Báo Đồng Nai điện tử
En

Khuyến khích đầu tư mới

10:05, 17/05/2013

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất “liêu xiêu” vì hàng không bán được. Cũng từ đó, nền kinh tế càng trở lên “ốm yếu” hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài việc kích cầu tiêu dùng thì kích cầu đầu tư cũng cần phải được quan tâm.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất “liêu xiêu” vì hàng không bán được. Cũng từ đó, nền kinh tế càng trở lên “ốm yếu” hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài việc kích cầu tiêu dùng thì kích cầu đầu tư cũng cần phải được quan tâm.

Trong khi một số DN phá sản, ngưng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất ở thời gian này thì vẫn có những DN tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ để tồn tại và phát triển.

* Hiếm hoi, nhưng vẫn có

Thị trường bất động sản vẫn còn đang mịt mờ, nhiều ngành sản xuất đi kèm cũng hẩm hiu không kém, trong đó có sản xuất cửa. Mặc dù vậy, anh Đỗ Minh Đăng, Giám đốc Công ty TNHH  Đăng Tấn Phát (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn quyết định mở rộng đầu tư. Trong tháng 5 này, anh sẽ nhận dây chuyền sản xuất cửa cuốn tấm liền theo công nghệ của Úc để đa dạng thêm sản phẩm. Hiện nay mặc dù tiêu thụ hàng không mấy dễ dàng, nhưng theo anh Đăng thì vẫn phải đầu tư để phục vụ khách hàng có nhu cầu về dòng sản phẩm này trong tương lai.

Trong khi ngành gốm đang gặp khó khăn nhưng Doanh nghiệp tư nhân gốm Phát Thành vẫn phải đầu tư lò nung gốm mới để đáp ứng cho sản xuất.  Ảnh: V.Nam
Trong khi ngành gốm đang gặp khó khăn nhưng Doanh nghiệp tư nhân gốm Phát Thành vẫn phải đầu tư lò nung gốm mới để đáp ứng cho sản xuất. Ảnh: V.Nam

Tương tự, ông Đỗ Văn Quân, Phó giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Vĩnh Quân (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), chuyên chế biến gỗ xuất khẩu, cho biết DN ông cũng vừa đổi mới một loạt máy chế biến gỗ trị giá hơn 5 tỷ đồng để đáp ứng sản xuất. “Công nhân cho ngành chế biến gỗ bây giờ thiếu lắm, không thay đổi máy để giảm lao động và tăng năng suất thì rất khó cạnh tranh. Tôi quan niệm, chính lúc khó này mới cần đầu tư sâu để cạnh tranh” - ông Quân nói.

Không chỉ các DN vừa và nhỏ trong nước gắng gượng đầu tư vào thời điểm này, mà ngay cả những DN có vốn đầu tư nước ngoài khi tìm thấy cơ hội cũng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Điển hình là Tập đoàn Bosch có nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Long Thành sản xuất phụ tùng ô tô. Khi được, Chính phủ đồng ý cho hưởng các ưu đãi công nghệ cao thì tập đoàn này tiếp tục đề án mở rộng sản xuất. Cụ thể, Bosch sẽ tăng số lao động lên đến 1.500 nhân viên làm việc tại nhà máy ở Long Thành vào năm 2015 và vốn đầu tư tăng lên 230 triệu euro. Hiện tại, nhà máy ở Long Thành của Bosch, có 800 nhân viên với số vốn đầu tư trên 100 triệu euro.

* Nên kích thích bằng chính sách

Tại diễn đàn kinh doanh vào giữa tháng 4 vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chính sách Trường đại học kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội), cho rằng các chính sách sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc kích cầu DN đầu tư. Ông ví dụ, việc giảm thuế thu nhập DN cũng là một trong những giải pháp. “Cũng không nên so đo giảm 1% thuế thu nhập DN thì Nhà nước sẽ mất đi mấy ngàn tỷ, vì khi thuế giảm, sẽ kích thích DN đầu tư, cố gắng vượt khó và sau đó Nhà nước sẽ thu được từ những khoản khác. Không chỉ vậy, giảm thuế còn là lợi thế để cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Thành nói.

Vấn đề TS. Thành nêu ra cũng chính là mong muốn của các DN. Ông Lê Anh Dũng, chủ một DN chế biến gỗ ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, thừa nhận nhiều chính sách của Nhà nước hiện nay chưa kích thích được DN đầu tư, như có rất nhiều loại phí; quy định về xử lý môi trường, phòng chống cháy nổ theo tiêu chuẩn quá cao. Ngoài ra, những thay đổi liên tục về chính sách khiến DN không yên tâm sản xuất.

Vân Nam

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
  • Công ty luật LEGALAM uy tín, chuyên nghiệp