Báo Đồng Nai điện tử
En

Nút thắt không còn ở lãi suất

10:05, 15/05/2013

Làn sóng giảm lãi suất (LS) và liên tục tung các gói ưu đãi cho vay của các ngân hàng (NH) không phải gần đây mới dậy lên, mà ngay từ khi tín dụng có dấu hiệu khó tăng trưởng, nhiều NH đã dồn dập thực hiện. Tuy vậy, nhìn chung, vốn vẫn ế vì theo nhiều DN, nút thắt về vốn giờ đây không còn nằm ở chỗ LS thấp hay cao.

Làn sóng giảm lãi suất (LS) và liên tục tung các gói ưu đãi cho vay của các ngân hàng (NH) không phải gần đây mới dậy lên, mà ngay từ khi tín dụng có dấu hiệu khó tăng trưởng, nhiều NH đã dồn dập thực hiện. Tuy vậy, nhìn chung, vốn vẫn ế vì theo nhiều DN, nút thắt về vốn giờ đây không còn nằm ở chỗ LS thấp hay cao.

Vốn của toàn bộ hệ thống tín dụng Đồng Nai tính đến hết quý I-2013 tồn dư 12 ngàn tỷ đồng là con số mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai công bố trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh diễn ra mới đây, dù LS đã giảm sâu.

* Lãi giảm, doanh nghiệp vẫn “lười” vay

Ông Hoàng Mạnh Long, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Biên Hòa, nhận xét 4 tháng qua tín dụng tại chi nhánh “đi ngang”, nghĩa là gần như không tăng so với năm 2012. Hiện lại, LS tại Vietcombank đang ở nhóm NH thấp nhất thị trường, song “một số DN có dấu hiệu kinh doanh chậm lại thì lại muốn vay thêm vốn, trong khi DN tốt thì không có nhu cầu” khiến tình hình cho vay vẫn chưa thể khởi sắc dù đã sang nửa quý II.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay cầm cự, ít doanh nghiệp có nhu cầu vay thêm vốn.  Trong ảnh: Một cơ sở chế biến gỗ tại huyện Cẩm Mỹ.     Ảnh: K.N
Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay cầm cự, ít doanh nghiệp có nhu cầu vay thêm vốn. Trong ảnh: Một cơ sở chế biến gỗ tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: K.N

Khảo sát cho thấy, hầu hết các NH lớn nhỏ hiện tại đều có cả chục gói tín dụng ưu đãi LS tung ra từ đầu năm đến nay, trong đó có cả gói LS chỉ 7%/năm mà Vietcombank và một số nơi khác đang áp dụng cho các khách hàng ưu tiên. Tuy vậy, lãnh đạo nhiều chi nhánh NH vẫn than, dù ưu đãi lớn, song tìm DN đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn hiện tại là rất khó.

Vẫn có ngân hàng tăng mạnh

Trên bình diện chung, các NH đều than tín dụng khó tăng, song ở một vài nơi cho vay vẫn tăng trưởng tốt nhờ các chính sách tín dụng và LS linh hoạt. Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc NH thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh Đồng Nai cho biết trong 4 tháng qua dư nợ chi nhánh tăng 17% (tương đương 500 tỷ đồng), chủ yếu nhờ áp dụng LS thấp từ mấy tháng nay. Theo đó, LS tại Eximbank hiện tại hầu hết đều dưới 10%/năm, trong đó LS 7-8%/năm chiếm khoảng 50%. Tương tự, ACB chi nhánh Đồng Nai cũng tăng trưởng tín dụng mạnh so với cuối năm 2012, đến gần 50% nhờ hàng loạt các gói tín dụng linh hoạt áp dụng theo tình hình làm ăn, sức khỏe, nhu cầu… của DN.

Với nhiều NH, huy động vốn tăng trưởng đều trong khi ế cho vay đã đặt họ vào một tình thế khó khăn, bởi phần lớn lợi nhuận của NH vẫn đến từ hoạt động cho vay.

Trong buổi gặp mặt mới đây với lãnh đạo UBND tỉnh về chính sách tín dụng, lãnh đạo NH Sacombank chi nhánh Đồng Nai cho biết chi nhánh hiện rất muốn đẩy vốn ra, song dù nhân viên tín dụng tỏa đi mọi hướng tìm khách, tình hình vẫn không khá hơn. Đến nay, Sacombank đã huy động được gần 4 ngàn tỷ đồng, song cho vay chưa nổi 50% lượng vốn nói trên.

* Chưa thấy cơ hội làm ăn

Nhiều DN đánh giá, vướng mắc lớn nhất hiện tại vẫn là chưa tìm thấy cơ hội làm ăn, do đó nhu cầu vay vốn không cao dù so với trước, LS đã giảm rất nhiều. Ông Võ Đức Thiện, Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Đồng Nai, cho biết tín dụng ở khối DN vừa và nhỏ từ đầu năm đến nay gần như không tăng. “Trên cả 3 phương diện: sức khỏe, phương án kinh doanh, tài sản thì nhiều DN đang ngày một xấu đi. LS hiện tại không phải là điều DN quan tâm nữa, quan trọng là họ không hề thấy cơ hội làm ăn” - ông Thiện nhận xét.

Lãi suất đã giảm mạnh so với trước, song tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng vẫn khó khăn. (Ảnh minh họa)
Lãi suất đã giảm mạnh so với trước, song tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng vẫn khó khăn. (Ảnh minh họa)

Giám đốc một chi nhánh NH có trụ sở trên đường Nguyễn Ái Quốc cũng nhận định, nguyên nhân khiến vốn đầu ra khó không nằm ở LS nữa, mà nằm ở chính khó khăn của DN. Tại chi nhánh NH này, huy động vốn từ đầu năm đến nay tăng 400 tỷ đồng, trong khi cho vay ra chỉ được 100 tỷ đồng. “Lãi suất hiện đã có thể chấp nhận, DN không còn kêu ca. Vậy nên khó khăn nằm ở những chỗ khác, như: thị trường, đầu ra sản phẩm và cơ hội” - giám đốc chi nhánh này nói.

Nguy cơ méo mó thị trường

Hiện tại một số NH nhỏ vẫn áp dụng LS huy động ở mức 10-11%/năm, trong khi nhóm NH lớn đã giảm mạnh, trong đó khối NH lớn, như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank có LS huy động chỉ xoay quanh mốc 6-7%/năm cho hầu hết các kỳ hạn. Lãnh đạo một số NH lo ngại, mức chênh lệch này có thể khiến nhiều DN nghĩ đến chuyện vay ở NH này với LS thấp (7-8%) để đem sang nơi khác gửi (10-11%), làm méo mó thị trường, đồng thời tạo nên những con số và thông tin sai lệch.

 

Vi Lâm

 

 

 

 

Tin xem nhiều