Đi trên con đường trải nhựa vào Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ) Nguyễn Văn Tứ nhiều lần nói: “Người dân Xuân Đường “hưởng xái” nhờ con đường này, nếu không rất khó khăn đi vào khu dân cư ở bưng A, ấp 1. Không có đường, điện sẽ khó tạo ra sức bật mới cho nông nghiệp - nông thôn”.
Đi trên con đường trải nhựa vào Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ) Nguyễn Văn Tứ nhiều lần nói: “Người dân Xuân Đường “hưởng xái” nhờ con đường này, nếu không rất khó khăn đi vào khu dân cư ở bưng A, ấp 1. Không có đường, điện sẽ khó tạo ra sức bật mới cho nông nghiệp - nông thôn”.
Bưng A là một khu vực hẻo lánh, xa trung tâm xã, hàng chục năm trời việc đi lại của người dân vô cùng gian nan, vất vả. Mùa mưa lầy lội, trơn trợt, còn nắng thì bụi đỏ, đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Nay thì bươn theo con đường trải nhựa láng o chừng 700-800m là có thể quẹo phải đi vào bưng A, không chỉ xe gắn máy mà cả xe ô tô cũng có thể vào ra dễ dàng.
* Người dân hưởng lợi
Con đường vào bưng A, ấp 1 trước đây chỉ dành cho xe “chuyên dụng” là máy cày, còn xe gắn máy thường phải lủi theo đường lô cao su, điều này đem lại rất nhiều phiền toái cho công tác bảo vệ của Nông trường cao su Cẩm Đường.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Đường Nguyễn Văn Tứ (trái) đi kiểm tra việc làm đường nhựa ở ấp 1. Ảnh: X.PHÚ |
Ông Phạm Văn Phương, 50 tuổi, ngụ tại bưng A, không giấu giếm niềm vui: “Giấc mơ hàng chục năm trời của người dân bưng A về một con đường đi lại đàng hoàng và có điện đến tận nhà nay đã thành sự thật, chỉ sau khi hoàn thành đường nhựa vào Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai vào cuối năm 2011. Lúc đó, xã vận động người dân bưng A hiến đất, đóng tiền làm đường nông thôn. Gia đình tôi cũng đã góp tiền và hiến khoảng 300m2 đất. Đường bưng A hiện dài khoảng 1,5km và rộng 4m đã được trải đá sỏi. Không thể diễn đạt hết niềm vui của người dân bưng A về con đường nông thôn này”.
Ở Xuân Đường, còn có đường vào bưng B của ấp 2 cũng rất khó khăn và hiện đang rục rịch làm đường và kéo điện hạ thế. Chị Thái Thị Út, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, ngụ tại bưng B chính là người tự nguyện đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp xã hội hóa hạ tầng nông thôn ở đây. Chị cho biết, gia đình chị đã hiến khoảng 1ngàn m2 đang trồng sầu riêng, chôm chôm, măng cụt để làm đường điện hạ thế với tổng trị giá gần 200 triệu đồng. Nếu gia đình chị Út không hiến đất thì hơn 30 hộ ở bưng B sẽ không thể có điện hạ thế. Trước đó, người dân cũng đồng tình góp tiền và hiến đất làm đường giao thông. |
Cũng theo ông Phương thì “niềm vui nối tiếp niềm vui” vì sau khi có đường, xã lại vận động bà con chung sức kéo đường điện hạ thế về nhà để phục vụ sản xuất - đời sống. Ông Phương cho biết, từ khi có đường, có điện, sản xuất, chăn nuôi thuận lợi hơn trước rất nhiều. Ông đã “nâng cấp” đàn heo từ nuôi nhỏ lẻ chỉ chừng chục con nay thành trang trại nuôi heo khoảng 200 con nái và thịt, đến nay đã xuất chuồng được 3 lứa, mỗi lứa được 40-50 con heo thịt.
Không chỉ có bưng A, vào những ngày cuối tháng 10 năm nay, toàn bộ đường giao thông ở ấp 2 với 8 tuyến nhánh đang được đồng loạt thi công nâng cấp trải nhựa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”: dân góp 30%, ngân sách huyện 30% và tỉnh 40%. Theo vận động của chính quyền xã, các hộ dân ấp 2 đã đồng thuận góp tiền tính theo diện tích nhà ở để đảm bảo sự công bằng. Đồng thời, chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp - phát triển nông thôn Cẩm Mỹ đã chấp thuận cho vay khoảng 50% số hộ chưa có tiền đóng ngay để đẩy nhanh tiến độ thi công.
* Sức bật bất ngờ
Ở Xuân Đường, người đang có nhiều chức vụ là ông Nguyễn Văn Tứ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã. Ông Tứ chân tình nói, vào cuối năm 2010 khi Xuân Đường được chọn làm điểm của huyện và tỉnh về xây dựng NTM thì xã rất lúng túng, không hình dung ra phải làm như thế nào. Nhưng được sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ rất tích cực của Huyện ủy và UBND huyện, lãnh đạo xã cũng đã nhanh chóng bắt tay vào công việc. “Khó nhất là vận động người dân đóng góp thực hiện các chương trình xã hội hóa, đặc biệt là làm đường nông thôn và kéo điện hạ thế vì có khoảng 80% người dân Xuân Đường là công nhân nông trường, cuộc sống ít dư dả. Vả lại, nhiều năm qua xã cũng không hề vận động người dân đóng góp gì” - ông Tứ nói.
Sau khi làm đường giao thông và đường điện ở bưng A, nhiều người dân đã đầu tư phát triển sản xuất. Trong ảnh: Ông Phạm Văn Phương đang phơi cà phê và phía sau là trang trại nuôi 200 con heo. Ảnh: X.PHÚ |
Để chương trình xây dựng NTM đi vào cuộc sống một cách suôn sẻ, Đảng ủy xã có nghị quyết chuyên đề và quán triệt tinh thần, nội dung xây dựng NTM cho tất cả các cán bộ, đảng viên xuống tới tận các ấp. Cán bộ, đảng viên phải đi đầu, làm gương cho dân học tập. Xã đã ưu tiên chọn làm đường giao thông nông thôn và đường điện hạ thế làm khâu đột phá . Đây cũng là thử thách trong cuộc vận động nhân dân đồng thuận xây dựng NTM.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Xuân Đường Nguyễn Văn Tứ, mục tiêu đến cuối năm 2013, xã hoàn thành xây dựng NTM sẽ không có khó khăn, nếu như việc xây dựng chợ mới đã được quy hoạch nằm trong diện tích của nông trường cao su được các sở, ngành của tỉnh và Tổng công ty cao su Đồng Nai hỗ trợ, giải quyết sớm. |
Các cuộc tuyên truyền về lợi ích cho người dân được xã tổ chức thực hiện công khai, dân chủ và kiên trì thuyết phục. Và thật bất ngờ, khi người dân nhận thức được lợi ích của xây dựng NTM thì đã ủng hộ tích cực các chương trình xã hội hóa hạ tầng nông thôn ở Xuân Đường. Ông Tứ nhẩm tính con số người dân đóng góp: đường giao thông ấp 2, dân đã góp 1,8 tỷ đồng; đường bưng A là 530 triệu đồng và điện hạ thế 189 triệu đồng (kể cả giá trị đất lẫn tiền mặt); đường bưng B dự tính khoảng 120 triệu đồng...
Đường giao thông và đường điện được chọn làm mũi nhọn đột phá đang làm khởi sắc bộ mặt nông thôn ở Xuân Đường. Ông Tứ vui vẻ cho biết, đến nay Xuân Đường đã thực hiện đạt 14-15 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM.
Xuân Phú