Tình hình kinh tế nhìn chung đang tốt dần lên, ngoại trừ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có dấu hiệu chậm lại, còn các chỉ số quan trọng khác hầu hết đều tăng.
Tình hình kinh tế nhìn chung đang tốt dần lên, ngoại trừ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có dấu hiệu chậm lại, còn các chỉ số quan trọng khác hầu hết đều tăng. Đặc biệt, lạm phát không còn là áp lực lớn. Những đánh giá trên được nêu ra trong hội nghị trực tuyến thường kỳ của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì vào ngày 27-6.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau 7 tháng tăng liên tiếp kể từ những tháng cuối năm ngoái đã có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3-2013 đến nay. Mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2013 là 2,4%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
* Lạm phát không còn là nỗi lo
Nguyên nhân khiến CPI thời gian qua tăng thấp cũng được Bộ trưởng KH-ĐT lý giải là một phần do mặt bằng giá thế giới giảm. Mặt khác, tổng cầu thấp, sức mua yếu trong khi sản xuất trong nước tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, nhất là nhập từ thị trường Trung Quốc... cũng gây áp lực giảm giá trong nước. Diễn biến chỉ số giá trong 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012.
Lạm phát hiện không còn là áp lực quá lớn như các năm trước. Trong ảnh: Mua sắm tại siêu thị Big C Đồng Nai. Ảnh: CTV. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng lưu ý, trong 6 tháng cuối năm vẫn còn có những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách về giá các yếu tố đầu vào quan trọng, như: điện, xăng dầu, phân bón,... và giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương không được lơ là với lạm phát, cần phải đề phòng lạm phát quay trở lại vào những tháng cuối năm.
* Không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thông báo, mức tăng trưởng GDP quý II tăng 5%, cao hơn mức tăng của quý I và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%. Tốc độ tăng GDP theo đánh giá không như mong đợi, nhưng là mức tăng hợp lý do phải tập trung mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các chỉ số cho thấy tình hình đang tốt dần lên và nếu cố gắng vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 5,5%.
Kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 6 tháng đầu năm liên tục duy trì đà tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, luôn ở mức 2 con số, cao hơn kế hoạch đề ra (khoảng 10%) và đạt trên 10 tỷ USD/tháng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 62,1 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 37,4 tỷ USD, chiếm hơn 60,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 28,3%; khu vực trong nước tăng 2,2%. Trong 6 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện cắt giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tốc độ tăng huy động vốn và cho vay từng bước được cải thiện, thanh khoản của toàn hệ thống khá ổn định, tốc độ tăng trưởng tín dụng, sau khi giảm trong tháng 1-2013, đã tăng trở lại từ tháng 2-2013 đến nay. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh tiếp tục là giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2013. Trong ảnh: Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Sông Mây. Ảnh: V.LÂM |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, hiện tại, chưa có chủ trương thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng GDP, do đó cần đẩy mạnh các giải pháp để đạt được mục đích. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần kiên định thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đi đôi với đó là phải thúc đẩy sự phát triển kinh tế, duy trì được đà tăng trưởng ở mức hợp lý, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013.
Đề cập tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện tốt các chính sách về miễn, giảm, hoãn thuế; đồng thời cũng phải kiểm soát tốt việc thu đúng, thu đủ, chống tình trạng gian lận, trốn thuế; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn. Sớm đưa Công ty quản lý tài sản (VAMC) đi vào hoạt động, qua đó góp phần xử lý nợ xấu, khai thông dòng vốn tín dụng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; quyết liệt xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Vi Lâm