Nhiều doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: chi phí đầu vào tăng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm, sức mua trong nước cũng giảm... Không ít đơn vị buộc phải chọn giải pháp thu hẹp sản xuất vì gánh nặng hàng tồn kho.
Nhiều doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: chi phí đầu vào tăng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm, sức mua trong nước cũng giảm... Không ít đơn vị buộc phải chọn giải pháp thu hẹp sản xuất vì gánh nặng hàng tồn kho.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ xuất nhập khẩu Đồng Nai, quý I năm 2012 doanh thu của nhiều DN xuất khẩu giảm khoảng 30% so quý IV năm ngoái. Đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua, chi phí sản xuất tăng nhưng giá đầu ra khó điều chỉnh, các DN buộc phải giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng. Đây được xem là giai đoạn thử “sức khỏe” của DN.
* Lo hàng tồn kho
Chủ một DN sản xuất giày thể thao tại huyện Vĩnh Cửu cho biết, tuy đã lập kế hoạch mở rộng đầu tư trong năm 2012 nhưng hiện DN buộc phải thu hẹp sản xuất giảm khoảng 30% so với trước. Đây là cách DN hạn chế tình trạng hàng tồn vì sức tiêu thụ của thị trường thời gian qua giảm mạnh. Mục tiêu của DN lúc này là cố gắng duy trì ổn định sản xuất, cẩn trọng theo sát biến động thị trường, không còn mạnh dạn sản xuất đón đầu như những năm trước.
Cơ sở may mặc T&D (huyện Xuân Lộc) vẫn tăng trưởng tốt trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: B. Nguyên |
Ông Trần Bá Dũng, Phó giám đốc kinh doanh Công ty may túi xách Hương Mi (Hami - TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ, do sức mua trên thị trường quá chậm nên DN buộc phải kiềm giữ ổn định giá thành sản phẩm dù mọi chi phí đầu vào tăng nhanh. Hami vừa đàm phán với một siêu thị và nhận được yêu cầu phải tăng chiết khấu bán hàng thêm 10% so mức cũ, thời gian thanh toán cũng kéo dài hơn với lý do sức mua trên thị trường sút giảm. Kênh quảng bá, bán hàng thông qua các kỳ hội chợ cũng không như mong đợi. Cụ thể, đợt hội chợ hàng Việt chất lượng cao tại An Giang doanh thu của DN giảm khoảng 60% so năm trước nên DN đang tính đến giải pháp tạm thu hẹp quy mô sản xuất.
* Cơ hội cho cơ sở sản xuất nhỏ
Các cơ sở sản xuất nhỏ với quy mô khoảng vài chục nhân công, chi phí đầu tư không quá lớn lại dễ thích ứng với tình hình khó khăn hiện nay. Họ sẵn sàng nhận đơn hàng chỉ vài trăm sản phẩm nên không lo thiếu khách hàng. Sản xuất đến đâu các cơ sở này nhập nguyên liệu đến đó, linh động trong điều tiết sản xuất nên vòng xoay đồng vốn thường nhanh, hiệu quả sản xuất cao hơn. Nguyên liệu sản xuất của các cơ sở nhỏ này chủ yếu là hàng trong nước và trong cơn khủng hoảng thừa như hiện nay, họ là đối tượng được hưởng lợi trong các đợt xả hàng, giảm giá từ phía DN.
Chị Võ Thị Thu, chủ cơ sở may mặc T&D (huyện Xuân Lộc), chia sẻ từ đầu năm đến nay, cơ sở không nhận được các đơn hàng cả chục ngàn sản phẩm như năm ngoái nhưng lượng khách đặt một, hai ngàn sản phẩm không thiếu nên công nhân vẫn phải tăng ca. Do chọn chuyên sản xuất quần đùi bông xuất khẩu cung cấp cho khách du lịch đi biển, sản phẩm không đụng hàng nên ít chịu áp lực cạnh tranh với DN lớn trong ngành may mặc. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất của cơ sở vẫn tăng trưởng tốt ngay cả trong giai đoạn thị trường khó khăn như hiện nay.
Thương hiệu giày dép Lucky (TP. Biên Hòa) cũng là một đơn vị sản xuất theo quy mô hộ gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ tận dụng tốt lợi thế của mình. Đại diện của nhãn hàng này cho biết, thương hiệu Lucky đã gắn bó qua 3 thế hệ trong gia đình, đều sản xuất theo cách thủ công truyền thống. Sản phẩm làm ra được bán trực tiếp cho người tiêu dùng, không phải mất chi phí qua khâu trung gian. Mỗi mẫu giày dép đơn vị chỉ đưa ra vài chục đôi, thường xuyên cải tiến mẫu mã, sản xuất bổ sung những mẫu được khách hàng ưa chuộng. Cách sản xuất theo sát nhu cầu thị trường này đã hạn chế tình trạng tồn hàng, đọng vốn, một gánh nặng không nhỏ với DN hiện nay.
Bình Nguyên