Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu quay về thị trường nội địa

09:04, 09/04/2012

Tình hình xuất khẩu khó khăn, thị trường trong nước ngày càng rộng, nhiều doanh nghiệp (DN) đang quay về tìm cơ hội ngay tại sân nhà.

Tình hình xuất khẩu khó khăn, thị trường trong nước ngày càng rộng, nhiều doanh nghiệp (DN) đang quay về tìm cơ hội ngay tại sân nhà.

Nhiều DN đã xác định đây không phải là giải pháp tình thế khi thị trường thế giới bấp bênh mà cần phải xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn với sự đầu tư bài bản. Trong đó, nhiều vấn đề cần quan tâm, như: nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, khâu nguyên liệu và kênh phân phối…

* Khi kinh tế thế giới khó khăn

Ông Đặng Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Đăng Long (TP. Biên Hòa), cho biết ngành gỗ phải đối mặt nhiều thách thức vì những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều đang gặp khó khăn về kinh tế. Quý I năm nay, sản lượng xuất khẩu của Đăng Long giảm 30% so cùng kỳ năm ngoái. DN rất vất vả trong cạnh tranh tìm đơn hàng cho thời gian tới. Chính vì vậy, DN rất quan tâm đến kênh tiêu thụ nội địa và sẵn sàng đầu tư lâu dài để có chỗ đứng tại thị trường này dù không phải dễ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Sản phẩm của Biti’s tiêu thụ tốt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất ở Công ty TNHH Bình Tiên tại huyện Thống Nhất.
Sản phẩm của Biti’s tiêu thụ tốt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất ở Công ty TNHH Bình Tiên tại huyện Thống Nhất.

Theo ông Nguyễn Tấn Phú, Giám đốc Công ty TNHH thế giới dinh dưỡng (Nutriworld), đơn vị chuyên xuất khẩu nấm mèo với sản lượng hàng trăm tấn/năm, tuy tỷ trọng tiêu thụ trong nước chiếm hơn 30% nhưng chủ yếu là những đơn hàng sỉ cung cấp cho các đơn vị chế biến, Nutriworld chưa có sản phẩm bán lẻ trên thị trường. Xuất khẩu giảm, DN quan tâm mở rộng thị trường nội địa với mục tiêu cung cấp sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Hiện DN đã có 5 đại lý bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là tiền đề để DN tiếp tục mở rộng mạng lưới tiêu thụ trên cả nước.

Đây là thời điểm Công ty TNHH MTV Đông Nhi (huyện Trảng Bom) chuyển dần từ chuyên làm hàng gia công các sản phẩm bún, phở khô xuất khẩu sang sản xuất với thương hiệu riêng. DN mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, chuẩn hóa từ chất lượng đến bao bì, mẫu mã sản phẩm để thực hiện mục tiêu vừa đưa sản phẩm vào thị trường nội địa vừa trực tiếp xuất khẩu.

* Cần chiến lược dài hạn

Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP. Biên Hòa) chia sẻ, ngày càng nhiều DN xuất khẩu quan tâm khai thác tiềm năng của thị trường nội địa, nhất là trong tình hình thị trường thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Tuy là sân nhà, nhưng việc quay về lại không hề đơn giản. DN phải biết phát huy hết lợi thế của mình về chất lượng sản phẩm, năng lực tiếp cận những thị trường quốc tế khó tính nhất; đồng thời phải hiểu rõ để đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Đồng quan điểm trên, ông Đặng Văn Long nhận định, DN phải chuẩn bị rất nhiều từ nghiên cứu thị trường, tổ chức sản xuất đến việc bán hàng. DN phải xác định đây là cả một quá trình lâu dài với sự đầu tư không nhỏ nên vấn đề chuẩn bị nguồn tài chính cũng rất quan trọng.

“Thị trường nội địa rất tiềm năng nhưng áp lực cạnh tranh không nhỏ. Chính vì vậy, chúng tôi  cung cấp cho thị trường dòng sản phẩm mới với ưu thế về sự tiện dụng, đáp ứng tốt nhu cầu của đối tượng khách hàng đô thị có cuộc sống bận rộn” - ông Nguyễn Tấn Phú nói.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều