Hiện nay, trong khi các lò gốm đang cố gắng cầm cự vì thiếu đơn hàng thì công nhân Công ty cổ phần mỹ thuật Gốm Việt của anh Nguyễn Văn Tâm (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn làm không hết việc.
Hiện nay, trong khi các lò gốm đang cố gắng cầm cự vì thiếu đơn hàng thì công nhân Công ty cổ phần mỹ thuật Gốm Việt của anh Nguyễn Văn Tâm (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn làm không hết việc.
Những cơn mưa đầu mùa làm cho cái nóng của miền Đông Nam bộ dịu hẳn xuống, nó cũng giúp cho những công nhân làm việc ở Công ty Gốm Việt dễ chịu hơn nhờ giảm bớt hơi nóng của những mẻ gốm liên tục ra lò.
* Giá trị Việt
Từ văn phòng ở TP.Hồ Chí Minh đến nhà máy, anh Tâm đi thẳng xuống xưởng sản xuất. Cầm trên tay bức tượng gốm cô gái mặc áo dài khá duyên dáng mới ra lò còn ấm, mắt nhìn sản phẩm đầy suy tư, anh phát hiện ra điều gì đó chưa ổn. Đưa sản phẩm về phòng đặt lên kệ cùng nhiều mẫu để so sánh, gần một tiếng đồng hồ sau, anh Tâm cho gọi nhân viên kỹ thuật lên thảo luận những điểm chưa đạt của sản phẩm, như: nét khắc trên tượng hơi sâu, màu sắc chiếc áo dài chưa đạt, vành nón hơi dày… Anh Tâm tiết lộ, anh đang thực hiện bộ tượng cô gái 3 miền (Bắc, Trung, Nam) cho một triển lãm sắp tới. Đây là mẻ nung thứ hai ra lò nhưng tính thẩm mỹ chưa đạt và tiếp tục phải cải tiến thêm. “Sản phẩm của Gốm Việt thuộc hàng cao cấp nên tất cả các chi tiết, hoa văn, màu sắc phải đẹp. Để có được một bộ tượng phải mất từ 3 - 4 tháng nghiên cứu, làm đi làm lại rất nhiều lần, do đó giá sản phẩm cao. 4 yếu tố quan trọng của sản phẩm để tạo nên thương hiệu Gốm Việt là kiểu dáng, chất liệu, màu sắc và tính nghệ thuật, từ đó gửi đến khách hàng một thông điệp về giá trị Việt” - anh Tâm bộc bạch.
Anh Nguyễn Văn Tâm (đứng) đang cùng nhân viên kỹ thuật kiểm tra chất lượng sản phẩm mẫu. Ảnh: V.NAM |
Có lẽ nhờ vào sản phẩm độc đáo nên doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất khá tốt, doanh thu mỗi tháng của công ty hiện vẫn đạt 65 - 70 ngàn USD. Sản phẩm của Gốm Việt chủ yếu là hàng lưu niệm, gia dụng, trang trí, mỹ thuật để cung cấp cho thị trường trong nước là các khách sạn, resort 5 sao, khách du lịch nước ngoài và xuất khẩu.
* Trăn trở với làng nghề
Câu chuyện giữa chúng tôi và chủ Công ty Gốm Việt trở nên sôi nổi hơn khi nói về việc phát triển làng gốm Tân Hạnh. “Tôi đã nghiên cứu và thảo luận nhiều với Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai. Muốn tồn tại và phát triển thì nên tính đến việc xây dựng cụm gốm này thành một làng nghề sản xuất và du lịch, trong đó nên có một showroom và bảo tàng sản xuất gốm để thu hút khách” - anh Tâm nói.
Là người tốt nghiệp ngành mỹ thuật ở Nga và rất đam mê gốm, anh Tâm đã lặn lội khắp các làng nghề trong nước rồi ra nước ngoài, từ Thái Lan, Trung Quốc đến Ấn Độ, châu Âu để tìm hiểu về những đặc điểm các dòng gốm, công nghệ sản xuất của các quốc gia để chọn cho mình một con đường riêng. Anh Tâm chia sẻ: “Sản phẩm gốm của công ty tôi là thuần Việt, không pha tạp với bất cứ dòng sản phẩm nào. Khách nước ngoài hay trong nước khi nhìn vào sản phẩm là biết gốm Việt Nam. Hơn 10 năm qua, tôi tập trung phát triển vấn đề này và đang có những thành công bước đầu. Hiện DN tập trung vào giá trị nghệ thuật của gốm”.
Từ phong cảnh vịnh Hạ Long đến hình ảnh đôi trai gái thổi khèn ở Sa Pa, nữ sinh đạp xe trước nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn… đều có trên những sản phẩm tranh gốm 3 chiều đầy nghệ thuật của Gốm Việt.
Vân Nam