đường kết nối, sắp tới huyện sẽ làm việc với các chủ đầu tư đề nghị phải có phương án thực hiện đồng bộ. Song song với đầu tư nhà ở cũng triển khai xây dựng các dịch vụ xã hội, dịch vụ kinh tế để có được khu dân cư hoàn chỉnh, không để xảy ra tình trạng như vừa qua là rất lãng phí.
* Khơi thông đường “độc đạo”
Địa thế của huyện Nhơn Trạch gần như một bán đảo, 3 mặt đều là sông, toàn bộ nhu cầu đi lại đều tập trung ra quốc lộ 51. Hai tuyến đường là 25A và 25B kết nối với quốc lộ 51 hiện đều ở tình trạng quá tải. Ông Đức nói: “Giao thông ở Nhơn Trạch khá hạn chế nên đã kéo theo các dịch vụ khác, trong đó có vận tải cũng không phát triển”.
Tại hội nghị sơ kết Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết, trong khi chờ đợi những tuyến giao thông khác, tỉnh đã quyết định khơi thông giao thông của Nhơn Trạch bằng việc cho đầu tư kết nối đường 319 từ KCN Nhơn Trạch với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cùng với đó là mở rộng đường 25B.
Lãnh đạo huyện Nhơn Trạch cũng cho rằng, đến năm 2015 hai tuyến giao thông này được thực hiện xong sẽ giải quyết cơ bản về ách tắc giao thông của huyện. Cuối năm nay, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn đi qua huyện Nhơn Trạch đã thông xe, đường 319 kết nối xong thì việc đi lại giữa Nhơn Trạch và TP.Hồ Chí Minh không phải qua quốc lộ 51 nữa, khoảng cách cũng được rút ngắn khá nhiều.
Vân Nam