Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ dịch cúm gia cầm: Cút và yến ngoài vòng kiểm soát

09:04, 14/04/2013

Việc phát hiện đàn chim yến ở tỉnh Ninh Thuận dương tính với cúm A/H5N1 khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên, không chỉ chim yến, chim cút tại Đồng Nai cũng nằm “ngoài vòng kiểm soát” của dịch bệnh.

Nhà nuôi chim yến của anh Lê Phú Trung (ấp 4, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom). Ảnh: H. Giang
Nhà nuôi chim yến của anh Lê Phú Trung (ấp 4, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom). Ảnh: H. Giang

Việc phát hiện đàn chim yến ở tỉnh Ninh Thuận dương tính với cúm A/H5N1 khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên, không chỉ chim yến, chim cút tại Đồng Nai cũng nằm “ngoài vòng kiểm soát” của dịch bệnh.

Thực tế, cút và yến được nuôi khá phổ biến ở Đồng Nai hiện nay. Ước tính có cả ngàn hộ dân đang sống bằng nghề chăn nuôi 2 loại chim này. Song nhiều năm qua, việc quản lý, phòng chống dịch bệnh cho cút và yến gần như bị bỏ không.

* “Vừa nuôi vừa lo”

Đó là lời bộc bạch của chị Nguyễn Thị Thạnh (ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom). Như lời chị kể, gia đình chị nuôi chim cút từ nhiều năm nay, mỗi tháng xuất bán khoảng 10 ngàn cút giống cho các trại và 2 ngàn quả trứng/ngày. Mỗi lần xuất bán cũng có cán bộ thú y đến kiểm tra, nhưng trong quá trình nuôi, từ kỹ thuật đến phòng bệnh cho đàn chim, chị đều tự mày mò làm. “Năm 2003 do xảy ra dịch cúm nên Chính phủ tạm dừng nuôi các loại gia cầm, thủy cầm và chim cút. Đến năm 2005, có văn bản cho nuôi lại nhưng không đả động gì đến việc có cho nuôi chim cút hay không. Tuy vậy, chúng tôi thấy nuôi chim cút đầu ra thuận lợi nên vẫn nuôi” - chị Nguyễn Thị Ánh, chủ trại cút trên 70 ngàn con (ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), nói.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ trứng và thịt chim cút trên thị trường khá lớn. Do đó, tổng đàn cút của Đồng Nai hiện lên đến trên 3 triệu con, tập trung nhiều ở các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất và Vĩnh Cửu. “Do không có văn bản chỉ đạo nào từ Trung ương và tỉnh, nên huyện gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý và phòng chống dịch bệnh cho đàn cút” - ông Đặng Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bom, thừa nhận.

Được biết, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y cho đến nay chưa có bất cứ một văn bản nào hướng dẫn cách nuôi, phòng chống dịch cho 2 loại chim này. Vì thế, hiện vẫn chưa có nghiên cứu hay một loại vaccine nào để tiêm phòng cúm cho chim cút.

* Ồ ạt nuôi yến

Khoảng 3 năm lại đây, phong trào nuôi yến trên địa bàn tỉnh khá phát triển. Số lượng nhà nuôi yến hiện đạt gần 100 nhà, nằm rải rác nhiều nơi. Đây là mô hình chăn nuôi khá hiệu quả. Cũng như chim cút, nuôi chim yến hầu hết là tự phát. Riêng với chim yến, do đặc tính sống tự nhiên và chỉ về tổ khi trời tối nên việc phòng ngừa dịch cho đàn chim này gần như không thể.

Trại chim cút của chị Nguyễn Thị Thạnh (ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom). Ảnh: H. Giang
Trại chim cút của chị Nguyễn Thị Thạnh (ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom). Ảnh: H. Giang

 

Ông Hoàng Thế Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Hố Nai 3, cho biết: “Trong xã hiện có rất nhiều trại nuôi cút với số lượng lớn. Thời gian qua, nhiều trại đề nghị xã xác nhận để xin cấp giấy chứng nhận trang trại để được ưu đãi vay vốn và mua điện cho sản xuất nông nghiệp với giá rẻ. Song không có hướng dẫn hoặc văn bản nào cho phép nuôi chim cút nên xã không thể xác nhận”.

“Tôi có 4 nhà nuôi yến, đặt tại TX. Long Khánh, các huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Định Quán. Khi biết thông tin đàn chim yến ở Ninh Thuận chết vì cúm A/H5N1, tôi chỉ phòng bệnh bằng cách dọn dẹp sạch sẽ nhà nuôi và phun thuốc sát trùng” - anh Lê Phú Trung (ấp 4, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) chia sẻ. Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất khẳng định: “Thời gian gần đây, nhiều hộ trên địa bàn huyện đã xây dựng nhà nuôi chim yến. Vì không có văn bản nào của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn hướng dẫn để huyện có căn cứ quản lý nên nguy cơ phát dịch cúm từ đàn chim này rất cao”.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết: “Hiện tỉnh đang yêu cầu các huyện, thị, thành rà soát lại các điểm nuôi chim cút, yến để có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn hướng dẫn biện pháp quản lý và phòng dịch”. Tuy nhiên, ông Quang tỏ ra lo lắng, lịch sử cúm gia cầm thế giới ghi lại, các loài chim di trú có thể mang theo virus cúm từ châu lục này sang châu lục khác. Chim yến là loài bay xa và sống gần thiên nhiên, con người ít can thiệp được nên nguy cơ mang dịch từ vùng này qua vùng khác là khá lớn.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều